Dân ca Quan họ - mạch nguồn chảy mãi qua các thế hệ người dân Bắc Ninh

Sự ra đời của Câu lạc bộ Quan họ Măng non đã chứng tỏ một mô hình hiệu quả, góp phần nuôi dưỡng tình yêu Quan họ trong thế hệ trẻ và bảo tồn sức sống mãnh liệt của di sản văn hóa xứ Kinh Bắc.

Liền chị "nhí" duyên dáng trong bộ áo tứ thân biểu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Hội Lim, huyện Tiên Du. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Liền chị "nhí" duyên dáng trong bộ áo tứ thân biểu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Hội Lim, huyện Tiên Du. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Ngày 30/9/2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước 2003, UNESCO đã bỏ phiếu công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực hiện cam kết với UNESCO, 15 năm qua, Bắc Ninh không ngừng nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù.

Sức sống trong cộng đồng

Như thường lệ, cứ thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, Câu lạc bộ Quan họ Măng non xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du lại tổ chức sinh hoạt. Các "liền chị nhí" mặc áo tứ thân, khăn mỏ quạ, "liền anh" mặc áo the khăn xếp, được Ban Chủ nhiệm uốn nắn từng lời ăn, tiếng nói, bồi dưỡng văn hóa Quan họ.

Đây cũng là minh chứng khẳng định Dân ca Quan họ như mạch nguồn chảy mãi qua các thế hệ người dân Bắc Ninh.

Em Nguyễn Hải Yến, Câu lạc bộ Quan họ Măng non xã Hoàn Sơn chia sẻ, em học hát Quan họ ở câu lạc bộ được 2 năm, được dạy các làn điệu Quan họ, được học về lề lối, trang phục, văn hóa Quan họ. Đặc biệt, em tham gia cùng các bà, các cô biểu diễn Quan họ tại Hội Lim, tận mắt chứng kiến tình cảm của khán giả, người yêu Quan họ càng giúp em thêm tự hào, gắn bó với di sản của quê hương nhiều hơn.

Đến nay, mỗi khi sinh hoạt tại trường, lớp, em rất tự tin biểu diễn loại hình dân ca này.

Chị Nguyễn Thị Nguyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Măng non xã Hoàn Sơn cho biết câu lạc bộ ra đời năm 2015, được tách ra từ Câu lạc bộ Quan họ trung, cao tuổi (thôn Đại Sơn, xã Hoàn Sơn) do chị đứng ra làm chủ nhiệm.

Mặc dù câu lạc bộ không phải ở làng Quan họ gốc hay làng Quan họ thực hành, nhưng với tình yêu dân ca cùng với sự chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân, đến nay, các thành viên đều thành thục hàng chục làn điệu.

ttxvn quan ho Bac Ninh4_resize.jpg
Biểu diễn dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay, câu lạc bộ thu hút hơn 30 thành viên từ 4-17 tuổi. Các em đều có niềm đam mê Quan họ nên cùng sinh hoạt trong “mái nhà chung."

Sự ra đời của Câu lạc bộ Quan họ Măng non và ngày càng phát triển là một mô hình hiệu quả, góp phần nuôi dưỡng tình yêu dân ca trong thế hệ trẻ, đồng thời khẳng định hướng đi đúng trong bảo tồn, lan tỏa Quan họ Bắc Ninh trong cộng đồng.

Từ 44 làng Quan họ gốc và 34 câu lạc bộ Quan họ vào năm 2009, đến nay Bắc Ninh đã có 150 làng Quan họ thực hành, trên 600 câu lạc bộ Quan họ với hơn 10.000 hội viên tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy. Điều đó khẳng định giá trị to lớn của Dân ca Quan họ Bắc Ninh, nỗ lực của cả chính quyền và cộng đồng đã gây dựng.

ttxvn quan ho Bac Ninh2_resize.jpg
Các liền chị Quan họ giao lưu theo hình thức hát đối đáp. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Nga, Câu lạc bộ Quan họ Khu phố Suối Hoa, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh cho biết bà đã tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ 5 năm. Ban đầu từ việc chưa biết hát, đến nay bà đã hát được hàng chục làn điệu. Tuần nào cũng thế, cứ đến tối thứ Bảy, Chủ nhật, bà lại cùng các thành viên say sưa ôn lại làn điệu cũ và học thêm các làn điệu mới.

Cứ như vậy, tình yêu Quan họ đã ươm mầm, phát triển trong cộng đồng. Người cũ dạy cho người mới, các thành viên trong câu lạc bộ đều thành thạo, tự tin đi biểu diễn Quan họ không chỉ trong khu mà còn giao lưu với các câu lạc bộ khác.

Bảo tồn, phát huy

Bắc Ninh hỗ trợ kinh phí cho câu lạc bộ Quan họ gốc 30 triệu đồng/lần/năm; làng Quan họ thực hành, các câu lạc bộ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống được hỗ trợ 20 triệu đồng/lần/năm. Đây là hành động thiết thực nhằm giải quyết vấn đề kinh phí cho các câu lạc bộ mà còn thể hiện sự quan tâm, động viên với những người gìn giữ di sản.

Một lực lượng quan trọng trong bảo tồn Dân ca Quan họ là các nghệ nhân, người "truyền lửa," "linh hồn" trong các câu lạc bộ Quan họ.

Hầu hết, họ đã có tuổi nhưng tình yêu Quan họ vẫn luôn đầy nhiệt huyết. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Kim Quýnh, Câu lạc bộ Quan họ Đương Xá, thành phố Bắc Ninh cho biết bà có hơn 80 tuổi đời với hơn 70 năm gắn bó với Quan họ Bắc Ninh.

Quan họ như một phần cuộc sống của bà. Nhờ tình yêu Quan họ, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, bà cùng một số người yêu Quan họ phục dựng Quan họ Đương Xá vào năm 1994. Ban đầu, câu lạc bộ có 12 thành viên, trải qua hơn 30 năm, câu lạc bộ đã thu hút 60 thành viên với 3 thế hệ cao tuổi, trung tuổi và măng non.

Với vai trò nghệ nhân truyền dạy, hạt nhân của câu lạc bộ, nên dù tuổi đã cao nhưng Nghệ nhân Nhân dân Kim Quýnh không vắng mặt trong bất cứ một buổi sinh hoạt nào.

“Mỗi buổi các em sinh hoạt thì mình phải ra uốn nắn các em cách buông câu nhả chữ cho vang, rền, nền, nảy. Đến nay, những người gìn giữ làn điệu cổ không còn nhiều, mỗi buổi sinh hoạt, tôi thường truyền dạy những làn điệu cổ, khó; đồng thời sáng tác thêm bài mới mang hơi thở cuộc sống hiện tại. Qua đó, làm giàu thêm vốn Quan họ giúp Dân ca Quan họ Bắc Ninh trường tồn và lan tỏa," Nghệ nhân Nhân dân Kim Quýnh nói.

ttxvn quan ho Bac Ninh5_resize.jpg
Hát Quan họ trên thuyền rồng. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Đánh giá về bảo tồn Dân ca Quan họ Bắc Ninh thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp khẳng định Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống; đã thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả các nội dung cam kết với UNESCO.

Bắc Ninh cũng là một địa phương đi đầu cả nước về sự quan tâm, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhiều chính sách của tỉnh có ý nghĩa, tác động thiết thực đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Điển hình như chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, nghệ sỹ chuyên nghiệp; hỗ trợ các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, các câu lạc bộ Quan họ tiêu biểu.

Bên cạnh đó, tỉnh dành nhiều kinh phí đầu tư hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa, trang thiết bị liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ.

Đó là nguồn khích lệ các nghệ sỹ, diễn viên, nghệ nhân thêm hăng say trong nghề, tích cực cống hiến, truyền dạy, phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng; động viên nghệ nhân kế cận tích cực tham gia, cống hiến nhiều hơn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Điều đó một lần nữa khẳng định công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ là đúng hướng, tạo nên sự trường tồn, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống đương đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục