Đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng quê hương (29/3/1975-29/3/2013), Đà Nẵng khánh thành và đưa vào sử dụng 3 chiếc cầu bắc qua sông Hàn là Cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Tri Phương. Như vậy, đến nay trên dòng sông Hàn đã có 9 chiếc cầu được bắc qua. Trước ngày giải phóng, Đà Nẵng chỉ có 2 cây cầu (một cầu đường bộ và một cầu đường sắt). Giờ đây, có thể nói Đà Nẵng là thành phố của những chiếc cầu. Đây cũng thật sự là dấu ấn mà người dân Đà Nẵng không bao giờ quên vào ngày trọng đại của quê hương. Từ xa xưa cho đến nay, những cây cầu bắc qua sông có nhiệm vụ chính là nối liền đôi bờ để người dân qua lại dễ dàng và sự giao lưu trên các mặt văn hóa, kinh tế được thuận lợi. Nhưng với thành phố Đà Nẵng, dường như mỗi cây cầu còn là tác phẩm nghệ thuật, mang trong mình những nét độc đáo, không lẫn với bất kỳ công trình nào khác trên cả nước. Đầu tiên phải nói đến cầu Sông Hàn, một cây cầu được xây dựng bởi sự đồng thuận của lòng dân và đây cũng là chiếc cầu được thực hiện với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" và đến nay vẫn được xem là chiếc cầu quay duy nhất ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Hoặc cầu Thuận Phước với dáng dấp hiện đại hiên ngang đứng giữa cửa ngõ biển trời bao la, biểu tượng của giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa và khẳng định sức bật mới của thành phố trẻ bên sông Hàn. Cây cầu Trần Thị Lý với kiến trúc dây văng một trụ tháp hình chữ I nghiêng là biểu tượng đặc trưng mới cho thành phố Đà Nẵng. Đăc biệt, Cầu Rồng được xem là biểu tượng cho một giai đoạn phát triển mới, động lực cho khí thế cất cánh mới của thành phố. Hình dáng cầu được mô phỏng theo hình tượng con Rồng phản ánh mong muốn thành phố ngày càng phát triển vững vàng với tầm thế vươn ra biển lớn, Cầu Rồng là công trình vĩnh cửu, một điểm nhấn cảnh quan độc đáo, biểu tượng kiến trúc mới của thành phố tỏa ánh sáng làm cho sông Hàn càng thêm lung linh vẻ đẹp mà chắc không một thành phố nào của cả nước có được.
Cầu Rồng phun lửa thử nghiệm trước ngày khánh thành. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Ngoài ra công trình còn có vai trò quan trọng trong chiến lược hoàn thiện hạ tầng đô thị Đà Nẵng, kết nối sân bay quốc tế và đại lộ thương mại sầm uất Nguyễn Văn Linh với vùng du lịch ven biển, mở rộng liên kết với các tuyến trọng điểm du lịch Sơn Trà, Hội An, tạo lợi thế hỗ trợ để khai thác tối ưu tiềm năng du lịch của thành phố Đà Nẵng. Chính các cây cầu độc đáo, mới lạ cả về mặt công nghệ lẫn thẩm mỹ đã góp phần làm nên diện mạo mới cho thành phố, tạo nên một sức bật mới cho Đà Nẵng. 38 năm qua, đất nước và con người đều trải qua nhiều đổi thay, con người Đà Nẵng đã vượt qua nhiều gian nan thử thách, vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa thường xuyên nâng cao cảnh giác, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, vừa tập trung phát triển kinh tế, xã hội. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã cố gắng rất lớn để đưa Đà Nẵng từ một căn cứ quân sự khổng lồ trở thành một thành phố công nghiệp, một trung tâm dịch vụ, một cửa ngõ giao thông quốc tế quan trọng và nay là đô thị loại một cấp quốc gia. Kinh tế thành phố tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp. So với năm 1997 (thời điểm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương), tổng giá trị sản phẩm xã hội (GDP) tăng gấp 4 lần, đạt tốc độ bình quân trên 11% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Nhiều chính sách an sinh xã hội đậm tính nhân văn được triển khai có hiệu quả, nhất là các chương trình "thành phố 5 không" và "thành phố 3 có." Có thể nói, trong những thành tựu đạt được, tốc độ đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị được xem là nổi bật nhất của thành phố. Từ chỗ "quay lưng" với biển, Đà Nẵng đã kiến thiết để có hai mặt tiền là biển và làm cho sông Hàn ngày càng đẹp hơn. Thành phố đã tạo được dấu ấn trong việc thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" và chủ trương "khai thác quỹ đất tạo vốn để phát triển hạ tầng". Tất cả các con đường nội thành khi mở rộng, nâng cấp, người dân sẵn sàng hiến đất, thành phố không phải đền bù. Qua đó, hàng ngàn căn hộ chung cư được xây dựng mới; hàng trăm km đường giao thông được thảm nhựa; hàng chục khu dân cư mới ra đời.
Cầu mới Trần Thị Lý sẵn sàng cho ngày thông xe chính thức. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Để xây dựng thành phố được như hôm nay, gần 90.000 hộ dân trong diện giải tỏa, di dời, dù còn chút ít băn khoăn, trăn trở nhưng đã tự nguyện bàn giao mặt bằng cho các dự án, công trình. Đó là một thành công rất lớn, là minh chứng sống động, hùng hồn về sự tuyệt vời của lòng dân Đà Nẵng. Có thể nói rằng, cái được lớn nhất trong thời gian qua ở Đà Nẵng là được lòng dân. Chính lòng dân ấy, chính sự đồng thuận đã là nguồn lực mạnh mẽ ủng hộ, cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Đây cũng chính là bài học lớn và sâu sắc nhất của Đà Nẵng trong suốt chặng đường vừa qua. Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết: Cùng với những kết quả đạt được thời gian qua trong lĩnh vực kinh tế, các kết quả về an sinh xã hội, đời sống của cán bộ và các tầng lớp nhân dân được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định là những điểm nổi bật. Nguyên nhân đạt được những thành quả đó là do các chủ trương của Đảng bộ và chính quyền thành phố nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Yếu tố “Lòng dân” là nhân tố quyết định để những chủ trương của thành phố trở thành hiện thực, dù có gặp khó khăn. Đà Nẵng có đủ "thế" và "lực" để hoàn thành mục tiêu “Thành phố đáng sống,” xây dựng thành một thành phố ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực ASEAN và châu Á. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình và từng bước đi phù hợp. Trước mắt, thành phố sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 12-13%/ năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 19-20%/năm; tốc độ đổi mới công nghệ bình quân hàng năm đạt 25%. Mọi người dân Đà Nẵng phải được hưởng các dịch vụ tốt nhất. Để trở thành “Thành phố đáng sống”, cần sự phát triển bền vững về kinh tế - văn hoá- môi trường, để không ngừng nâng cao chất lượng đời sống người dân. Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung vào năm hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội gồm: Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại; phát triển công nghệ công nghiệp cao, công nghiệp công nghệ thông tin; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. Những ngày tháng 3 lịch sử này, trên dòng sông Hàn đã in đậm hình dáng con Rồng qua chiếc cầu được thể hiện theo mô phỏng Rồng. Dáng rồng bay mạnh mẽ nhưng nhẹ nhàng mang lại cảm giác hân hoan, ngóng chờ không chỉ cho người dân thành phố mà còn bạn bè khắp mọi miền đất nước và cũng là một trong những yếu tố níu chân, thôi thúc du khách đến thăm thành phố. Họ đến để chiêm ngưỡng kiệt tác về sự táo bạo trong ý nghĩ, thể hiện sức mạnh của sự sáng tạo, của khả năng chinh phục tự nhiên và công nghệ của con người. Cầu Rồng mang hình dáng Rồng đang vươn mình ra biển Đông như là một biểu tượng mới của thành phố Đà Nẵng đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, vững vàng hội nhập với thế giới./.
Văn Sơn (TTXVN)