Đại tướng Võ Nguyên Giáp và việc giữ gìn biển đảo

Sức mạnh chống ngoại xâm là để thực hiện ý nguyện ngàn đời vì hòa bình. Dân tộc ta không ưa chiến tranh, nhưng không sợ chiến tranh.
Trong ca khúc “Hát mãi khúc quân hành” có những câu: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng.” Với suy nghĩ muốn hiểu hơn về khúc quân hành thế hệ Hồ Chí Minh, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Đại tá, PGS.TS Hồ Khang, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tướng Giáp không hề là “thần chiến tranh”

- Có ý kiến cho rằng "Nhiều vị tướng tài giỏi tỏa sáng trong chiến trận và coi cầm quân là cơ hội bộc lộ tài năng nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại không phải vậy.” Ông có ý kiến gì về nhận định đó?

PGS.TS Hồ Khang: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng không theo hình mẫu “thần chiến tranh” như thế. Những vị tướng hiện diện trong lòng dân tộc Việt Nam có một hình ảnh riêng: Thánh Gióng chỉ lớn lên khi có địch đến, Trần Hưng Đạo, Quang Trung đều cốt giữ yên bờ cõi để gìn giữ hòa bình.

Hãy nói đến Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, ông nói với vua Trần Nhân Tông, đại ý, dùng binh cốt phải đồng lòng như cha con một nhà thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải từ lúc thái bình khoan thư sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thuật giữ nước hay hơn cả.

Triều đại nào mà dựa vào "thành cao, hào sâu" thì cũng dẫn đến mất nước vì đó là biểu hiện của sự xa dân, không tin vào dân, mà lòng dân thì nói như Nguyễn Trãi "chúng chí thành thành"- lòng dân mới là bức trường thành giữ nước.

Mọi chính thể, mọi vương triều nếu chỉ dựa vào vũ lực đều không tồn tại được bao lâu. Quyền lợi của vương triều nào khớp khít với quyền lợi của nhân dân, của dân tộc thì sẽ vững bền.

Nhớ lại trong lịch sử, ngọn cờ của Lê Lợi dẹp giặc Minh đem đến hòa bình là khát vọng tiềm tàng trong tư tưởng vì dân của Nguyễn Trãi. Lịch sử từng ghi lại Nguyễn Trãi đã có lần đến Lam Sơn rồi lại quay về, nhưng sau đó ông quyết định đặt ước vọng của nhân dân lên trên và quay trở lại giúp Lê Lợi dựng nghiệp lớn, cứu nước cứu dân khỏi “quân cuồng Minh.”

Nhân tài, tuấn kiệt trên đất nước này không bao giờ vắng, nhưng những "tinh hoa" ấy chỉ hiển lộ và đóng góp khi người lãnh đạo thực sự vì Đại Nghĩa của dân tộc, vì quyền lợi và khát vọng của nhân dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân của truyền thống quân sự như vậy. Ông làm tất cả chỉ để giành lại và giữ vững nền độc lập, tự do, vẹn toàn lãnh thổ, sự hòa hiếu giữa các dân tộc. Đó chính là cốt cách của vị tướng xuất thân từ một nền văn hóa trọng hòa bình.

Sức mạnh chống ngoại xâm là để thực hiện ý nguyện ngàn đời vì hòa bình. Điều này nên làm rõ: rằng dân tộc ta không ưa chiến tranh, nhưng không sợ chiến tranh, nếu đó là cuộc chiến chính nghĩa, vì nền độc lập, hòa bình của dân tộc.

Đại tướng lặng lẽ khóc…

Chiến tranh là chính trị được thực hiện bằng bạo lực, nhưng bạo lực mạnh nhất, bạo lực cách mạng, lại luôn là bạo lực của nhân dân. Là Tổng chỉ huy quân đội trong 30 năm chiến tranh, Đại tướng luôn hiểu rõ điều ấy.

Nghĩ về Đại tướng, hình ảnh luôn hiển hiện trong tâm trí tôi là Đại tướng lặng lẽ khóc khi nghe tin bộ đội ta hy sinh. Cũng như Bác, Đại tướng không thấy những chiến công là cao hơn xương máu của quân dân.

Chính lòng bác ái đó khiến Đại tướng là điểm hội tụ sức mạnh của quân-dân Việt Nam. Nhân đây cũng nói, Đại tướng luôn có mối quan tâm dành cho giáo dục. Đại tướng nhấn mạnh việc giáo dục tri thức, giáo dục nhân cách, giáo dục lòng yêu nước, giáo dục kỹ năng.

Sự giáo dục như thế luôn là cần thiết đối với một dân tộc luôn phải đối đầu với tham vọng của những cường quốc thế giới, chỉ bằng giáo dục mà tinh thần và trí tuệ của quân-dân mới luôn đảm bảo cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam được phát huy và kế thừa đích đáng qua nhiều thế hệ.

- Ấn tượng của ông khi gặp Đại tướng?

PGS.TS Hồ Khang: Có lần, theo yêu cầu của Đại tướng, lãnh đạo Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cử tôi vào làm việc với Đại tướng, ấn tượng của tôi là Đại tướng rất rành rẽ từ cách hỏi, cách ghi. Tuổi cao nhưng Đại tướng rất tinh anh, đặt câu hỏi và trao đổi ngắn gọn, rõ ràng.

Công lao, vai trò tổng chỉ huy của Đại tướng trong trận Điện Biên Phủ, trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975 sử sách đã ghi. Vậy mà ở ngoài đời Đại tướng rất bình dị, gần gũi.

Tôi nghĩ, hơn ai hết, Đại tướng xứng đáng là một học trò xuất sắc của Bác Hồ: bao giờ cũng vậy, sự bình dị của những người lãnh đạo chính là dấu chỉ cho thấy mối quan hệ với nhân dân của họ.

Xa hơn điều đó, từ Đại tướng, tôi cho rằng, niềm kiêu hãnh của một quân nhân là sự thừa nhận của nhân dân, và kiêu hãnh rằng mình từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Tướng Giáp luôn chú trọng chủ quyền ở biển đảo

- Về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và việc giữ gìn biển đảo, với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, ông có nhận xét gì?

PGS.TS Hồ Khang:
Phải nói rằng, khi đương chức cũng như lúc trở về đời thường, Đại tướng luôn để tâm sức vào việc giữ gìn, dựng xây Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó có việc giữ gìn chủ quyền Việt Nam ở biển Đông cùng các đảo, quần đảo trong vùng biển này.

Việc Đại tướng thường có những chỉ đạo, huấn lệnh sát sao, kịp thời cho Hải quân nhân dân Việt Nam là một minh chứng cho sự quan tâm đó của ông.

Đại tướng thấy rõ tầm quan trọng của biển Đông và hiểu sự quan tâm của nước ngoài đối với vùng biển này. Vì thế, thái độ và hoạt động của nước ngoài ở biển Đông được Đại tướng quan tâm, chú ý và gắn điều này với việc bảo vệ biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tháng 3 năm 1975, khi quân và dân ta giành thắng lợi lớn ở Tây Nguyên, sự tồn tại của Việt Nam cộng hòa chỉ còn tính từng ngày đồng thời ở biển Đông có hải quân nhiều nước hoạt động, Đại tướng đề nghị Bộ Chính trị cho giải phóng biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam “cùng lúc” với việc tấn công vào Sài Gòn.

Lúc này, về việc giải phóng biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, trong chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn vào tháng 4 năm 1975, Đại tướng yêu cầu quân ta “phải kiên quyết, táo bạo, đánh giữ ngay khi thời cơ đến và kiên quyết giành lại nếu đảo đã bị nước ngoài chiếm.”

Như thế, đại tướng chỉ cho chúng ta thấy rằng, đối với vấn đề biển đảo, phải kiên định về nguyên tắc; hành động phải dứt khoát, khẩn trương, nắm bắt và tranh thủ thời cơ.

- Trân trọng cảm ơn Đại tá!


Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục