Đắk Nông: Ưu tiên liên kết trong sản xuất và tiêu thụ càphê

Thời gian qua, Đắk Nông chú trọng phát triển mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ càphê; hiện tỉnh có 25 HTX, doanh nghiệp sản xuất liên kết với diện tích gần 13.300ha, sản lượng gần 41.000 tấn.

Thu hái quả chín để nâng cao chất lượng càphê, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Thu hái quả chín để nâng cao chất lượng càphê, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, diện tích trồng càphê có tỷ trọng lớn trong cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh.

Hiện tại, Đắk Nông có hơn 142.000ha càphê, chiếm hơn 35% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Sản lượng càphê trong niên vụ gần nhất (năm 2023) đạt hơn 360.000 tấn.

Nhìn tổng thể, diện tích, sản lượng càphê của Đắk Nông chiếm trên 18% diện tích, sản lượng cả nước. Đắk Nông cũng đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên về diện tích, sản lượng càphê, sau hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Càphê được trồng tại Đắk Nông chủ yếu là cà phê vối (Robusta) với khoảng 99% diện tích. Hiện nay, các giống càphê phổ biến được người dân sản xuất bao gồm TRS1, TR4, TR9, TR11, càphê dây… Đây đều là những loại giống có chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện canh tác của tỉnh Đắk Nông.

Các giống này cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận; trong đó, tỉnh Đắk Nông đã chọn lọc và công nhận được giống càphê dây bản địa với nhiều ưu điểm vượt trội.

Liên quan đến phát triển các vùng chuyên canh càphê theo hướng tập trung theo các tiêu chuẩn chứng nhận, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, toàn tỉnh hiện có hơn 23.500ha càphê được công nhận theo các tiêu chuẩn như 4C, RA, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Tổng sản lượng ước tính trên 82.000 tấn mỗi năm.

ttxvn_thu hoach ca phe.jpg
Hộ nông dân Jat, thôn Brônngoai, xã Iapết, huyện Đắk Đoa thu hoạch cà phê đảm bảo đúng chất lượng quả chín theo quy định của ngành Nông nghiệp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bên cạnh đó, thời gian qua, Đắk Nông cũng chú trọng phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ càphê. Toàn tỉnh hiện có 12 hợp tác xã, 13 doanh nghiệp sản xuất càphê liên kết với tổng diện tích gần 13.300ha, sản lượng gần 41.000 tấn.

Toàn tỉnh cũng có 17 sản phẩm càphê được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); 15 nhãn hiệu mặt hàng càphê đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, Đắk Nông cũng đang thực hiện các bước để xây dựng Chỉ dẫn địa lý càphê Đắk Nông.

Tuy nhiên, việc phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến càphê để gia tăng giá trị sản phẩm có thể được coi là khâu yếu nhất của ngành càphê Đắk Nông, sản phẩm càphê của nông dân Đắk Nông chủ yếu là càphê nhân xô. Đây là nguyên liệu để xuất khẩu chính với hơn 99% tổng sản lượng. Các thị trường chủ yếu, gồm Singapore, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Australia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italy… ; trong đó, Singapore là thị trường nhập khẩu càphê lớn nhất của Đắk Nông với trên 60% giá trị xuất khẩu cà phê của tỉnh.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, để phát triển ngành càphê theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và lợi nhuận cho nông dân, trong thời gian tới đây, Đắk Nông gắn việc mở rộng thị trường xuất khẩu với tái cơ cấu ngành trồng càphê nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh. Tỉnh cũng xây dựng các chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp theo hướng lấy hợp tác xã, doanh nghiệp làm trung tâm và có nhiều chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp bền vững.

Thời gian qua, giá cả càphê liên tục tăng và hiện dao động ở mức 100.000 đồng/kg. Mức giá này đã tạo nên một “sức hút” mạnh mẽ và nông dân tại nhiều địa phương bắt đầu quay trở lại với nghề trồng càphê.

Ngành nông nghiệp Đắk Nông khuyến cáo người dân chỉ phát triển càphê tại những khu vực có đất đai, thổ nhưỡng phù hợp và đảm bảo nguồn nước. Không phát triển càphê ồ ạt, nhất là tại các khu vực không phù hợp nhằm hạn chế các rủi ro, thiệt hại./.

Công nhân thu hoạch càphê ở Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Giá càphê Robusta chạm mức cao nhất trong 45 năm

Việt Nam, nước sản xuất càphê Robusta lớn nhất, tiếp tục đối mặt với khó khăn vụ thu hoạch kém trong cả vụ trước và vụ hiện tại là một trong những nguyên nhân khiến giá càphê tăng cao.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục