Đan Mạch đệ trình tuyên bố mở rộng chủ quyền tại Bắc Cực

Ngày 15/12, Đan Mạch và vùng tự trị Greenland đệ trình tuyên bố mở rộng chủ quyền ở đáy biển Bắc Cực lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc.
Đan Mạch đệ trình tuyên bố mở rộng chủ quyền tại Bắc Cực ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: neurope.eu)

Ngày 15/12, Đan Mạch và vùng tự trị Greenland thuộc Đan Mạch đã đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc tuyên bố mở rộng chủ quyền vùng lãnh thổ ở đáy biển Bắc Cực ra ngoài phạm vi vùng kinh tế 200 hải lý tính từ đường bờ biển.

Như vậy, vùng đáy biển Bắc Cực mà Đan Mạch tuyên bố chủ quyền mở rộng có diện tích gấp 20 lần lãnh thổ của chính Đan Mạch hiện nay, bao gồm khu vực cực Bắc và gần 895.000km2 đáy biển ở Bắc Băng Dương về phía Bắc của Greenland, liền với dãy núi ngầm dài 2.000km dưới đáy biển.

Trong đơn đệ trình, Đan Mạch và vùng lãnh thổ Greenland cũng đã đưa ra những bằng chứng chứng tỏ rằng gần 900.000km2 nói trên nối liền với thềm lục địa Greenland.

Động thái mới nhất nêu trên của Đan Mạch nhiều khả năng sẽ làm căng thẳng thêm xung đột giữa nước này với hai quốc gia Canada và Nga liên quan tới chủ quyền ở Bắc Cực, khi vùng đáy biển mà Đan Mạch vừa tuyên bố chủ quyền mở rộng chồng lấn với khu vực mà Nga và Canada cũng tuyên bố chủ quyền mở rộng.

Vùng biển Bắc Cực lạnh giá, hoang sơ và khắc nghiệt được đánh giá là giàu tài nguyên, với khoảng 13% trữ lượng dầu và 30% trữ lượng khí đốt chưa khai thác của thế giới. Bên cạnh đó, tốc độ băng tan gần đây cũng mở ra tiềm năng về vận tải đường biển và khai khoáng.

Theo Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc, các quốc gia ven biển có quyền kiểm soát kinh tế trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường bờ biển. Một quốc gia có thể giành được quyền kiểm sát khu vực đáy biển ngoài giới hạn được quốc tế công nhận nếu họ có thể đưa ra bằng chứng chứng minh được rằng khu vực đáy biển đó là phần mở rộng thềm lục địa của họ.

Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc gồm 21 chuyên gia địa chất, địa vật lý, địa lý thủy văn. Dự kiến, trước tiên, Ủy ban này sẽ xem xét tuyên bố chủ quyền của Nga, còn đơn của Đan Mạch sẽ được xem xét trước năm 2027./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục