Đàm phán thương mại EU-Mỹ sẽ chuyển về Brussels

Các nhà thương lượng chính của EU và Mỹ thông báo kế hoạch về vòng đàm phán thứ 2 về TTIP tại Brussels, Bỉ, bắt đầu từ ngày 7/10.
Ngày 12/7, Liên minh châu Âu và Mỹ đã kết thúc vòng đàm phán đầu tiên tại Washington, Mỹ, về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây dương (TTIP) và đặt nhiều hy vọng vào một hiệp định như vậy giữa hai nền kinh tế quan trọng bậc nhất của thế giới.

Khi kết thúc vòng đàm phán tại Washington, các nhà thương lượng chính của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cho biết họ đã đạt được những bước tiến bộ trong tuần qua và thông báo kế hoạch về vòng đàm phán thứ 2 tại Brussels, Bỉ, bắt đầu từ ngày 7/10.

Sau 5 ngày họp, cả 2 bên đều bày tỏ lạc quan về triển vọng của các vòng đàm phán. Bất chấp một danh sách dài các vấn đề gai góc mà họ cam kết giải quyết, các nhà đàm phán bày tỏ hy vọng sẽ hoàn tất một thỏa thuận thương mại mới - được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử - vào cuối năm sau.

Ignacio Garcia-Bercero, nhà thương lượng chính của EU, cho biết cuộc đàm phán đã chứng tỏ “ý chí chính trị mạnh mẽ nhất” của EU. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã vạch ra được đường hướng cho một tiến trình đàm phán chuyên sâu,” và cho biết thêm các nhà thương lượng đều hy vọng đạt được một thỏa thuận "sẽ giúp cải thiện" các nền kinh tế của EU và Mỹ.

Ngay từ đầu, quá trình đàm phán về một loạt vấn đề từ nông nghiệp, thương mại điện tử, tới dịch vụ tài chính và các chính sách đầu tư, cạnh tranh… đã cho thấy có rất nhiều khó khăn. Song, một khi thành công, thỏa thuận đầy tham vọng nhằm xóa bỏ thuế quan và giảm bớt rào cản pháp lý này sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới là thị trường của hơn 800 triệu người tiêu dùng và sẽ giúp Tổng sản lượng quốc nội (GDP) của cả EU và Mỹ tăng 100 tỷ USD mỗi năm. Hiệp định thương mại tự do EU-Mỹ khi có hiệu lực sẽ có thể tăng doanh số thương mại EU-Mỹ lên 40% kim ngạch thương mại toàn cầu và tạo ra hàng triệu việc làm mới.

Đại diện cấp cao phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu Karen De Gutch bày tỏ tin tưởng một hiệp định như vậy sẽ rất tốt cho châu Âu, đem lại thêm nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp châu Âu thoát khỏi khủng hoảng.

Trong đàm phán, mối quan tâm lớn nhất của châu Âu là được miễn trừ các điều khoản trong đạo luật "Buy American" - một đạo luật khuyến khích người Mỹ mua hàng hóa sản xuất trong nước đối với các dự án công trình công cộng. Mỹ thì hy vọng EU giảm bớt rào cản đối với các sản phẩm biến đổi gien vốn cản trở nông dân Mỹ trong nhiều năm qua. Các chuyên gia nhận xét một số trong những bất đồng lớn nhất giữa 2 bên tập trung trong lĩnh vực thực phẩm, khi nhiều nước châu Âu phản đối Mỹ về các sản phẩm biến đổi gien và thịt tiêm hormone tăng trưởng.

Khi được hỏi trong tuần qua, liệu đã có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy châu Âu sẵn sàng nới lỏng các quy định của họ về an toàn thực phẩm hay không, ông Garcia-Bercero không có câu trả lời trực tiếp. Nhưng, ông cho biết trước kia EU từng thảo luận về thực phẩm biến đổi gien với Mỹ và đây là “một cuộc đối thoại mà chúng tôi sẵn sàng tiếp tục.”

Việc đàm phán TTIP bị những người phản đối chỉ trích gay gắt, vì họ lo ngại rằng các nhà thương lượng sẽ tìm cách làm suy yếu các đạo luật bảo vệ người tiêu dùng để giúp giới kinh doanh và các công ty tăng lợi nhuận của họ.

Theo nhận định của giới chuyên gia, đàm phán hiệp định tự do thương mại với Mỹ sẽ khiến EU gặp nhiều khó khăn hơn trong việc theo đuổi các mục tiêu chính sách dài hạn, đồng thời nó sẽ làm nảy sinh thêm những bất ổn trong tiến trình khối này tiến tới hội nhập về tài chính và kinh tế.

Mặc dù EU và Mỹ thừa nhận có nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán để đi đến ký kết hiệp định trước cuối năm 2014, những lợi ích từ thỏa thuận này lớn đến mức cả 2 bên đều tỏ rõ quyết tâm để đạt được kết quả. Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cho rằng các cuộc đàm phán nhiều khả năng sẽ phải kéo dài sang năm 2015./.

Thái Vân/Brussels (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục