Dân Trung Quốc đòi tẩy chay KFC sau phán quyết Biển Đông

Sau hành động đập nát iPhone, người dân Trung Quốc lại biểu tình tẩy chay KFC tại nhiều nhà hàng rải rác từ tỉnh Hà Bắc tới tỉnh Hồ Nam cách đó khoảng 1.600 km.
Dân Trung Quốc đòi tẩy chay KFC sau phán quyết Biển Đông ảnh 1Người dân Trung Quốc biểu tình tẩy chay KFC. (Nguồn: Shanghaiist)

Một số báo cáo cho biết nhiều người dân Trung Quốc đổ lỗi cho Washington về việc tòa án quốc tế bác bỏ tuyên bố về chủ quyền biển của Bắc Kinh đã kêu gọi tẩy chay hãng Gà rán Kentucky (KFC) trong các cuộc biểu tình bên ngoài chi nhánh của chuỗi nhà hàng này tại ít nhất 12 tỉnh thành trong nước.

​Theo trang Rappler.com, ần đây, chủ nghĩa quốc quyền đã và đang ngày một lên cao tại Trung Quốc từ sau việc hệ thống tên lửa phòng thủ THADD được trang bị tại Hàn Quốc và phán quyết của La Hay về Biển Đông.

Thái độ thù địch đối với Mỹ càng gia tăng hơn khi nhiều công dân Trung Quốc tin rằng chính Mỹ đã đứng sau giật dây cho những sự kiện kể trên.

Vào tuần trước, ảnh chụp những chiếc iPhone bị đập nát đã lan truyền trên mạng Weibo, kèm theo đó là lời cam kết tẩy chay hàng Mỹ của một số cư dân mạng.

Khách hàng trên Taobao cũng bắt đầu tẩy chay xoài Philippines. Và gần đây nhất, những cuộc biểu tình tẩy chay KFC xảy ra tại nhiều nhà hàng rải rác từ tỉnh Hà Bắc tới tỉnh Hồ Nam cách đó khoảng 1.600 km.

Đám đông người biểu tình giơ cao biểu ngữ và hô khẩu hiệu chống Mỹ bên ngoài nhà hàng. "Hãy ra khỏi Trung Quốc đi, hỡi KFC và McDonalds," một biểu ngữ viết.

Những cuộc biểu tình bắt đầu vào cuối tuần trước ở Hà Bắc, trước khi lan rộng tới nhiều thủ phủ khác ở miền nam như Trường Sa hay Hàng Châu.

Phản ứng trước những hành động quốc quyền này, nhiều cơ quan thông tấn nhà nước đã chỉ trích các cuộc biểu tình được coi là "yêu nước" này và cảnh báo người đọc về độ nguy hiểm của chủ nghĩa quốc quyền cực đoan.

"Mọi hành động nhằm thúc đẩy phát triển quốc gia đều có thể được gọi một cách đúng đắn là yêu nước. Song cái được gọi là 'lòng yêu nước' sẵn sàng hy sinh trật tự sẽ chỉ mang lại thiệt hại cho đất nước và xã hội," trích một bài viết trên tờ People's Daily.

Tân Hoa Xã cũng lên án những người biểu tình, và chỉ ra rằng "phá hoại tài sản của đồng bào mình không phải là lòng yêu nước." Ngay cả tờ Global Times, một tờ báo quốc quyền được điều hành bởi People's Daily cũng đã lên tiếng chỉ trích người biểu tình.

Ngay sau phán quyết của tòa án La Haye bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với biển Đông, các nhà quản lý Trung Quốc lại bắt đầu làm việc không ngừng nghỉ để kiểm soát các cuộc trao đổi đối thoại trên mạng. Họ tập trung hầu hết vào việc xóa bỏ những bài đăng có tính quốc quyền cực đoan kêu gọi chiến tranh với Philippines và Mỹ.

Đó là lý do tại sao cảnh sát lại được huy động để giải tán người biểu tình. Vào thứ ba vừa qua, một vụ việc xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình bên ngoài một nhà hàng KFC ở Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc đã trở nên bạo lực.

Vừa hô vang "Yêu nước không phải là phạm pháp," một đám đông những người 'yêu nước' đã xông vào tấn công một nhân viên cảnh sát đang cố gắng tịch thu biểu ngữ của họ.

Một đám đông đã lên tiếng khiêu khích nhân viên cảnh sát khi cho rằng anh này thiếu yêu nước và hét to: "Anh có phải người Trung Quốc không?"

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc hiện đang kêu gọi người dân không tổ chức biểu tình hoặc tẩy chay các nhãn hiệu nước ngoài theo cách thức "cực đoan" hoặc "phạm pháp." Sohu cho biết cảnh sát ở tỉnh Giang Tô miền đông Trung Quốc đã yêu cầu các nhà hàng KFC phải đóng cửa để tránh gây rối loạn trật tự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục