Đại dịch COVID-19 đã giáng cho nền kinh tế thế giới một "cú đòn" mạnh nhất kể từ sau Thế chiến II.
Các biện pháp phong tỏa và sự sụt giảm trong tiêu dùng đã dẫn đến sự sụp đổ của thị trường lao động, với gần 500 triệu việc làm toàn thời gian biến mất. Thương mại thế giới rung chuyển khi các nhà máy ngừng hoạt động và các quốc gia đóng cửa biên giới.
Thế giới đã tránh được một thảm họa kinh tế sâu hơn nhờ các biện pháp can thiệp chưa từng có của các ngân hàng trung ương vào thị trường tài chính, cũng như viện trợ của chính phủ cho người lao động và các doanh nghiệp khó khăn, cho dù thâm hụt ngân sách tăng lên mức gần như thời chiến.
Tuy nhiên, khi quá trình phục hồi diễn ra, khoảng cách về hiệu quả hoạt động giữa các quốc gia đang nới rộng và có thể sẽ tái lập trật tự kinh tế thế giới.
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đến cuối năm 2021, nền kinh tế Mỹ sẽ có quy mô như năm 2019, nhưng nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn 10% so với năm 2019.
Châu Âu sẽ vẫn ốm yếu, với sản lượng kinh tế nằm dưới mức trước đại dịch thêm vài năm nữa. Nhật Bản, quốc gia đang phải chịu sức ép về nhân khẩu học, cũng chịu số phận như châu Âu.
Không chỉ các nền kinh tế lớn đang phát triển với tốc độ khác nhau. Ngân hàng UBS nhận định khoảng cách về tốc độ tăng trưởng của 50 nền kinh tế đang ở mức lớn nhất trong vòng ít nhất 40 năm.
Theo tạp chí Economist của Anh, sự thay đổi này là kết quả của sự khác biệt giữa các quốc gia. Quan trọng nhất là sự lây lan của đại dịch COVID-19. Trung Quốc đã ngăn chặn được dịch bệnh, trong khi châu Âu, và sắp tới có lẽ là Mỹ, đang chiến đấu với làn sóng lây nhiễm thứ hai.
[Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng đột biến trong tuần qua]
Tuần qua, Paris đã đóng cửa các quán bar và Madrid đã phong tỏa một phần. Trong khi đó, ở Trung Quốc, giờ đây người ta có thể uống rượu sambuca trong các hộp đêm. Một điểm khác biệt nữa là cấu trúc trước đây của các nền kinh tế.
Việc vận hành các nhà máy trong điều kiện cách ly xã hội sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc vận hành các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ dựa trên sự tiếp xúc trực tiếp. Sản xuất chiếm tỷ trọng trong nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn so với bất kỳ quốc gia lớn nào khác.
Yếu tố thứ ba là phản ứng chính sách. Điều này một phần là về quy mô: Mỹ đã chi các gói kích thích lớn hơn châu Âu, bao gồm các khoản chi trị giá 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và cắt giảm lãi suất ngắn hạn 1,5%. Phản ứng chính sách bao gồm cả cách chính phủ ứng phó với những thay đổi cấu trúc và sự tàn phá do đại dịch gây ra.
Đại dịch COVID-19 khiến các nền kinh tế ít toàn cầu hóa hơn, số hóa nhiều hơn và kém bình đẳng hơn. Khi các nền kinh tế cắt giảm rủi ro trong các chuỗi cung ứng và khai thác tự động hóa, các nhà sản xuất sẽ đưa hoạt động sản xuất về gần nhà hơn.
Khi nhân viên văn phòng tiếp tục làm việc tại nhà, những người lao động trước đây làm bồi bàn, dọn dẹp và trợ lý bán hàng sẽ phải tìm công việc mới ở các vùng ngoại ô. Họ có thể phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài. Ở Mỹ, tình trạng mất việc làm lâu dài đang gia tăng ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống.
Khi các hoạt động được chuyển sang trực tuyến nhiều hơn, hoạt động kinh doanh sẽ bị chi phối nhiều hơn bởi các công ty có tài sản trí tuệ tiên tiến và kho dữ liệu lớn nhất. Sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ trong năm nay cũng như sự bùng nổ kỹ thuật số trong ngành ngân hàng cho thấy điều gì sắp xảy ra. Và lãi suất thực tế thấp sẽ giữ giá tài sản cao ngay cả khi các nền kinh tế vẫn yếu.
Điều này làm rộng thêm hố sâu ngăn cách giữa Phố Wall và Phố Chính (Main Street) xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đã trở nên tồi tệ hơn trong năm nay. Thách thức đối với các chính phủ dân chủ sẽ là thích ứng với tất cả những thay đổi này trong khi vẫn duy trì sự đồng thuận của dân chúng đối với các chính sách và đối với thị trường tự do.
Đó không phải là mối lo ngại đối với Trung Quốc, quốc gia cho đến nay dường như đang vượt qua đại dịch một cách mạnh mẽ nhất - ít nhất là trong ngắn hạn. Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng.
Cuối tháng này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đưa ra kế hoạch 5 năm mới, nhấn mạnh mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước công nghệ cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tăng cường sự độc lập. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã phơi bày những điểm yếu lâu dài trong bộ máy kinh tế của Trung Quốc.
Nước này không có mạng lưới an toàn đáng giá và năm nay phải tập trung vào kích thích doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng hơn là nâng cao thu nhập hộ gia đình. Và về lâu dài, hệ thống giám sát và kiểm soát nhà nước của Trung Quốc, yếu tố có thể giúp thực hiện việc phong tỏa nghiêm ngặt, có khả năng cản trở quá trình ra quyết định, sự tự do đi lại của người dân và những ý tưởng đổi mới và nâng cao mức sống.
Trong khi đó, phản ứng chậm chạp của châu Âu đối với đại dịch COVID-19 có nguy cơ làm cho các nền kinh tế ở khu vực này trở nên cứng nhắc thay vì thích ứng. Tại 5 nền kinh tế lớn nhất châu Âu, 5% lực lượng lao động vẫn tham gia các chương trình việc làm ngắn hạn, theo đó chính phủ trả tiền để họ chờ đợi nhưng việc làm có thể không bao giờ có trở lại.
Ở Anh, tỷ lệ này cao gấp đôi. Trên khắp lục địa, việc các quy định về phá sản bị dừng thực hiện, việc các ngân hàng ngầm giãn nợ và hàng loạt chương trình viện trợ của nhà nước có nguy cơ làm cho các "công ty thây ma" tiếp tục tồn tại, thay vì nên cho các công ty này phá sản.
Càng đáng lo ngại hơn vì từ trước cuộc khủng hoảng, Pháp và Đức đã áp dụng chính sách công nghiệp nhằm thúc đẩy các nhà vô địch quốc gia. Nếu châu Âu coi đại dịch COVID-19 là một lý do nữa để nuôi dưỡng mối quan hệ ấm cúng giữa chính phủ và các doanh nghiệp hiện thời, thì sự suy giảm tương đối trong dài hạn có thể tăng nhanh lên.
Dấu hỏi là Mỹ. Trong phần lớn thời gian của năm nay, nước này đã có sự cân bằng chính sách một cách đúng đắn. Mỹ cung cấp một mạng lưới an toàn rộng rãi hơn cho những người thất nghiệp và các gói kích thích lớn hơn những gì có thể mong đợi.
Một cách khôn ngoan, Mỹ cũng cho phép thị trường lao động điều chỉnh và cũng ít theo khuynh hướng của châu Âu trong việc cứu trợ các doanh nghiệp có nguy cơ trở nên lỗi thời khi nền kinh tế điều chỉnh. Kết quả là, không giống như châu Âu, Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm mới.
Thay vào đó, điểm yếu của Mỹ là chính trị chia rẽ. Tuần này, Tổng thống Donald Trump dường như muốn từ bỏ các cuộc đàm phán về việc gia hạn các biện pháp kích thích, có nghĩa là nền kinh tế có thể rơi vào vách đá tài khóa.
Những cải cách quan trọng, nhằm thiết kế lại mạng lưới an toàn cho một nền kinh tế dựa vào công nghệ hay để đưa thâm hụt ngân sách đi theo lộ trình bền vững, đều là bất khả thi khi hai phe xác định thỏa hiệp là yếu kém.
Đại dịch COVID-19 đang tạo ra một thực tế kinh tế mới. Mọi quốc gia sẽ phải thích ứng, nhưng Mỹ sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Nếu muốn lãnh đạo thế giới thời hậu COVID-19, nước này sẽ phải thiết lập lại đời sống chính trị của mình./.