Đại biểu Lê Viết Chữ: "Đầu tư xã hội sẽ hiệu quả hơn đầu tư Nhà nước"

Theo đại biểu Lê Viết Chữ, một đất nước đang trong quá trình xây dựng, nhu cầu đầu tư là rất lớn và nợ nhiều là đương nhiên, nhưng quan trọng là phải bàn và đưa ra các giải pháp để đầu tư hiệu quả.
Đại biểu Lê Viết Chữ: "Đầu tư xã hội sẽ hiệu quả hơn đầu tư Nhà nước" ảnh 1Đại biểu Lê Viết Chữ, đoàn Quảng Ngãi đang trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Báo cáo trước Quốc hội sáng nay (1/11) Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, tại thời điểm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP nhưng sau 14 năm, tức là năm 2015 con số này đã là 62,2% GDP.

Về quy mô, năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001. Tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011-2015 là 18,5%/năm, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, phương án vay đảo nợ cũng tăng nhanh, nếu như năm 2013 phải đảo nợ 47.000 tỷ đồng thì chỉ một năm sau đó con số đảo nợ đã tăng lên mức 106.000 tỷ đồng và con số này năm 2015 đã là 125.000 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2016, Việt Nam tiếp tục phải đảo nợ 95.000 tỷ đồng...

Nhìn nhận về nợ công, đại biểu Lê Viết Chữ, đoàn Quảng Ngãi cho rằng, một đất nước đang trong quá trình xây dựng, nhu cầu đầu tư là rất lớn, vì vậy việc nợ nhiều cũng là điều đương nhiên, nhưng theo ông điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải bàn và đưa ra các giải pháp để đầu tư hiệu quả.

Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, diễn ra sáng nay (1/11), đại biểu Lê Viết Chữ đã trao đổi với phóng viên một số nhận định và giải pháp về nợ công.


- Ngày hôm nay Quốc hội bàn về nợ công, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề quản lý nợ công của Việt Nam hiện nay?

Đại biểu Lê Viết Chữ: Tôi nghĩ một đất nước đang trong quá trình xây dựng, nhu cầu đầu tư là rất lớn, vì vậy chúng ta nợ nhiều cũng là điều đương nhiên. Điều quan trọng là chúng ta bàn các giải pháp làm sao đầu tư hiệu quả, không phải chỉ có nguồn vốn nhà nước mà là nguồn lực của cả xã hội. Đó là giải pháp tốt nhất để vừa phát triển kinh tế vừa kiểm soát nợ công.

Để làm được việc này, theo tôi có mấy việc mà Quốc hội bàn, quyết và Chính phủ sau đó điều hành. Thứ nhất, chúng ta phải kiên trì mục tiêu tháo gỡ khó khăn, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để người dân, doanh nghiệp đưa vốn ra để đầu tư sản xuất kinh doanh. Chính việc đầu tư hiệu quả sẽ giảm đi nợ.

Thứ hai, chúng ta cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng làm sao để có thể giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư vì chi đầu tư để thu, để tạo ra giá trị gia tăng còn chi thường xuyên là chi cho tiêu dùng. Muốn làm được điều này, chúng ta phải sắp xếp lại bộ máy, làm sao để bộ máy Nhà nước hết sức gọn nhẹ, hiệu quả. Như vậy, cái gì mà tập đoàn kinh tế ngoài Nhà nước làm tốt thì để cho họ làm ví dụ như y tế, giáo dục, văn hóa…

Phải sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp của Nhà nước mà chất lượng kém, không cạnh tranh theo chiều hướng giảm xuống để huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào những lĩnh vực này. Đây cũng là cách tốt để giảm bội chi.

Thứ ba là cần cơ cấu lại ngân sách. Trước đây chỉ cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước thì nay cần cơ cấu đầu tư xã hội. Có nghĩa là giảm đầu tư công xuống theo tỷ lệ giảm đơn vị sự nghiệp công xuống và tăng đầu tư xã hội để hút nguồn lực lớn đầu tư.

Trong bối cảnh của chúng ta hiện nay, tôi cho rằng đầu tư xã hội sẽ hiệu quả hơn đầu tư Nhà nước. Từ nhiều năm qua, cái mà không hiệu quả nhất là do đầu tư công. Vì vậy nếu chúng ta thúc đẩy đầu tư xã hội thì sẽ hiệu quả, tạo nguồn thu và từ những năm sau thu nhiều hơn sẽ giảm đi mất cân đối thu chi.

Thứ tư, chúng ta phải làm tốt hơn nữa thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Từ thực tiễn địa phương, tôi thấy các dự án FDI rất hiệu quả. Nhưng, phải khắc phục hạn chế hiện nay là chúng ta chuẩn bị mặt bằng, lao động nhưng thu lại từ vấn đề này không nhiều.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài chưa nhiều… Do đó, phải sửa chính sách làm sao cho đầu tư nước ngoài tạo ra giá trị, sản phẩm, việc làm, thu nhập nhưng làm sao để doanh nghiệp trong nước cũng tự nâng lên về mặt công nghệ, quản trị và hiệu quả. Như vậy, đầu tư công mới thực sự hiệu quả, bởi trong thời gian qua mới được một vế là tạo ra sản phẩm, công ăn việc làm chứ thu ngân sách chưa nhiều và chưa có liên kết nhiều.

Giải pháp nữa là kỷ luật kỷ cương hành chính trong chi ngân sách nhiều lúc chúng ta dễ dãi trong quản lý dẫn đến lãng phí không những trong chi đầu tư mà còn chi thường xuyên. Do đó, kỷ luật để thắt chặt chi tiêu, bảo đảm nguồn vốn ngân sách được chi đúng chỗ, thực sự hiệu quả.


- Hiện nay phải huy động nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng hiện nguồn lực nền kinh tế rất hạn hẹp. Chúng ta phải lấy nguồn này từ đâu, thưa ông?

Đại biểu Lê Viết Chữ: Đúng vậy, để 5 năm lấy 10 triệu tỷ đồng là rất lớn đối với Việt Nam. Tính toán trong đề án của Chính phủ là ngân sách nhà nước chỉ có 24-25%, vậy 75% còn lại phải đặt ra vấn đề là nguồn ở đâu?

Quan điểm của tôi thì nguồn lớn nhất là trong xã hội, trong nhân dân. Muốn lấy nguồn 75% trong xã hội này thì chúng ta phải có chính sách. Theo đó, Nhà nước thực sự phải là Nhà nước kiến tạo, khởi nghiệp để cho ai có nguồn vốn, kiến thức, có công nghệ thì đầu tư ra sản xuất. Chúng ta phải làm tốt việc tạo môi trường bình đẳng, khi nhà đầu tư thấy lĩnh vực này Nhà nước không đầu tư thì người ta sẽ mạnh dạn đầu tư, còn một bên Nhà nước đầu tư, một bên tư nhân đầu tư thì họ không bao giờ đầu tư.

Như vậy, chúng ta tạo môi trường bình đẳng và người dân thấy bình đẳng sẽ tự bỏ vốn, kinh nghiệm, công nghệ để đầu tư. Và như vậy, sẽ có 75% còn lại trong tái cơ cấu. Đây không chỉ là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà phải tái cơ cấu đầu tư xã hội.

Tái cơ cấu đầu tư xã hội mới là quan trọng, chính việc này sẽ thấy tiềm năng trong xã hội lớn và chính sách của chúng ta phải hướng vào đối tượng này chứ không chỉ hướng vào đối tượng là ngân sách nhà nước và đầu tư công.

Thời gian vừa qua, tôi rất ủng hộ chính sách khởi nghiệp của Chính phủ. Vì chúng ta chưa thực sự có nền kinh tế thị trường, nhiều người dân có vốn, muốn làm ăn nhưng thiếu kiến thức về khởi nghiệp. Thế nên, nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương làm tốt chính sách khởi nghiệp như giúp cho người dân tìm hiểu công nghệ ở đâu, quy trình quản lý, pháp luật thế nào để từ đó họ biết và đổ tiền vào sản xuất. Đây sẽ là nguồn vốn lớn hơn nhiều so với vốn ngân sách.

- Có một thực tế là việc phân bổ nguồn lực đang diễn ra thiếu hiệu quả trong khi chúng ta đặt ra bài toán đầu tư nhiều công trình đầu tư công rất lớn. Theo ông, bài toán này nên giải quyết thế nào?

Đại biểu Lê Viết Chữ: Tôi nghe nhiều đại biểu nói rằng phân bổ nguồn lực của chúng ta thực sự không hiệu quả và ai cũng trăn trở vì điều đó.

Để sửa việc này, chúng ta xác định nguồn lực đất nước gồm tiền vốn, con người, tài nguyên khoáng sản và những nguồn lực này phải được phân phối theo tín hiệu thị trường. Nghĩa là, chi ra để thu chứ không phải thu vào để chi. Chỗ nào sinh lợi nhuận cao thì bỏ vốn vào nhiều chứ không nên làm ngược lại như trước đây tức là những doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả nhưng được nhiều vốn, đất đai, lao động chất lượng cao… thì đó là điều bất hợp lý, phi thị trường.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục