Đại sứ Anh, Pháp, Tây Ban Nha ủng hộ chính phủ đoàn kết Libya

Các đại sứ của Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã tới thủ đô Tripoli của Libya để ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc mới trong nỗ lực tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này.
Đại sứ Anh, Pháp, Tây Ban Nha ủng hộ chính phủ đoàn kết Libya ảnh 1Đại sứ Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã tới thủ đô Tripoli của Libya để ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc nước này. (Nguồn: AFP)

Ngày 14/4, các đại sứ của Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã tới thủ đô Tripoli của Libya để ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc mới trong nỗ lực tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này.

Đây là chuyến thăm Libya đầu tiên của các Đại sứ các nước phương Tây kể từ khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) quyết định đóng cửa các Đại sứ quán ở Libya vào giữa năm 2014 do tình trạng bất ổn ở nước này.

Đại sứ Pháp Antoine Sivan, Đại sứ Anh Peter Millet và Đại sứ Tây Ban Nha Jose Antonio Bordallo đã tới sân bay Mitiga trước khi tới căn cứ hải quân ở Tripoli, nơi chính phủ đoàn kết Libya đang hoạt động.

Trước đó, Chính phủ Pháp nhấn mạnh chuyến thăm của các đại sứ là đề thể hiện sự đoàn kết với chính phủ đoàn kết dân tộc do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu, đồng thời khẳng định Paris sẽ sát cánh cùng chính quyền mới tại Tripoli.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Romain Nadal nêu rõ chính phủ đoàn kết dân tộc cần thực thi quyền hạn đối với các cơ quan quản lý và tài chính trên khắp Libya và chính quyền Libya có thể dựa vào sự hỗ trợ của Pháp trong cuộc chiến chống mối đe doạ khủng bố.

Pháp và Italy đều cho biết đang cân nhắc các kế hoạch mở lại các đại sứ quán tại thủ đô Tripoli.

Trong khi đó, trên mạng xã hội Twitter, Đại sứ Anh Millett cho hay việc gặp gỡ các thành viên của chính phủ đoàn kết dân tộc nhằm tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Anh trong việc ủng hộ những nỗ lực khôi phục hoà bình của chính quyền này.

Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được thành lập theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực được các bên đối địch ký kết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Maroc hồi tháng 12/2015.

Các cường quốc phương Tây ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc Libya, coi đây là cơ hội tốt nhất để đoàn kết các phái vũ trang chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Libya cũng như ngăn chặn dòng người di cư vượt Địa Trung Hải và phục hồi nền kinh tế Libya bằng cách khôi phục sản xuất dầu mỏ.

Ngày 30/3 vừa qua, Thủ tướng chính phủ đoàn kết dân tộc Libya, ông al-Sarraj đã từ Tunisia về thủ đô Tripoli để bắt đầu công việc, bất chấp các phe phái đối địch Libya chưa chấp thuận chính phủ này.

Ông al-Sarraj đã nhận được sự ủng hộ của các thể chế tài chính quan trọng như Ngân hàng trung ương Libya, Công ty Dầu mỏ quốc gia, cũng như của chính quyền các thành phố phía Đông và phía Nam.

Tuy nhiên, Quốc hội Libya được quốc tế công nhận hiện đang ở Tobruk chưa thể bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ đoàn kết dân tộc do không tập hợp đủ số nghị sỹ cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục