Trong hơn 20 năm phát triển sau khi chia tách, Đà Nẵng đã có những lúc phải "mạnh tay" theo đúng quy định của pháp luật khi đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố luôn đề nghị các cơ quan chức năng tham mưu, vận dụng linh hoạt các điều khoản để hỗ trợ tối đa cho người dân.
Nỗ lực giải phóng mặt bằng
Từ chỗ chỉ có 2 quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê; bắc qua sông Hàn chỉ có 2 cây cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, gắn với đó là kinh tế xã cũng rất khó phát triển, Đà Nẵng đã huy động sức dân, sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng mạng lưới hạ tầng khá đồng bộ, trong đó có hệ thống các cầu qua sông hàn như Cầu Thuận Phước, Cầu Sông Hàn, Cầu Rồng, Cầu Hòa Xuân, Cầu Nguyễn Tri Phương...
Hệ thống các khu đô thị vệ tinh, sinh thái được xây dựng trên toàn thành phố, trong đó riêng trên địa bàn quận Cẩm Lệ đã có hàng chục dự án được triển khai.
[Đà Nẵng mở rộng không gian đô thị, thay 'chiếc áo cũ đã chật']
Quận Cẩm Lệ được thành lập từ tháng 8/2005. Đến năm 2008, riêng trên địa bàn phường Hòa Xuân triển khai tổng cộng 11 dự án với tổng diện tích quy hoạch 1.100ha với 5.168 hộ bị ảnh hưởng.
Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân có quy mô 437,2ha, di dời và giải tỏa đi trên 2.000 hộ dân với 7.010 hồ sơ. Đến nay, 6.876 hồ sơ đã được bàn giao mặt bằng (đạt 98%), chỉ còn 134 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng, chiếm tỷ lệ 2%.
Ngoài việc được giải quyết bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về đất theo quy định của pháp luật, các hộ được hỗ trợ thêm 25% tổng đơn giá đền bù nhà cửa và vật kiến trúc; hỗ trợ thêm từ 20-80 triệu đồng/hộ để làm nhà tại khu tái định cư, hỗ trợ tôn nền từ 2,5-15 triệu đồng, hỗ trợ móng yếu 20 triệu đồng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Cẩm Lệ, ông Lê Văn Sơn, cho biết Hòa Xuân là vùng có địa hình thấp trũng, hằng năm thường xuyên bị ngập lụt. Do vậy, cần phải quy hoạch nâng cao cốt nền xây dựng khu đô thị mới, di chuyển dân cư lên khu vực cao hơn để đảm bảo các yêu cầu của một khu đô thị hiện đại, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản vào mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó, dự án này là cầu nối gắn kết hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội khu vực các quận phía Nam của thành phố Đà Nẵng.
Việc đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, các khu tái định cư theo tiêu chuẩn hiện đại, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, có nhiều công viên-cây xanh và đặc biệt là khu liên hợp thể thao cho cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên tạo không gian đô thị mở rộng để phân bố lại dân cư và giảm mật độ dân cư từ khu vực trung tâm nội thành theo tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng hiện nay.
Vận dụng linh hoạt các điều khoản để hỗ trợ tối đa cho người dân
Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân được triển khai theo các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định về bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, đền bù, bố trí tái định cư và giải quyết hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm.
Bên cạnh đó, một số công tác có liên quan đến quy hoạch, giải tỏa, sắp xếp lại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo cũng được đặt ra và giải quyết phù hợp; để lại nhà thờ Cồn Dầu theo đề nghị của giáo dân.
Khu vực tái định cư mới, thành phố quy hoạch xây dựng Nhà nguyện, và bố trí tái định cư cho toàn bộ bà con giáo dân. Khu Tái định cư mới chỉ cách Nhà thờ Cồn Dầu khoảng 1,2km, có hệ thống giao thông thuận lợi.
Công tác tổ chức công bố quy hoạch, tiếp dân, đối thoại để giải quyết các đề nghị, kiến nghị giữa lãnh đạo thành phố, quận với cộng đồng dân cư vùng giải tỏa được quan tâm thường xuyên, liên tục.
Lãnh đạo thành phố từ Bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch đã nhiều lần gặp gỡ đối thoại, giải thích cho bà con giáo dân Cồn Dầu (kể cả giám mục giáo phận Đà Nẵng và linh mục quản xứ) về dự án, chính sách đền bù, hỗ trợ, giải tỏa, bố trí tái định cư, hiệu quả của dự án đối với đời sống của bà con.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các quy định có liên quan đến đất đai, quản lý quy hoạch, đo đạc, kiểm định, đền bù, hỗ trợ, giải tỏa và bố trí đất tái định cư được phổ biến công khai, rộng rãi để nhân dân nắm bắt, chấp hành và có ý kiến...
Ủy ban Nhân dân quận Cẩm Lệ luôn quán triệt các cán bộ công chức làm công tác kiểm định, đền bù phải nghiêm túc thực hiện các quy định.
Ông Hồ Văn Duôi (tổ trưởng Tổ dân phố số 72, Hòa Xuân) cho biết: "Gia đình tôi nằm trong diện di dời giải tỏa trắng. Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm nông nghiệp nhưng do ở vùng ngập lụt nên cái nghèo cứ bám riết không chịu buông tha. Cứ mỗi khi mùa mưa bão về là lo nhà sập, nước dâng. Nay được bố trí chỗ tái định cư trong khu quy hoạch, đường sá đi lại dễ dàng, cộng với tiền đền bù, hỗ trợ, gia đình tôi đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang. Vợ chồng tôi hiện ở nhà buôn bán nhỏ cũng đủ sống để an hưởng tuổi già."
Đến nay, có hàng nghìn hộ dân đã ổn định nơi ở mới, có công ăn việc làm ổn định. Nhiều hộ từ làm nông bấp bênh vì phụ thuộc thời tiết, nay đã chuyển sang làm nông theo công nghệ mới, an toàn, cho thu nhập cao và ổn định.
Một số người dân sau khi đến nơi ở mới chuyển sang làm dịch vụ như cho thuê nhà trọ, buôn bán cây cảnh, dịch vụ ăn uống.../.