Đại diện Bộ Công Thương thừa nhận đường dây nóng 'chập chờn'

Theo ông Trần Hữu Linh, 10 đường dây nóng của Bộ Công Thương hoạt động hạn chế, lúc có người trực lúc không, cá biệt có những đường dây nóng không hoạt động.
Đại diện Bộ Công Thương thừa nhận đường dây nóng 'chập chờn' ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Dù có tới 10 đường dây nóng tiếp nhận các phản ánh liên quan đến hoạt động của ngành công thương, nhưng trên thực tế nhiều đường dây hoạt động chưa hiệu quả.

[Thủ tướng Chính phủ: Sức ì cải cách xuất hiện và ngày càng lớn]

Lúc trực, lúc không?

Thông tin tại hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ của ngành công thương diễn ra ngày 9/7, ông Trần Hữu Linh, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương thông tin, hiện Bộ Công Thương đang có 355 dịch vụ công trực tuyến nhưng có những dịch vụ công thời gian thực hiện trên mạng và trên giấy như nhau nên người dân và doanh nghiệp lại chọn cách truyền thống.

Chưa kể đến 10 đường dây nóng của Bộ Công Thương hoạt động hạn chế, lúc có người trực lúc không, cá biệt có những đường dây nóng không hoạt động dẫn đến tình trạng người dân không thể phản ánh được.

“Quy chuẩn về xử lý hồ sơ trực tuyến Bộ Công Thương cũng chưa có mặc dù Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện việc này. Đây là bất cập mà Văn phòng Bộ đang lên kế hoạch xử lý trong thời gian sớm nhất”, ông Trần Hữu Linh cho hay.

Liên quan đến cải cách hành chính, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương thông tin thêm, ngày 12/4/2018 là lần thứ ba Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1229/QĐ-BCT công bố các thủ tục hành chính mới ban hành/bị bãi bỏ trong lĩnh vực quản lý cạnh tranh.

Theo đó, Bộ Công Thương đã bãi bỏ/đơn giản hóa các thủ tục hành chính được đề xuất tại Danh mục thủ tục hành chính và phương thức thực thi phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương đi kèm Quyết định số 1408/QĐ-BCT.

Trong dịp này, Bộ Công Thương đã bãi bỏ 5 thủ tục hành chính thuộc phạm quản lý của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; đơn giản hóa 2 thủ tục hành chính về: “Thủ tục thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo” và “Cấp, sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp”.

Về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát và triển khai đồng bộ các quy định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như: Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2014/NĐ-CP về bán hàng đa cấp thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, chính thức có hiệu lực từ ngày 2/5/2018; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2014/TT-BCT về bán hàng đa cấp có hiệu lực thi hành từ 15/7/2018.

Trước những yêu cầu của Bộ trưởng, ông Trần Hữu Linh cho biết, từ nay đến cuối năm 2018, ngoài việc tăng thêm số lượng dịch vụ công trực tuyến theo kế hoạch (26 dịch vụ công mức độ 3 và 12 dịch vụ công mức độ 4), Bộ Công Thương phấn đấu thực hiện theo hướng điều hành, xử lý công việc trên mạng internet giữa các cơ quan nhà nươc.

Ví dụ như các hệ thống trao đổi công văn giấy tờ, xử lý văn bản điện tử,… giữa các bộ ngành, địa phương để đạt mục tiêu phấn đấu không còn công văn giấy tờ chuyển qua đường bưu điện bình thường.

Rơi cuối bảng xếp hạng về Chính phủ điện tử

Việc rơi xuống tốp cuối trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử cũng được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phê bình nghiêm khắc nhiều đơn vị chức năng tại cuộc họp.

Cho rằng việc Bộ Công Thương xếp hạng thứ 3 từ dưới lên là không chấp nhận được, Người đứng đầu Bộ này nhấn mạnh: "Đồng chí nào chí nào có trách nhiệm liên quan tôi sẽ kiểm điểm và phê bình.”

Trước đó, "Kết quả xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017" do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 5/7 vừa qua cho thấy, Bộ Công Thương nằm trong số 5 cơ quan cuối bảng xếp hạng lần lượt là Thanh tra Chính phủ, Ủy ban dân tộc, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông vận tải.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các đơn vị phải đánh giá được hiệu quả thực chất của công tác cải cách hành chính. Đơn cử, về dịch vụ công trực tuyến, không chỉ nhìn vào con số bao nhiêu thủ tục được thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến cấp 3,4 mà quan trọng là hiệu quả của nó đến đâu, và cắt giảm được bao nhiêu thời gian?

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng đặt câu hỏi, tại sao nhiều dịch vụ được làm trực tuyến mà doanh nghiệp, người dân vẫn thích làm theo hình thức truyền thống? Do vậy phía Bộ cần phải có bộ tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với công tác cải cách hành chính của ngành Công Thương.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ, các Cục vụ, Sở Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty quán triệt sâu sắc việc thực hiện các chương trình hành động của Bộ Công Thương, đảm bảo năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho sản xuất và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ cần quan tâm đến việc hoàn thiện pháp luật, thể chế, gắn với xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; có ý kiến góp ý về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp như thuế VAT cho phân bón, thuế môi trường cho xăng dầu… từ đó đảm bảo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục