Đại biểu Quốc hội: “Ấn tượng bình đẳng giới trong nhiệm vụ chính trị ở Việt Nam"

Bên lề nghị trường kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV, với câu chuyện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, đại biểu Lương Xuân Cừ chia sẻ ấn tượng nhất là bình đẳng giới trong nhiệm vụ chính trị ở VN.

vnp_binh dang gioi.jpg
Tỉ lệ trẻ nam đang chiếm ưu thế. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Quốc hội vừa nghe Báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Trao đổi bên lề nghị trường, đại biểu Lương Xuân Cừ, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đánh giá lĩnh vực bình đẳng giới đã và đang ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

“Theo tôi, bình đẳng giới là việc chúng ta quan tâm tới giới nữ hơn ở một số lĩnh vực mang tính chất chủ chốt, cơ bản để người phụ nữ tiếp tục được giải phóng, tiếp tục được phát huy vai trò của mình,” đại biểu nói.

- Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới thời gian qua?

Đại biểu Lương Xuân Cừ: Trước hết, tôi khẳng định công tác bình đẳng giới ở Việt Nam đã và đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Sự quan tâm đó được thể hiện bằng chủ trương, đường lối chính sách. Qua rất nhiều năm kiên trì phấn đấu của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hiện nay, bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được những chỉ tiêu, thành tích đáng trân trọng.

Tôi ấn tượng nhất chính là bình đẳng giới trong nhiệm vụ chính trị ở Việt Nam. Chúng ta thấy rằng các cán bộ chủ chốt nữ trong cấp ủy, chính quyền địa phương cơ bản đã đạt được theo chỉ tiêu đề ra và có những cấp có những vấn đề mang tính đột biến.

Ví dụ như tỉ lệ nữ trong đại biểu Quốc hội và tỉ lệ nữ trong hội đồng nhân dân các cấp rất cao; đại đa số các tỉnh đều có cán bộ nữ là cán bộ chủ chốt. Đây là một quyết tâm rất lớn và đó cũng là chỉ tiêu hết sức quan trọng, cốt lõi và cơ bản nhất. Bởi từ công tác chính trị, sự lan tỏa, lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm tới cán bộ nữ được cụ thể hóa hơn và sẽ hiệu quả hơn.

Đại biểu Lương Xuân Cừ.jpg
Đại biểu Lương Xuân Cừ. (Ảnh: Quốc hội)

- Vâng, đó quả thực là tín hiệu vui. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn 4 chỉ tiêu có kết quả giảm nhẹ so với năm 2022. Đặc biệt, chỉ tiêu về tỉ số giới tính khi sinh mặc dù được khống chế nhưng chưa ổn định và còn ở mức cao so với cân bằng tự nhiên. Theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Đại biểu Lương Xuân Cừ: Thực ra đất nước ta đã có hàng nghìn năm phong kiến, nên tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu vào từng dòng tộc, địa phương. Theo tôi vấn đề này vẫn cần phải tiếp tục tuyên truyền và cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội trên tất cả các địa bàn.

Ví dụ, ở các đô thị hiện nay, vấn đề sinh con trai, con gái là bình thường còn ở nhiều vùng quê vẫn quan niệm nặng nề. Theo tôi, muốn thay đổi cũng phải từ từ. Tỉ lệ sinh cân bằng giữa nam và nữ chắc chắn cần thời gian dài mới có thể thay đổi được. Vì đó là tư tưởng hệ phong kiến, văn hóa truyền thống đã thâm căn cố đế của người Việt.

- Có không ít những khó khăn trong việc thu thập, thống kê các số liệu chỉ tiêu về bình đẳng giới để báo cáo, đánh giá hàng năm. Làm sao để đảm bảo tính bền vững của một trong số những chỉ tiêu thông qua các cuộc tổng điều tra, khảo sát định kỳ 10 năm, 5 năm, 2 năm một lần và theo ông, cần giải pháp cụ thể thế nào để đo lường kết quả thực hiện?

Đại biểu Lương Xuân Cừ: Trước tiên, tôi nghĩ rằng bình đẳng giới không có nghĩa sẽ quá ưu tiên giới nữ mà xem nhẹ giới nam. Bình đẳng giới xác định trên tinh thần do giới tính, do tư tưởng, thậm chí cả do chức năng, thiên chức mà hiện nay, giới tính nữ đang có thiệt thòi hơn. Điều kiện khác giới đó đang bị phân biệt.

Theo tôi, bình đẳng giới là chúng ta quan tâm tới giới nữ hơn ở một số lĩnh vực mang tính chất chủ chốt, cơ bản để người phụ nữ tiếp tục được giải phóng, tiếp tục được phát huy vai trò. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng trong chương trình chỉ tiêu về bình đẳng giới đặt ra các vấn đề tương đối rộng, tương đối toàn diện.

vna_potal_khai_mac_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_7385207.jpg
Đại biểu nữ chiếm tỉ lệ khá đông trên nghị trường Quốc hội kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, trong xu thế cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trước hết phải lấy chỉ tiêu về tham gia công tác cán bộ chủ chốt, thì sự quan tâm và thực hiện chính sách bình đẳng giới sẽ tốt hơn. Đặc biệt, Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ liên quan tới cán bộ, chỉ cần làm tốt công tác cán bộ, đảm bảo chỉ tiêu thì chắc chắn các chỉ tiêu khác sẽ dễ dàng thực hiện.

Ví dụ, vấn đề giáo dục, y tế, đặc điểm tâm sinh lý khác biệt hay thiên chức làm mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn tới phát triển sự nghiệp của người phụ nữ. Do đó, chúng ta cần quan tâm về chính sách công tác cán bộ để người phụ nữ được hòa nhập tốt hơn.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam là một trong những nước có chỉ số xếp hạng tiến nhanh về bình đẳng giới (trên 4 khía cạnh chính bao gồm kinh tế, giáo dục, y tế và chính trị) thông qua sự gia tăng chỉ số Trao quyền Chính trị từ ngưỡng 13,5% của năm 2022 lên 16,6% trong năm 2023 nhờ có sự xuất hiện của các bộ trưởng là nữ.

Đặc biệt, Việt Nam được ghi nhận là bình đẳng hoàn toàn về tỷ lệ phụ nữ làm công nhân kỹ thuật và phụ nữ kiếm được 81,4% thu nhập.

Đến cuối năm 2023, có 11/20 chỉ tiêu về bình đẳng giới đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt 1 phần, 2 chỉ tiêu tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

Tuy nhiên, 4 chỉ tiêu còn khoảng cách nhất định với mục tiêu đề ra đến năm 2025. Đặc biệt là tỷ số giới tính khi sinh vẫn có xu hướng gia tăng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục