Đắk Lắk: Khoảng 7.500 tỷ đồng vốn vay cho niên vụ càphê 2023-2024

UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk chỉ đạo ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng ở tỉnh ưu tiên vốn vay cho doanh nghiệp sản xuất càphê trong niên vụ 2023-2024.

Nông dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch càphê niên vụ 2023-2024. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Nông dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch càphê niên vụ 2023-2024. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, niên vụ càphê 2023-2024, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cam kết đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh càphê.

Trước mắt, dự kiến nguồn vốn cho vay khoảng 7.500 tỷ đồng. Sau khi được hội sở chính phân bổ thêm nguồn vốn hoạt động, các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục cân đối để ưu tiên cho vay đối với lĩnh vực càphê.

Niên vụ càphê 2023-2024, giá càphê tăng cao, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh càphê, hợp tác xã… trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhu cầu về vốn vay lớn. Người sản xuất và doanh nghiệp càphê có nhu cầu vay vốn để chăm sóc, tái canh diện tích càphê già cỗi, đầu tư máy móc thiết bị chế biến; đồng thời, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho mặt hàng càphê, đảm bảo yêu cầu chất lượng càphê xuất khẩu.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Chỉ thị 21/CT-UBND ngày 25/10/2023 về việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ càphê niên vụ 2023-2024.

Theo chỉ thị này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu càphê vay trong niên vụ càphê 2023-2024, nhất là nguồn vốn vay để đầu tư tái canh càphê, đầu tư máy móc thiết bị chế biến, hệ thống xử lý nước thải.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk có ý kiến chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ lãi suất dành cho doanh nghiệp kinh doanh càphê của tỉnh.

Thực hiện chỉ thị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn, ưu tiên hạn mức tín dụng được giao đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu càphê, đặc biệt là vào các tháng cao điểm thu mua càphê (từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2024).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành; trong đó, có ngành càphê, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ về cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Các hoạt động nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực càphê của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh niên vụ càphê 2023-2024.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk, doanh số cho vay (trồng mới, chăm sóc, thu mua, xuất khẩu) niên vụ càphê 2022-2023 bình quân đạt 24.017 tỷ đồng, cao hơn doanh số cho vay bình quân niên vụ 2021-2022 là 3.263 tỷ đồng.

Tính đến tháng 9/2023, dư nợ cho vay càphê đạt 19.339 tỷ đồng, chiếm 13,62% tổng dư nợ cho vay tỉnh, với 115.544 khách hàng còn dư nợ. Trong số đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 12.615 tỷ đồng (chiếm 65,23% dư nợ cho vay càphê); cho vay trung, dài hạn ước đạt 6.724 tỷ đồng (chiếm 34,77% dư nợ cho vay càphê)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục