Đan Mạch đề xuất gói tăng trưởng kinh tế tranh cãi

Chính phủ Đan Mạch đã công bố gói tăng trưởng gây tranh cãi, theo đó giảm thuế cho các doanh nghiệp trong khi tăng chi tiêu công.
Ngày 26/2, Chính phủ Đan Mạch đã công bố một gói tăng trưởng gây tranh cãi, theo đó giảm thuế cho các doanh nghiệp trong khi tăng chi tiêu công để thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm 150.000 việc làm mới.

Trong gói kích thích tăng trưởng này, chính phủ đề nghị cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% hiện nay xuống còn 22%, giảm các thuế đánh vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời chi bổ sung 804 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD) cho đầu tư công để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt khẳng định các chủ trương trong gói tăng trưởng là hoàn toàn đúng đắn. Bà nêu rõ nền kinh tế Đan Mạch đang tiếp tục tạo ra nhiều việc làm mới và mục tiêu của chính phủ là nhanh chóng vực dậy kinh tế.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế nước này, bà Margrethe Vestager cho rằng đây không chỉ đơn thuần là một kế hoạch tăng trưởng trong ngắn hạn, mà còn là định hướng phát triển đất nước tới năm 2020. Theo bà, qua kế hoạch dài hạn này, chính phủ muốn gửi một thông điệp tới giới doanh nghiệp là các công ty, tập đoàn sẽ không phải nộp thêm bất kỳ khoản thuế mới nào.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vestager cũng nhấn mạnh việc giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp sẽ không bao gồm giảm thuế đánh vào chi phí nhân công trong lĩnh vực tài chính cũng như không áp dụng đối với ngành khai thác dầu khí ở Biển Bắc.

Đề xuất này của Chính phủ Đan Mạch đã nhận được những phản ứng tích cực từ các công ty, song vấp phải sự hoài nghi của các nghiệp đoàn. Đã có tới 8 trong tổng số 10 nghiệp đoàn tại Đan Mạch viết thư đề nghị chính phủ xem xét lại kế hoạch này với lập luận rằng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể giảm nguồn thu của chính phủ, tác động tới các chương trình đầu tư công.

Kế hoạch mới được công bố chỉ 1 tuần sau khi liên minh trung hữu cầm quyền nêu đề xuất cải cách hệ thống cấp học bổng cho sinh viên và các chính sách an sinh xã hội, trong đó những người thất nghiệp dưới 30 tuổi bắt buộc phải theo học một ngành nghề thay vì sống dựa vào nhà nước.

Theo quy định, các đề xuất của chính phủ sẽ được bàn thảo tại Quốc hội và chỉ có hiệu lực khi nhận được đa số ý kiến tán thành của các nghị sỹ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục