COVID-19 đã thay đổi thói quen ăn uống của người Mỹ như thế nào?

Giữa bối cảnh các nhà hàng đóng cửa do các quy định giãn cách xã hội, khoảng 60% người Mỹ cho biết việc nấu ăn ở nhà thường xuyên hơn là một nhu cầu thiết thực.
COVID-19 đã thay đổi thói quen ăn uống của người Mỹ như thế nào? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo khảo sát thường niên vừa được Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế (IFIC) công bố, hơn 8 trên 10 người Mỹ (tương đương 85%) đã thay đổi thói quen ăn uống của họ kể từ khi cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bắt đầu bùng phát hồi đầu năm nay.

Câu hỏi đặt ra là những thay đổi này có chiều hướng tích cực hay tiêu cực? Và câu trả lời thu về là sự kết hợp của cả hai.

Khảo sát của IFIC, được thực hiện theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của 1.011 người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 80, cho hay phần lớn người Mỹ đã thay đổi thói quen ăn uống của họ do hậu quả của đại dịch COVID-19.

Không có gì ngạc nhiên khi thói quen nấu ăn ở nhà là sự thay đổi lớn nhất sau khi xuất hiện COVID-19.

[Mỹ: Sản phẩm thịt nguồn gốc thực vật “lên ngôi” thời đại dịch COVID-19]

Bên cạnh đó, nhiều người Mỹ cũng có thói quen ăn vặt nhiều hơn, giặt giũ nhiều hơn bình thường và tần suất nghĩ về thực phẩm cũng gia tăng.

Sự thay đổi chủ yếu diễn ra ở những người tiêu dùng dưới 35 tuổi, bao gồm cả những xu hướng lành mạnh và ít lành mạnh hơn.

Mặc dù thói quen ăn uống của người Mỹ luôn có sự thay đổi từ năm này sang năm khác, nhưng với đại dịch COVID-19, kết quả khảo sát trên cho thấy thói quen ăn uống của người dân Xứ Cờ hoa đã chứng kiến sự thay đổi chưa từng thấy so với những năm trước đó.

Điều thú vị là cuộc khảo sát cho thấy những người có nhiều thay đổi trong thói quen ăn uống nhất vào năm nay là phụ nữ, những người dưới 35 tuổi và những người đã làm cha mẹ.

Giữa bối cảnh các nhà hàng đóng cửa do các quy định giãn cách xã hội nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19, khoảng 60% người Mỹ cho biết việc nấu ăn ở nhà thường xuyên hơn là một nhu cầu thiết thực.

Tuy nhiên, khi phân chia giữa ăn uống lành mạnh và ăn uống kém lành mạnh. Khoảng 22% người Mỹ cho biết họ ăn uống lành mạnh hơn bình thường, nhưng khoảng 14% cho biết họ ăn uống kém lành mạnh hơn trước.

Nấu ăn ở nhà thường mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn. Theo các nhà nghiên cứu của một nghiên cứu được công bố trên Public Health Nutrition, những người thường xuyên nấu các bữa ăn ở nhà sẽ ăn uống lành mạnh hơn và tiêu thụ ít calo hơn những người ít nấu ăn ở nhà.

Một cuộc khảo sát khác do Influence Central thực hiện hồi tháng 5/2020 cho thấy một số người đã lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn trong thời gian bị phong tỏa xã hội so với trước đại dịch, trong khi một số khác lại không.

Cụ thể, 43% người được hỏi cho biết hiện họ ăn nhiều trái cây hơn trước đây, 42% cho biết ăn nhiều rau hơn và 30% đang ăn nhiều protein hơn.

Mặt khác, 47% số người được hỏi cho biết họ đang ăn nhiều đồ ngọt hơn trước khi dịch COVID-19 bùng phát, 24% hiện ăn ít rau hơn trước, 21% ăn ít trái cây hơn và 19% cho biết ăn ít protein hơn. Những phát hiện này không phải là thông tin quá bất ngờ.

Nghiên cứu cho thấy khi nồng độ hormone cortisol gây ra tình trạng căng thẳng gia tăng, ngay cả đối với những người trưởng thành khỏe mạnh cũng sẽ có xu hướng ăn nhiều thức ăn nhẹ và thức ăn vặt hơn.

Dữ liệu về hoạt động bán lẻ của Mỹ cho thấy đồ ăn nhẹ có vị mặn là mặt hàng thực phẩm số 1 góp phần vào tăng trưởng doanh số bán lẻ của nước này kể từ đầu tháng 3/2020, khi người tiêu dùng bắt đầu thay đổi thói quen mua hàng từ việc tới trực tiếp cửa hàng sang đặt hàng trực tuyến.

Trên thực tế, doanh số bán đồ ăn nhẹ thông qua các trang thương mại điện tử ở Mỹ đã tăng 44% kể từ ngày 1/3/2020.

Bất chấp sự bùng nổ về doanh số bán đồ ăn nhẹ, theo Khảo sát Thực phẩm và Sức khỏe của IFIC, ngày càng nhiều người Mỹ cố gắng sống khỏe mạnh hơn, 43% người Mỹ cho biết họ đang theo một chế độ ăn kiêng cụ thể trong năm 2020. Con số này tăng từ tỷ lệ tương ứng 38% của năm 2019 và 36% năm 2018.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy gần 6 trên 10 người Mỹ nói rằng họ đang chú trọng nhiều hơn đến sức khỏe tổng thể của bản thân so với cách đây một thập niên.

Đồng thời, hơn một nửa số người Mỹ nói rằng họ đang chú trọng nhiều hơn đến cân nặng của mình so với 10 năm trước.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đại dịch COVID-19 đã khiến người Mỹ có những thay đổi lớn đối với cuộc sống của họ, bao gồm cả cách ăn uống và sinh hoạt.

Câu hỏi đặt ra là liệu một số xu hướng ăn uống lành mạnh có vượt qua những thói quen kém lành mạnh và tồn tại lâu dài không? Chúng ta chỉ có thể biết được câu trả lời khi đại dịch này kết thúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục