Mật ong hoa càphê Gia Lai được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu

Việc được cấp thêm Giấy Chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu “Mật ong hoa càphê Gia Lai-Coffee honey” sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai cũng như nâng cao giá trị của nông sản của tỉnh.
Mật ong hoa càphê Gia Lai được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu ảnh 1Gian hàng giới thiệu sản phẩm mật ong hoa càphê của Gia Lai. (Nguồn: Báo Gia Lai)

Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa ban hành Quyết định số 83172/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu số 462499 cho nhãn hiệu “Mật ong hoa càphê Gia Lai-Coffee honey."

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai là đơn vị tổ chức quản lý chứng nhận đăng ký nhãn hiệu này.

Trước đó, vào cuối năm 2022, Cục Sở hữu Trí tuệ đã ban hành Quyết định số 5372/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Chỉ dẫn Địa lý số 00125 "Gia Lai" cho sản phẩm càphê.

Cùng với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm càphê, Chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu “Mật ong hoa càphê Gia Lai Coffee honey” được cấp cho hàng hóa, dịch vụ như: mật ong hoa càphê; phấn hoa càphê; dịch vụ mua bán các sản phẩm hoa càphê, phấn hoa càphê, dịch vụ quảng cáo, quảng bá mật ong hoa càphê, phấn hoa càphê…

Ông Ngô Việt Thắng, Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn Địa lý và Nhãn hiệu Quốc tế, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai chuẩn bị tổ chức Lễ Công bố và Trao quyết định cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký cho nhãn hiệu “Mật ong hoa càphê Gia Lai-Coffee honey."

Ông Ngô Việt Thắng cho biết thêm theo Chương trình Phát triển Tài sản Trí tuệ giai đoạn 2016-2020, tỉnh Gia Lai có 10 sản phẩm địa phương được hỗ trợ đăng ký xác lập quyền Sở hữu Trí tuệ và 1 sản phẩm hồ tiêu Chư Sê được cấp Chỉ dẫn Địa lý.

Trong Chương trình Phát triển Tài sản Trí tuệ giai đoạn 2021-2030, tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ đăng ký bảo hộ tối thiểu cho 5 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích, 5 kiểu dáng công nghiệp, 500 nhãn hiệu thông thường và 10 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mang tên địa danh của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Tỉnh cũng phấn đấu tối thiểu 60% sản phẩm chủ lực và 80% sản phẩm gắn với Chương trình OCOP tỉnh Gia Lai được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho tối thiểu 10 sáng chế/giải pháp hữu ích, 15 đơn kiểu dáng công nghiệp, 25 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mang địa danh của tỉnh cho các sản phẩm, dịch vụ của địa phương.

[Infographics] Công bố Nhãn hiệu Tập thể Sầu riêng Cư M’Gar

Việc được cấp thêm Giấy Chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu “Mật ong hoa càphê Gia Lai-Coffee honey” sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai cũng như nâng cao giá trị của nông sản của tỉnh trong thời gian tới.

Hiện nay, Gia Lai có nhiều sản phẩm được xác lập quyền sở hữu trí tuệ, được cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu Tập thể như: Hồ tiêu Chư Sê, gạo Phú Thiện-Gia Lai, rau An Khê-Gia Lai và Chỉ dẫn Địa lý Mang Yang cho gạo Ba Chăm, càphê Gia Lai, phở khô Gia Lai, khoai lang Lệ Cần-Đak Đoa, gạo Ia Lâu-Chư Prông, thịt bò Krông Pa...

Ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết Sở luôn chú trọng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như người dân có nhu cầu bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, nhất là cho các sản phẩm chủ lực địa phương trong xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ; đồng thời, phát triển các sản phẩm theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị.

Sở cũng tích cực phối hợp với Cục Sở hữu Trí tuệ nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh việc cấp văn bằng bảo hộ quyền Sở hữu Trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ địa phương, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường hiệu quả thực thi chống xâm phạm quyền Sở hữu Trí tuệ, tuyên truyền nâng cao nhận thức về Sở hữu Trí tuệ, thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục