Đại biểu Quốc hội tranh luận về việc ban hành Luật An ninh mạng

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật An ninh mạng, trong đó tính cần thiết ban hành Luật An ninh mạng là nội dung được nhiều đại biểu phân tích, cho ý kiến.
Đại biểu Quốc hội tranh luận về việc ban hành Luật An ninh mạng ảnh 1 Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu phát biểu ý kiến. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình kỳ họp sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật An ninh mạng. Tính cần thiết ban hành Luật An ninh mạng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội phân tích, cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Theo Tờ trình, Luật An ninh mạng ra đời để đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc, sự phù hợp với thông lệ quốc tế.

[Dự báo các mối đe dọa an ninh mạng có thể xảy ra trong năm 2018]

Thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành việc ban hành Luật An ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác giải quyết các vụ việc sử dụng không gian mạng để khủng bố, phá hoại an ninh, hòa bình thế giới.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc cần thiết có Luật An ninh mạng bởi tình hình hiện nay, an ninh mạng là vấn đề quan tâm của toàn cầu, có tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều quốc gia ban hành các đạo luật, đưa ra các chính sách phát triển công nghệ thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn, tấn công trên không gian mạng nhằm bảo vệ các giá trị, lợi ích, an ninh của đất nước. Ở nước ta, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở, hệ thống chính sách chưa đồng bộ.

Tán thành với sự cần thiết có luật này, đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) phân tích, hiện Việt Nam là nước nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất. Các thế lực thù địch, tội phạm triệt để lợi dụng tiện ích của internet, đặc biệt là mạng xã hội để tiến hành hoạt động xâm phạm an ninh trật tự, gây bất ổn trong xã hội. Việt Nam chưa có văn bản pháp luật quy định về công tác an ninh mạng; các quy định hiện có về an toàn thông tin mạng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên không gian mạng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác an ninh mạng. Đại biểu nêu quan điểm việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết, phù hợp với thế giới, qua đó góp phần đắc lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai đảm bảo an ninh mạng cũng như công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động sử dụng internet để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đặt câu hỏi, vì sao có Luật An toàn thông tin mạng rồi nhưng vẫn phải xây dựng Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phân tích phạm vi điều chỉnh của hai luật là hoàn toàn khác nhau. Viện dẫn Bộ luật Hình sự quy định tất cả các hành vi phạm tội còn Luật Phòng, chống tham nhũng hay Luật Phòng, chống ma túy quy định biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chuyên sâu hơn với các loại tội phạm mà nhà nước thấy nguy hiểm hơn, cần ưu tiên phòng, chống, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lập luận: Luật An toàn thông tin mạng bảo vệ sự an toàn thông tin trên 3 thuộc tính chung nhất, đó là tính nguyên vẹn của thông tin; tính bảo mật thông tin; tính khả dụng của thông tin. Dự thảo Luật An ninh mạng tập trung chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Khẳng định đây là điều khác biệt cơ bản của Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu thấy rằng có thêm những luật chuyên sâu trên môi trường mạng là điều bình thường, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Anh... đã có Luật An ninh mạng mà Ban soạn thảo đã tham khảo khi xây dựng luật này.

Tranh luận lại với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đánh giá các biện pháp bảo vệ an ninh mạng trong dự thảo Luật An ninh mạng đề ra có nhiều điểm tương tự như Luật An toàn thông tin mạng. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Quốc hội cần hoàn chỉnh và bổ sung các luật hiện có, tăng cường quản lý mạng xã hội trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Tiếp cận thông tin để ngăn chặn các tin tức giả... Để đảm bảo môi trường phát triển dân chủ nhưng vẫn đảm bảo an ninh quốc gia rất cần thiết xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng trước khi ban hành luật điều chỉnh lĩnh vực rất nhạy cảm này - đại biểu đề nghị.

Cùng quan điểm này đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng các lý do được Ban soạn thảo đưa ra gồm: Đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng để lý giải sự cần thiết ban hành Luật là chưa thuyết phục. Đại biểu phân tích mạng chỉ là phương tiện, là không gian có khả năng diễn ra hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Nếu nói là cần có riêng một luật về an ninh mạng thì an ninh trong nhiều lĩnh vực khác như an ninh hàng không, an ninh lương thực… cũng phải điều chỉnh bằng luật riêng. "Còn nếu nói về lĩnh vực bảo vệ thông tin mạng thì điều này đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng" đại biểu nêu.

Đối với các lý do Luật An ninh mạng ra đời để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế, đại biểu Thúy cho rằng thực chất những quy định về vấn đề này tại Chương 2 dự thảo Luật An ninh mạng chỉ là sự cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng đã được quy định tại Chương 2 Luật An toàn thông tin mạng. Những nội dung cụ thể này đã được quy định tại Chương 4, Nghị định 85 của Chính phủ về trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin.

Dự thảo Luật lần đầu tiên được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Qua các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã phát biểu, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận, qua đó hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục