Đại biểu góp ý về dự án Luật khiếu nại, tố cáo

Ngày 8/6, Hội thảo góp ý về dự án Luật Khiếu nại đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học.
Ngày 8/6, Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý về dự án Luật Khiếu nại.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ nhấn mạnh, Luật Khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998 và đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 đã góp phần tạo lập khung pháp lý quan trọng để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần phải giải quyết. Hội thảo này ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan… để hoàn thiện Luật Khiếu nại, nâng cao chất lượng của luật, đáp ứng thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…

Luật khiếu nại gồm 9 chương, 82 điều. Khái niệm “khiếu nại” được hiểu khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, công dân có quyền khiếu nại và khiếu nại được hiểu là một trong hai việc: Một là công dân, cơ quan, tổ chức yêu cầu người có quyết định, hành vi hành chính xem xét lại quyết định, hành vi hành chính của họ; Hai là công dân, cơ quan, tổ chức đề nghị thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có quyết định hành chính, hành vi hành chính giải quyết khiếu nại.

Dự thảo lần này chủ yếu vẫn điều chỉnh các quan hệ khiếu nại và giải quyết khiếu nại giữa cơ quan, tổ chức công dân với cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Dự thảo luật quy định rõ hơn đối với các khiếu nại phát sinh trong các đơn vị sự nghiệp công lập; Khiếu nại, giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng được áp dụng theo quy định của luật này.

Dự thảo luật lần này xác định rõ hơn khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực chuyên ngành thì áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành, nếu pháp luật chuyên ngành không quy định thì áp dụng theo quy định của luật này.

Đối với các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội sẽ căn cứ các quy định của luật này hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về khiếu nại trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Tiến sĩ Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng vai trò của luật sư cần quy định cụ thể hơn theo hướng cần thiết cả hai bên khiếu nại và bị khiếu nại cần phải có luật sư; Luật sư của bên khiếu nại làm gì, quyền hạn ra sao. Vai trò, địa vị pháp lý của luật sư trong mối quan hệ này cần được đề cao - đại biểu đề xuất.

Tiến sĩ Phạm Tuấn Khải đề nghị cần làm rõ nội dung khiếu nại, giải quyết khiếu nại tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Đặng Đình Luyến, Vụ pháp luật, Văn phòng Quốc hội đánh giá thẩm quyền, trình tự giải quyết khiếu nại hành chính hiện hành cần được nghiên cứu đổi mới vì quy trình này vẫn chưa hợp lý, rõ ràng, vẫn qua hai cấp hành chính giải quyết khiếu nại…

Đại biểu đề nghị quy định theo hướng khi có khiếu nại thì người có thẩm quyền cấp trên trực tiếp của người có quyết định hành chính, hành vị hành chính bị khiếu nại có trách nhiệm giải quyết; Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết hoặc quá thời hạn do pháp luật quy định mà không giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án hành chính mà không được khiếu nại lên cấp trên nữa.

Đại biểu Hồng Anh (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng Luật Khiếu nại phải cụ thể hóa quyền khiếu nại của công dân, nhưng trong dự thảo lại quy định chỉ liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước… Theo đại biểu nếu “bó hẹp” phạm vi điều chỉnh như vậy thì đây chỉ là Luật khiếu nại hành chính.

Từ những phân tích đó, đại biểu đề xuất phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Khiếu nại cần phải phải rộng hơn.

Tiến sĩ Phạm Hồng Thái, Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị dự án luật cần xem xét vấn đề khiếu nại đông người. Luật cần có quy định về khiếu nại đông người và trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đông người.

Đại biểu cho rằng nếu không quy định nội dung này sẽ bỏ qua quyền lợi của người dân.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, đánh giá quy trình giải quyết khiếu nại hiện nay có vấn đề. Dự thảo chưa giải quyết được câu chuyện, ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết khiếu nại.

Đại biểu dẫn chứng trong thực tiễn có nhiều khiếu nại phát sinh từ văn bản pháp quy, cần quy định các văn bản pháp quy nếu có vi phạm cũng có thể bị khiếu nại chứ không chỉ các quyết định cá biệt.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao đề xuất nên quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan bị khiếu nại.

Nhiều ý kiến của đại biểu đã được Ban soạn thảo tiếp thu để hoàn chỉnh dự án luật./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục