Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Còn nhiều vấn đề cần giải quyết

Các quan chức Mỹ-Trung kết thúc vòng đàm phán thương mại thứ 3 ở Bắc Kinh ngày 15/2 vừa qua, sẽ nối lại đàm phán tại Washington tuần này khi 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới nỗ lực giải quyết bất đồng.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Còn nhiều vấn đề cần giải quyết ảnh 1Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (thứ 2, phải) cùng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 3, trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ 2, trái) tại vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 14/2 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán thương mại thứ ba tại Bắc Kinh vào ngày 15/2 vừa qua và dự kiến sẽ nối lại đàm phán tại Washington trong tuần này khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới nỗ lực giải quyết những bất đồng gay gắt.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các cuộc đàm phán đang tiến triển rất tốt, các cố vấn của ông cảnh báo còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Theo cáo buộc từ phía Mỹ, Trung Quốc đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (IP) của nước này và buộc các công ty Mỹ chuyển giao bí quyết công nghệ để đổi lấy sự tiếp cận thị trường.

Trung Quốc lâu nay vẫn bác bỏ những cáo buộc này nhưng cũng đang đẩy mạnh việc phạt các vi phạm IP; đồng thời nỗ lực ban hành luật đầu tư nước ngoài mới, theo đó cấm mọi hành vi cưỡng bức chuyển giao công nghệ.

Trung Quốc cũng từng bước mở rộng phạm vi các ngành công nghiệp để doanh nghiệp nước ngoài có thể vào hoạt động mà không cần đối tác liên doanh Trung Quốc. Tuy nhiên, không rõ những động thái này đã đủ để Trung Quốc có được sự nhượng bộ từ phía chính quyền của ông Trump hay chưa.

Trong khi đó, chính sách công nghiệp của Trung Quốc cũng gây ra những lo ngại, đặc biệt là chính sách "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" nhằm biến cường quốc châu Á này trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thông qua sự hỗ trợ hào phóng của nhà nước cho các doanh nghiệp nước này.

Những căng thẳng thương mại đã cho thấy sự cần thiết đối với Trung Quốc trong việc tự chủ hơn nữa về các công nghệ chủ chốt như chất bán dẫn, khi việc Mỹ cấm các công ty nước này bán các sản phẩm công nghệ cho ZTE đã khiến tập đoàn viễn thông này lao đao.

[Cùng tồn tại cạnh tranh có phải là chiến lược quan hệ Mỹ-Trung?]

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã gia tăng vai trò chủ đạo ở trong nước. Tuy nhiên, Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ giảm bớt vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và hạn chế những khoản hỗ trợ hào phóng cho các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp.

Nhà kinh tế Cui Fan thuộc Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh cho rằng hai nước sẽ khó có thể giải quyết được triệt để vấn đề này trong tháng Hai này.

Bên cạnh đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong năm ngoái chạm mức kỷ lục 323,3 tỷ USD khi thuế trả đũa đã khiến các khách hàng Trung Quốc không mua hàng nông sản và năng lượng của Mỹ.

Trong các cuộc đàm phán, Trung Quốc đã cam kết tăng cường mua đậu tương và các hàng hóa khác của Mỹ để thuyết phục Mỹ đi đến một thỏa thuận.

Cuối tuần trước, Nhà Trắng nhấn mạnh đến các cuộc thương thuyết liên quan việc Trung Quốc mua lượng lớn hàng hóa Mỹ để giảm thâm hụt thương mại lớn lâu nay của nước này. Nhưng điều đó còn phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.

Hai bên đang hướng tới việc ký kết bản ghi nhớ để cụ thể hóa các cam kết trước một cuộc gặp có thể diễn ra giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ đã công khai phát biểu rằng một thỏa thuận phải bao gồm những cải cách cơ cấu thực sự để chấm dứt các chính sách thương mại không công bằng. Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng điều đó cần phải có thời gian./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục