“Con đường Dừa Bến Tre 2015” là công trình tổ chức, sắp đặt hình ảnh đất nước, con người, cây dừa Bến Tre từ xưa đến nay trong Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ 4 năm 2015.
Trên Con đường Dừa lần này, người xem sẽ bắt gặp ở đâu đó những hình ảnh thân thương, bình dị của người dân xứ dừa và khát vọng vươn lên của bao thế hệ người Bến Tre từ ngàn xưa được tái hiện qua không gian chợ quê “Một thoáng quê Dừa.”
Năm nay, không gian Con đường Dừa được thiết kế với độ dài 400m, tổng diện tích 14.000m2, tại công viên Cái Cối, xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre, với ba phần chính gồm không gian trung tâm “Dừa mãi đơm bông,” không gian “Một thoáng quê Dừa” và không gian “Quê Dừa ngày mới.” Trong đó, điểm nhấn là không gian “Một thoáng quê Dừa”.
Không gian “Một thoáng quê Dừa” (Xứ dừa ngày xưa), tái hiện hình ảnh dung dị, bình yên của nông thôn xứ dừa ngày xưa, gợi nhớ, tri ân công sức, mồ hôi của các thế hệ cha ông từ thủa khai hoang mở đất; chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai để có được mảnh đất trù phú, xanh tươi, rợp mát bóng dừa; thể hiện xóm nhà dừa, chợ quê, đồng lúa, vườn dừa, cầu tre, bến nước...
Đến với “Một thoáng quê Dừa”, lữ khách sẽ hiểu thêm, biết thêm về ẩm thực, không gian, nét đẹp của chợ quê Bến Tre ngày xưa qua những hình ảnh mộc mạc, dân quê như: Đôi quang gánh, cái rổ tre, trái mít, củ sắn… được bày bán trong các buổi chợ quê.
Góp mặt trong cả 4 Lễ hội dừa, với vai trò là một bà mẹ quê dừa bán trái cây tại chợ, bà Nguyễn Thị Nhuần, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Lễ hội Dừa trước đây không có chợ quê, năm nay mở không gian dừa có thêm loại chợ quê này. Ở chợ quê nhiều sản phẩm, trái cây, món đồ được làm ra để bán, trưng bày cho bà con chiêm ngưỡng, trở lại nguồn cội xưa. Tái hiện chợ quê ngày xưa nên chúng tôi bán những trái cây quê như mít và là mít ta chứ không phải mít Thái như bây giờ, mận bánh xe, mận thường vậy đó."
Không gian cộng đồng, giao tiếp được thể hiện đại diện là điểm chợ quê. Tại đây mô tả các hoạt động trao đổi, mua bán hàng nông sản, tiêu dùng. Các cơ sở là quầy, sạp, gánh hàng có tính tạm bợ, giản đơn như quầy bán bánh tráng phồng Sơn Đốc, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh chuối đập nướng… tạo nên không gian nông thôn xứ Dừa từ buổi đầu khẩn hoang đến lúc hình thành những xóm dừa. Trong xóm có các hoạt động sản xuất, đời sống sung túc, sinh hoạt của cộng đồng gắn bó.
Từ ngày Con đường Dừa được khai mạc, chị Tô Phương Hiền ở thành phố Bến Tre ngày nào cũng dẫn hai con đến chợ quê để tham quan.
Chị chia sẻ: “Con đường Dừa năm nay khác những năm trước là tái hiện được chợ quê, thu gọn nhưng đầy đủ, súc tích, rất ý nghĩa về hình ảnh những buổi chợ ngày xưa. Một điều rất hay sau này có thể làm quy mô rộng hơn, hoặc là chợ nhỏ nhưng làm chợ quê thì sẽ hay hơn để người dân mình, những thế hệ trẻ sau này được nhìn, được thấy cảnh ông bà của mình ngày xưa đã sống như thế nào.”
Em Cao Tô Phương Quỳnh, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Bến Tre thì bộc bạch: “Ở lứa tuổi như em, thường là đi siêu thị, còn không thì đi mấy chợ hiện đại. Qua con đường dừa, lễ hội dừa này, em biết thêm chợ quê của người xưa. Từ trước đến nay chỉ nghe qua sách báo hoặc xem tivi thôi, còn bây giờ em thấy tái hiện hoàn toàn vùng quê của mình hồi xưa. Em thấy rất vui, rất ý nghĩa. Qua lễ hội này em học hỏi được nhiều hơn về phong tục tập quán, truyền thống của người Bến Tre cũng như của người Việt Nam mình.”
Lễ hội đã tái hiện cảnh xưa với đìa nước có nhiều hoa súng và cây cỏ dại. Tượng trưng cho không gian sản xuất, trồng trọt là đồng lúa vàng, vườn ươm giống dừa, vườn dừa sai trái. Các sinh hoạt vui chơi, giải trí được bố trí kết hợp trong vườn dừa, đồng lúa, bến thuyền, ao đìa đầy sen, hoa tươi, cỏ đẹp… tạo nên cảnh quê thanh bình.
Không gian ở, sinh hoạt được thể hiện cho hai giai đoạn tiêu biểu của buổi đầu trồng lúa và chuyển sang trồng dừa. Xóm nhà thu nhỏ với cảnh trí đường xóm quê, mương vườn, cầu dừa… tạo không gian để các bạn trẻ được tìm hiểu, khám phá và hòa mình trong không gian xưa.
Đến với khung cảnh “Một thoáng quê dừa”, du khách như tìm về với tuổi thơ của mình qua những hình ảnh chú cào cào, con cá, chiếc nón… được các nghệ nhân trẻ tuổi khéo tay làm nên từ những cọng dừa, lá dừa với những chất liệu chủ yếu từ dừa, mang đậm chất dân gian xứ dừa, tạo nên sự gắn kết giữa cây dừa và con người, thể hiện niềm tin yêu mãnh liệt của con người với quê hương xứ dừa./.