Dàn nhạc độc đáo

Dàn nhạc giao hưởng độc đáo mang tên Thăng Long

Dàn nhạc Thăng Long độc đáo về thành phần nghệ sĩ Việt-Mỹ và cả về sự pha trộn nhạc khí cồng, chiêng, mõ với bộ gõ phương Tây.
Nhân đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, một dự án giao lưu âm nhạc giữa Việt Nam và Mỹ đã được hình thành mang tên “Dự án Thăng Long” được thực hiện tại Mỹ và Việt Nam trong thời gian 6 tuần từ tháng Ba đến tháng Năm.

Dàn nhạc thực hiện dự án này là dàn nhạc mang tên “Thăng Long” - một dàn nhạc độc đáo mà thành viên của nó được ghép lại từ dàn nhạc thính phòng Tây Nam (Mỹ) và những nghệ sĩ nổi tiếng của dàn nhạc giao hưởng Hà Nội thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Các tác phẩm được trình diễn là của những nhạc sỹ nhiều lứa tuổi của Mỹ và Việt Nam. Phía Mỹ có Aaron Copland, Alexandra du Bois (sinh 1981), các nhạc sĩ Việt Nam có sự góp mặt của Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiên Đạo (cư trú tại Pháp), Vũ Nhật Tân (sinh 1970), Phạm Minh Thành (sinh 1978).

Không chỉ độc đáo ở sự giao hòa trong các dàn nhạc mà còn độc đáo ở trong thành phần nhạc khí của nó còn có đàn bầu và bộ gõ pha trộn những chiêng, chuông, mõ, cồng Việt Nam với bộ gõ giao hưởng phương Tây.

Lạ nhất là cái chuông nước mà để chơi nó, nữ nghệ sĩ Lynn Vartan đã phải dùng một cái xô nhựa màu đỏ đựng nước đặt trên một cái ghế Xuân Hòa. Khi chơi, chị phải nhúng cái chuông (bằng gỗ) vào nước, vừa gõ vừa từ từ kéo lên khỏi mặt nước.

19 nghệ sĩ Mỹ trong đó có các thành viên dàn nhạc Thính Phòng Tây Nam (thành lập 1978, từng đoạt hai giải Grammy) mang tiếng nói của nền âm nhạc “Tân Cổ điển” đã có mặt ở Việt Nam để thực hiện chương trình giao lưu của “Dự án Thăng Long”.

Một chương trình trình diễn hết sức mới mẻ với nhiều tác phẩm lần đầu công diễn đã được diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 19/3  và tại Thành phố Hồ Chí Minh vào đêm Chủ Nhật 21/3 vừa qua.

Chương trình được mở đầu bằng hòa tấu “Thăng Long” của Phạm Minh Thành - lần đầu công diễn. Bằng ý tưởng từ Phật giáo viết cho đàn bầu, hòa tấu cùng những âm thanh của chuông chùa, mõ và các nhạc khí khác như violin, cello và double bass.

Với cấu trúc chậm - nhanh - chậm, “Thăng Long” của Phạm Minh Thành - người học trò của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ở Việt Nam, của giáo sư Konstantin Batashov ở nhạc viện Tchaikovsky (Nga) - tuy không sử dụng kinh Phật vào tác phẩm như “Khai giác” của Nguyễn Thiên Đạo nhưng tiếng đàn bầu với vai trò chủ đạo khi diễn tấu đã tạo âm hưởng gợi một không gian tĩnh lặng và thanh bình của chùa chiền Việt Nam.

Kế tiếp là “Within earth, wind grows” (Cây và gỗ mọc lên từ đất) của nữ nhạc sĩ trẻ Alexandra du Bois (sinh 1981). Cô làm quen với violin từ năm lên hai, sáng tác từ năm 15 tuổi.

“Within earth, wind grows” là tác phẩm cô mới sáng tác dành cho cuộc trình diễn này ở Việt Nam. Tác phẩm cảm xúc từ những vần thơ: “Hạnh phúc trong tôi bừng sáng như mùa xuân ấm áp, với muôn hoa khoe sắc suốt mọi nẻo đường cuộc đời. Nỗi buồn trong tôi thấm đẫm nước mắt, như dòng sông, như đại dương mênh mông...”

Đêm hòa tấu còn lần đầu tiên công bố tác phẩm “Phố” của Vũ Nhật Tân và “Still distant, still here” (Vẫn ở nơi đây) của nhạc sĩ Kurt Rohde (sinh 1966) hiện sống tại San Francisco - người đã đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc ở Mỹ và thế giới.

Cùng trình diễn trong đêm còn có “Appalachian Spring” (Mùa xuân ở vùng Appalache) của bậc thày âm nhạc Mỹ hiện đại Aaron Lopland (1900 – 1990) và “On conversing with paradise” (Trò chuyện với thiên đàng) của Elliott Carter - một nhạc sĩ có lẽ vào loại nhiều tuổi nhất hiện nay với một tiểu sử đầy bi kịch. Ông sinh năm 1908, hiện đang sống ở tuổi 102.

Sau buổi biểu diễn này, các nghệ sỹ hai nước sẽ tiếp tục lưu diễn tại Pasadena, Los Angeles (Mỹ)./.

Nguyễn Thụy Kha (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục