Đại dịch COVID-19 giúp phục hồi vị thế của các ngân hàng?

Các ngân hàng có thể duy trì được sự tin tưởng hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng ứng phó với những tác động kinh tế của dịch bệnh và các dư chấn sau đó.
Đại dịch COVID-19 giúp phục hồi vị thế của các ngân hàng? ảnh 1Trụ sở Cục dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Vào ngày Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản tháng 9/2008, trang nhất của Financial Times đã đăng bức ảnh của John Thain, khi đó là Giám đốc điều hành tập đoàn tài chính Merrill Lynch.

Ông John Thain quay trở lại xe sau nhiều giờ họp tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh New York và trông như một người đang nhìn vào vực thẳm. Trong những ngày tiếp theo, xuất hiện thêm nhiều hình ảnh các ông chủ ngân hàng rời các cuộc họp khẩn cấp với các nhà hoạch định chính sách, khuôn mặt nhợt nhạt của họ báo trước điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra.

Khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng bế tắc, các ông chủ ngân hàng một lần nữa lại đi vào các tòa nhà chính phủ.

Đầu tháng Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã triệu tập Giám đốc điều hành của Bank of America, Citigroup và các nhà ngân hàng lớn khác tới Nhà Trắng. Trong khi đó, tại Anh, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã tổ chức các cuộc họp và điện đàm với các chủ ngân hàng ở nước này.

Tuy nhiên, theo Financial Times, tình hình lần này hoàn toàn khác. Thay vì bị cảnh báo về vai trò gây ra cuộc khủng hoảng năm 2008, các lãnh đạo ngân hàng được yêu cầu giúp phân phối các chương trình kích thích quy mô lớn chưa từng có, lên đến hàng nghìn tỷ USD nhằm cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi nguy cơ sụp đổ.

Mặc dù chính phủ và các ngân hàng trung ương cung cấp phần lớn khoản tiền này, nhưng các ngân hàng được yêu cầu hoạt động như là “cơ chế chuyển giao” để đảm bảo sự hỗ trợ đến được với các công ty và người tiêu dùng cần hỗ trợ nhất.

Mike Corbat, Giám đốc điều hành Citigroup, cho biết các ngân hàng Mỹ có “liên lạc hàng ngày” với Nhà Trắng và các cơ quan quản lý.

Tại Pháp, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng cũng hàng ngày trao đổi với Frédéric Oudéa, Giám đốc điều hành ngân hàng Société Générale. Ông Frédéric Oudéa cho biết: “Sự khác biệt với năm 2008 là chúng tôi khi đó bị coi là vấn đề rắc rối, ngày nay, vấn đề là do virus… Chúng tôi là các bác sỹ của nền kinh tế."

Các ngân hàng có thể duy trì được sự tin tưởng này hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng ứng phó với những tác động kinh tế của dịch bệnh và các dư chấn sau đó. Những cải cách sau khủng hoảng tài chính, mà các ngân hàng đang vận động hành lang để nới lỏng, đã khiến hệ thống ngân hàng đủ mạnh để tồn tại.

Các ngân hàng dường như đã vượt qua được bài kiểm tra đầu tiên, đó là một giai đoạn ngắn nhưng hỗn loạn của thị trường khi các công ty chịu sức ép của việc bị rút hàng trăm tỷ USD tín dụng.

Một nhà hoạch định chính sách nói rằng, đối mặt với nguy cơ sụp đổ do dịch COVID-19, hệ thống ngân hàng toàn cầu của năm 2007 có thể đã “nổ tung” vào lúc này.

Đại dịch COVID-19 giúp phục hồi vị thế của các ngân hàng? ảnh 2(Nguồn: theguardian.com)

Jes Staley, Giám đốc điều hành của Barclays, nhận định các thị trường tài chính đã có sự biến động chưa từng thấy trước đây khi ông đề cập đến “sự mất giá đáng kể đang xảy ra trong các nhóm tài sản."

Tuy nhiên, cho đến nay, ít nhất là hệ thống này đang hoạt động bình thường. Ông nói thêm rằng những điềm báo của một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện vẫn chưa xảy ra, chẳng hạn như một quỹ tương hỗ ngăn không cho các nhà đầu tư rút tiền.

Thử thách thực sự đối với khả năng “chịu đựng” của các ngân hàng và hệ thống tài chính nói chung vẫn chưa đến. Những lĩnh vực lớn của nền kinh tế toàn cầu, từ hàng không đến bán lẻ, đã ghi nhận doanh thu sụt giảm mạnh. Nhiều công ty và người tiêu dùng sẽ vỡ nợ, dẫn đến một loạt khoản thua lỗ tín dụng nghiêm trọng cho các ngân hàng. Điều này sẽ đánh vào lợi nhuận và tạo ra lỗ hổng trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Trong khi đó, việc các ngân hàng trung ương áp dụng lãi suất cực thấp để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch sẽ tạo thêm áp lực lên lợi nhuận từ hoạt động cho vay.

[Chính sách tiền tệ thời COVID-19: Cần bước đi hết sức cẩn trọng]

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's tuần trước cảnh báo rằng ngành ngân hàng Mỹ - lĩnh vực tạo ra 195 tỷ USD lợi nhuận trong năm ngoái, có thể lỗ 15 tỷ USD trong 12 tháng tới.

Các nhà phân tích tại Berenberg cho biết các ngân hàng của Mỹ và châu Âu đang phải đối mặt với mức suy giảm lợi nhuận trung bình khoảng 30% trong năm nay và năm tới.

Bất chấp những cơn gió ngược này, một số giám đốc điều hành ngân hàng vẫn thể hiện sự tự tin. Ana Botin, Chủ tịch điều hành Santander - ngân hàng lớn nhất Khu vực sử dụng đồng euro, đã nói tại một hội nghị ngành dịch vụ tài chính hồi tháng Ba rằng ngân hàng này dự báo lợi nhuận trong năm nay chỉ giảm 5% và sẽ không ảnh hưởng đến mức vốn hoặc các mục tiêu tài chính giữa kỳ.

Bà Ana Botin cho biết những ước tính này dựa trên mô hình suy thoái “hình chữ V," tức là một cú sốc mạnh qua đi và sau đó là sự phục hồi nhanh chóng, nhưng nhấn mạnh đây chỉ là một trong những tình huống có thể xảy ra.

Mức độ thua lỗ tín dụng phụ thuộc vào rủi ro mà các quốc gia sẵn sàng chia sẻ với ngành ngân hàng. Chính phủ và các ngân hàng trung ương đã triển khai các chương trình kích thích tài khóa và tiền tệ ở quy mô chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, từ các công cụ tín dụng được ngân hàng trung ương hỗ trợ cho đến bảo lãnh nợ và cứu trợ cho các ngành công nghiệp.

Giám đốc điều hành một ngân hàng Thụy Sỹ nói rằng nếu không có sự hỗ trợ phi thường như vậy, vốn đệm của các ngân hàng “có thể giống như cái ô trong cơn bão."

Đại dịch COVID-19 giúp phục hồi vị thế của các ngân hàng? ảnh 3Đồng bảng Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một quan chức ngân hàng tư vấn cho Chính phủ Anh, quốc gia đã cam kết 330 tỷ bảng (381 tỷ USD) bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp, cho biết các kế hoạch này chưa được kiểm chứng. Đặc biệt, ông cảnh báo rằng các bảo lãnh sẽ chỉ áp dụng với các khoản cho vay trong tương lai.

Các giám đốc điều hành ngân hàng cũng cảnh báo rằng các quy định về kế toán mới ở châu Âu, khu vực buộc các ngân hàng ngay từ đầu đã phải dành các khoản dự phòng cho nợ xấu, sẽ làm giảm các bộ đệm vốn của ngân hàng và giảm khả năng cho vay vào đúng lúc các công ty và người tiêu dùng cần tiền. Ngày 27/3, các nhà quản lý chính sách đã đồng ý nới lỏng các quy định tương tự như ở Mỹ.

Tuy nhiên, nới lỏng các quy định chỉ giúp kéo dài thời gian. Ngay cả khi các ngân hàng có thể hấp thụ các khoản lỗ này, một số chính sách kích thích kinh tế khác có thể gây tổn hại dài hạn cho lĩnh vực này.

Mặc dù việc cắt giảm lãi suất gần đây của Fed và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng cuộc khủng hoảng năm 2008 cho thấy các ngân hàng trung ương khó có thể tăng lãi suất ngay khi cú sốc kinh tế đã qua. Trong khi đó, sự bùng nổ về doanh thu giao dịch trong quý đầu tiên của các ngân hàng đầu tư có lẽ sẽ chỉ cung cấp một sự kích thích ngắn hạn.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể tạo cơ hội cho các ngân hàng khôi phục hình ảnh trước công chúng, nhưng đồng thời mang lại những rủi ro mới về uy tín. Là cơ chế chuyển giao sự hỗ trợ của nhà nước, các ngân hàng sẽ phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn đó là quyết định công ty nào sẽ được nhận sự hỗ trợ tài chính và công ty nào phải vật lộn để sống sót.

Một nhà hoạch định chính sách cho biết “việc chọn người thắng và kẻ thua cuộc” có thể gây ra phản ứng công chúng và chính trị lâu dài đối với các ngân hàng. Mặc dù nhiều người đi vay là các nhà bán lẻ và người tiêu dùng đã được hoãn trả nợ, một số người sẽ không bao giờ có thể trả được các khoản vay mới này và điều này có thể dẫn đến một làn sóng vỡ nợ.

Bên cạnh đó, giống như các doanh nghiệp khác, các ngân hàng cũng đối mặt với những trở ngại lớn về hậu cần, với việc thiếu nhân viên do họ phải làm việc tại nhà hoặc nghỉ ốm. Sự phong tỏa tại Ấn Độ, nơi nhiều ngân hàng chọn đặt các trung tâm nhận cuộc gọi, khiến cho việc giải quyết các thắc mắc của khách hàng trở nên khó khăn hơn.

Một số ngân hàng đã phải nỗ lực tái cơ cấu, như HSBC tuần trước cho biết sẽ tạm dừng việc cắt giảm lao động dư thừa trong hai tháng sau khi công bố kế hoạch giảm 35.000 việc làm trước đó. Chi phí điều hành một ngân hàng, vốn đã rất cao, sẽ tiếp tục tăng lên.

Trên hết, sự sống còn của các ngân hàng và của hệ thống tài chính toàn cầu phụ thuộc vào việc chính phủ có thể kiềm chế được cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hay không.

Brian Moynihan, Giám đốc điều hành của Bank of America, nói rằng gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD được các nhà lập pháp Mỹ phê chuẩn tuần trước “có quy mô và kích thước mà đa số chúng ta nghĩ là đủ lớn” để thực hiện mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ông thừa nhận: “Những gì họ làm về (chính sách) tài khóa và tiền tệ... là tuyệt vời, nhưng điều thực sự họ cần giải quyết là cuộc khủng hoảng y tế”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục