“Đàn bà không yên phận”

“Đàn bà không yên phận”-vấn đề của xã hội hiện đại

Trong cuộc sống hiện đại, có những người “Đàn bà không yên phận,” và ở mỗi phụ nữ cũng có những biểu hiện "không yên phận" phái yếu...
Trong xã hội hiện đại nhiều phụ nữ mơ ước vươn lên khẳng định mình, muốn có những quyết định độc lập từ cuộc sống không lệ thuộc. Nhưng với người phụ nữ Đông phương, ngoài công việc hoạt động xã hội khi trở về gia đình họ đều muốn thực hiện thiên chức của một người vợ, người mẹ. Và  đâu đó ta thấy xuất hiện những người đàn bà không yên phận, hẳn họ sẽ là những người đàn bà đặc biệt?

Cuốn sách mở ra là hình ảnh một người đàn bà giữa dòng xoáy cuộc đời, dòng xoáy càng xoay vòng người đàn bà càng muốn thoát ra khỏi vòng xoáy đó. Họ muốn khẳng định mình không phải chỉ là  người để quanh quẩn trong nhà, không thể chỉ là Eva - chiếc xương sườn của Adam.

Đàn bà - người giữ lửa hạnh phúc cho tổ ấm của mình, nhân vật Trác Nhĩ sinh ra là đàn bà nhưng lại mang trong mình những hoài bão, khát vọng vô cùng mạnh mẽ. Trong cô không mất đi nét đàn bà mà tạo hóa đã ban phát nhưng điểm xuyết vào tâm hồn đó là những sở thích “nam tính.”

Cô thích lái ô tô đi lòng vòng ngoài đường phố, thích xem những hội chợ triển lãm ô tô, thích khám phá nghiên cứu những hiện tượng kỳ lạ trong thiên nhiên, khám phá những vùng khó khăn, nguy hiểm của trái đất, thích đến Nam Cực, thích làm việc độc lập, thích tự mình quyết định mọi việc, không cần quan tâm đến những lời tư vấn hay ý kiến phản ánh của mọi người.

Nhân vật Trác Nhĩ có thể hy sinh cả sự nghiệp của mình cho khát vọng và hoài bão tuổi trẻ. Trác Nhĩ rất có bản lĩnh, cô đã từng tự mình làm việc, cố gắng học tập nơi đất khách quê người khi cuộc hôn nhân không trọn vẹn.

Cô không chấp nhận một người chồng luôn đi theo một lối mòn cổ xưa từ cuộc sống hàng ngày đến cuộc sống sinh hoạt vợ chồng. Chồng cô luôn mơ ước một cuộc sống bình dị, trong khi cô là một người luôn muốn  thay đổi, làm mới mình mỗi ngày để làm vui lòng chồng.

Trác Nhĩ trái ngược với tiêu chuẩn quan niệm truyền thống về đàn bà. Cô cũng muốn nấu những món ngon cho chồng nhưng tất cả những món cô nấu, chồng cô đều không thấy ngon miệng, chồng cô thích những món không cần sự cầu kỳ, thích quen miệng hơn là  đổi khẩu vị. Với anh ngày nào cũng vậy là hạnh phúc rồi.

Bản thân Trác Nhĩ không phải là người đàn bà đẹp vẻ đẹp về thân thể và gương mặt nhưng Trác Nhĩ lại có nét quyến rũ riêng đối với những người đà ông có xu hướng thích đàn bà “cứng đầu.” Trác Nhĩ đến với “những người đàn ông sau chồng mình” không phải vì ham muốn tiền của hay ham muốn dục vọng mà cô đến bằng cảm xúc của  mình. Cô không lợi dụng họ để sống hay thăng chức, cô vẫn tự mình lo cho cuộc sống của mình.

“Tổ ấm” của Trác Nhĩ đã được thay bằng một căn hộ đơn giản với chiếc giường xinh xắn mà coi như báu vật. Trong mỗi người đàn bà luôn ẩn giấu bản năng dâng hiến, nhưng sự dâng hiến chỉ dành cho những người họ yêu thương, trân trọng nhất, những người, gắn bó với họ suốt cuộc đời, những người họ coi là một phần máu thịt của họ, là cuộc sống của họ. Trác Nhĩ đã đi ngược với dòng chính thống đó, cô dâng hiến cho người đàn ông mà không phải là người cô muốn gắn bó suốt cuộc đời, người mà cô đang có ý định rời xa, khi quyết định không làm việc ở đó nữa.

Và cuốn sách khép lại bằng hình ảnh người đàn bà sau giây phút mặn nồng vẫn trở về cuộc sống thực. Tất cả những người đàn bà trong cuốn sách đều không yên phận, mỗi người chọn cho mình một con đường riêng. Họ cho thấy: đàn bà không yên phận không phải là những người đàn bà bất chấp mọi dư luận để sống. Đàn bà không yên phận nhưng vẫn thực hiện được thiên chức người phụ nữ của mình.

Sách viết: “Không yên phận là luôn luôn vứt bỏ và bắt đầu. Một con người lúc còn trẻ không yên phận thì đợi đến bao giờ? Không yên phận là cái mốc giải phóng phụ nữ. Trời đất của đàn bà càng không yên phận càng rộng mở.”

Cuốn sách đặt một vấn đề mà cuộc sống hiện đại ở các gia đình, mỗi con người Đông phương đang gặp phải… Làm sao để có được hạnh phúc trong khát vọng đổi mới và khẳng định, làm sao có được sự cảm thông và cả những tiết chế sự không yên phận của phụ nữ ngày nay… là cả một vấn đề. Cuốn sách của nhà văn Trung Quốc, Trương Kháng Kháng do Nhà xuất bản Văn học phát hành sẽ giúp gợi mở, bàn bạc và thêm trải nghiệm./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục