Đại học Thương mại mở mới 8 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp

Trường Đại học Thương mại cho biết năm 2024, trường mở mới 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế IPOP.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào Trường Đại học Thương mại. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào Trường Đại học Thương mại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Thạc sỹ Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh Trường Đại học Thương mại, năm nay, trường mở mới 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024.

Các chương trình IPOP có tính thực tiễn, tính toàn diện, đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Với tính thực tiễn cao, các chương trình được xây dựng tham vấn ý kiến các chuyên gia và nhà quản trị doanh nghiệp, thiết kế dựa trên các yêu cầu cụ thể của vị trí việc làm. Trong quá trình đào tạo, sinh viên được thực tế tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ 2 và được tăng cường tham gia các học phần, chuyên đề, thực tập do các chuyên gia thực tế hướng dẫn và đào tạo.

Bên cạnh đó, các sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức cơ bản và chuyên sâu về ngành, chuyên ngành học, các kiến thức về Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi Số và trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh, từ đó giúp các em có thể dễ dàng thích ứng với môi trường luôn thay đổi trong giai đoạn hiện nay.

Chương trình có tính quốc tế khi khoảng 30% học phần chuyên môn được đào tạo bằng tiếng Anh. Trường không yêu cầu trình độ tiếng Anh của sinh viên ở đầu vào nhưng sẽ kiểm tra khả năng tiếng Anh của sinh viên. Những sinh viên chưa đủ năng lực ngoại ngữ để học bằng tiếng Anh sẽ được đào tạo nâng cao trình độ. Do đó, sinh viên tốt nghiệp có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh và tự tin làm việc trong môi trường quốc tế.

Bên cạnh đó, chương trình được đào tạo bởi các giảng viên có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp giảng dạy hiệu quả, đảm bảo trình độ tiếng Anh theo quy định. Có các cố vấn học tập đồng hành, hỗ trợ sinh viên trong suốt khóa học. Sinh viên được học tập, nghiên cứu tại các phòng học với trang thiết bị hiện đại và tiên tiến; hệ thống thư viện (bao gồm cả thư viện số) có đủ giáo trình/tài liệu tham khảo trong nước và quốc tế…

“Chúng tôi rất kỳ vọng vào các chương trình mới này,” Thạc sỹ Nguyễn Quang Trung cho hay.

Cũng theo ông Trung, chỉ tiêu cho mỗi ngành đào tạo mới là từ 80 đến 100 chỉ tiêu. Tuy nhiên, tổng số chỉ tiêu toàn trường chỉ tăng khoảng 50 chỉ tiêu so với năm 2023 do trường đã giảm chỉ tiêu một số ngành ít thu hút thí sinh.

Cụ thể, 8 chương trình đào tạo IPOP bao gồm: Quản trị kinh doanh (Ngành Quản trị kinh doanh); Marketing thương mại (Ngành Marketing); Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (Ngành Kế toán); Logistics và xuất nhập khẩu (Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng); Thương mại quốc tế (Ngành Kinh doanh quốc tế); Ngân hàng thương mại (Ngành Tài chính – Ngân hàng); Quản trị nhân lực doanh nghiệp (Ngành Quản trị nhân lực); Quản trị khách sạn (Ngành Quản trị khách sạn).

Năm nay, Đại học Thương mại xét tuyển 4.950 chỉ tiêu. Trường giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2023, gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024, xét tuyển theo kết quả học tập cấp Trung học phổ thông đối với thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét tuyển kết hợp. Trong đó 40% chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, 60% xét tuyển theo các phương thức khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục