Đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự điều hành, quản lý của Chính phủ

Ngày 26/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2019.
Đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự điều hành, quản lý của Chính phủ ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 26/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2019.

Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của Chính phủ trong thời gian qua, giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong đầu nhiệm kỳ; đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng cường niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Cũng tại hội trường, nhiều đại biểu đã đánh giá thực trạng và kiến nghị các giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, một số đại biểu "chưa thật sự an tâm, còn cảm thấy lo lắng" trước nhiều khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra trong thời gian tới như chất lượng tăng trưởng tích cực, cải thiện nền kinh tế dựa vào vốn tài nguyên sức lao động, đầu tư nước ngoài; công nghiệp chủ yếu là quan hệ gia công sản xuất.

Nông nghiệp chưa phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; nền nông nghiệp còn chịu nhiều rủi ro về thị trường dễ bị tổn thương. Nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thô, lao động giá rẻ, chế biến thô là phổ biến, trong khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chưa thật sự lan tỏa trong nền kinh tế.

Theo nhiều đại biểu, những hạn chế đó không chỉ làm mất lợi thế của đất nước, mà còn đang hình thành những yếu tố bất lợi trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới và trước cuộc cạnh tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch diễn biến khó lường.

Trao đổi những vấn đề cử tri quan tâm

Chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi tại hội trường về những vấn đề được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm, cho ý kiến như: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giải pháp cho tình trạng "được mùa mất giá" hay những vấn đề về giáo dục nổi cộm trong thời gian qua như những sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, vấn đề độc quyền sách giáo khoa...

Thời gian qua, việc xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã chú trọng đầu tư cho sản xuất và có những chuyển biến rõ nét. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tập trung tháo gỡ vướng mắc, ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm triển khai đồng bộ và mở rộng đối tượng, phạm vi được hưởng ưu đãi, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

[Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình về một số vấn đề 'nóng']

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng việc ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn có những bất cập, hạn chế. Tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn tiếp tục tái diễn mà việc giải cứu nông sản (thanh long, chuối, khoai tây) thời gian vừa qua đã cho thấy cơ chế liên kết trong nông nghiệp còn bất cập, nhiều nơi chưa hiệu quả.

Trao đổi tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, về tăng trưởng nông nghiệp trong 9 tháng năm 2018 đạt 3,65%, mức tăng trưởng rất cao trong nhiều năm gần đây.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành nông nghiệp đã tập trung phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao. Về 3 trục sản phẩm, nhóm sản phẩm quốc gia là các sản phẩm có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm quy mô hàng hóa cấp nông sản địa phương từng bước được áp dụng công nghệ cao, phù hợp từng quy mô, cấp độ, trình độ quản trị.

Lĩnh vực giáo dục-đào tạo luôn được cử tri rất quan tâm. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu tiếp tục thảo luận, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề sách giáo khoa, những sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia mà dư luận rất quan tâm trong thời gian qua.

Trao đổi tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành giáo dục đang có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn các kỳ thi, giảm tải áp lực cho học sinh.

Sau những sai phạm tại kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh đã bị xử lý. Bộ đã rà soát lại ngay toàn bộ quy trình thi và chấm thi. Quy trình đầy đủ nhưng một số khâu, đặc biệt là khâu chuẩn bị câu hỏi chuẩn hóa và ra đề thi phải tốt hơn.

Về phần mềm, ông thừa nhận chưa lường hết khâu công nghệ để mã hóa code đề thi, đây là một trong những sơ hở. Bộ đã họp toàn bộ các giám đốc sở để bàn về vấn đề này và rút kinh nghiệm. Trong chính Bộ cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức để rút kinh nghiệm cho kỳ thi sau.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học; cơ cấu, biên chế giáo viên; vấn đề sách giáo khoa... đang được dư luận quan tâm.

Ngày mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục