Ngày 16/7, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đã họp khẩn bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Ông Phan Văn Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho biết, từ 17 giờ ngày 15/7 đến 10 giờ ngày 16/7, thành phố ghi nhận thêm 40 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Hiện Đà Nẵng có 9 chuỗi lây nhiễm.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, nêu rõ, hiện nay ở thành phố xuất hiện một số điểm dịch cho nên tình hình dịch bệnh tại thành phố nguy cơ rất cao.
Đề cập việc xử lý kiểm soát dịch tại Công ty Murata Đà Nẵng, nơi có 300 trường hợp F1, 1.300 trường hợp F2, bà Yến cho rằng cơ quan chức năng đã lúng túng trong việc kiểm soát dịch tại đây, chưa xác định đối tượng cần đưa đi cách ly, thiếu tính kịp thời.
Các cơ quan chức năng và các địa phương cần rút kinh nghiệm từ đây để thực hiện công tác phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Theo Giám đốc Sở Y tế, trong tình hình nay, các địa phương, cơ quan chức năng cần triển khai tổ chức xét nghiệm chủ động. Trên tinh thần phân ra từng khu vực để thực hiện xét nghiệm, như địa điểm xét nghiệm sàng lọc, địa điểm xét nghiệm nhanh để lấy kết quả sớm. Mỗi khu vực phải có chiến lược và thời gian cụ thể.
[Bộ Y tế: Rà soát lại các kịch bản chuẩn bị tình hình dịch phức tạp hơn]
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các quận, huyện, đơn vị chức năng phải quyết liệt dập dịch và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch; chủ động trong việc phong tỏa, thực hiện xét nghiệm diện rộng để rà soát dịch; phát huy vai trò Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng.
Bí thư Thành ủy đồng ý với đề xuất phong tỏa 4 phường theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ gồm: Hòa An (quận Cẩm Lệ); Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu); An Khê, Thạc Gián (quận Thanh Khê).
Đồng thời, Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Y tế có chiến lược xét nghiệm mới, hướng dẫn cụ thể - tại khu vực nguy cơ phải test nhanh, sau đó xét nghiệm PCR; Ban Quản lý Khu Công nghiệp và Khu công nghệ cao phải rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm cho người lao động, doanh nghiệp nào hoàn thành việc xét nghiệm mới được sản xuất.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam có công văn gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh liên quan về việc phối hợp đưa người dân Đà Nẵng ở Thành phố Hồ Chí Minh được trở về Đà Nẵng.
Nhằm tạo điều kiện cho một số người dân Đà Nẵng đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu trở về địa phương, góp phần chia sẻ khó khăn và áp lực với Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho phép Hội Đồng hương Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức đón công dân Đà Nẵng trở về địa phương theo kế hoạch đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt.
Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam tạo điều kiện cho các xe do thành phố Đà Nẵng đón người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về được đi qua thuận lợi.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, từ 12 giờ ngày 16/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc đưa vào hoạt động 9 chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các tuyến đường trọng yếu ra, vào tỉnh với sự tham gia của lực lượng công an, quân đội, y tế, thanh tra giao thông.
Các chốt kiểm tra, kiểm soát phương tiện giao thông vào địa bàn tỉnh hoạt động suốt ngày đêm, trọng tâm là từ 7 giờ 30 đến 22 giờ, tập trung vào các loại phương tiện chở khách.
Lực lượng y tế có nhiệm vụ kiểm tra kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày của những người đi từ hoặc đi qua các địa phương đang có dịch; kiểm tra y tế, phun khử trùng phương tiện khi có yếu tố dịch tễ./.