"Siêu trộm" ở rạp phim

Đẳng cấp những “siêu trộm” ở rạp chiếu phim

Trốn thầy cô, cha mẹ để tiêu tốn thời gian, tiền bạc vào rạp phim..., rất nhiều teen đã "ăn cắp" niềm tin và trở thành những "siêu trộm".
Thời nay, bước chân đến rạp chiếu phim không chỉ là nhu cầu thưởng thức những bộ phim hay, không dừng lại ở giải trí đơn thuần mà đó còn là nơi một bộ phận không nhỏ giới trẻ thành phố tới để thể hiện mình, chạy đua theo trào lưu 3D mà điện ảnh thế giới đang… sốt xình xịch để được gọi là “sành điệu cùng hàng hiệu”.

Cái “mác” đó đã biến không ít thanh thiếu niên trở thành những “siêu trộm” khi quyết định đánh đổi cả thời gian, tiền bạc và thậm chí là sự tin tưởng của cha mẹ…

Chân dung những “siêu trộm”


Megarstar ngự trên tầng 6 của trung tâm mua sắm lớn và hiện đại Vincom Tower nên đương nhiên các cậu ấm cô chiêu không thể “úi xùi” khi bước chân tới đó. Những bộ cánh phải mode nhất, hay ít ra cũng bắt mắt kiểu “tính của con cá” (tức cá tính) để nổi bật giữa đám đông. Đó là làn sóng tâm lý có thực đã và đang tồn tại trong giới trẻ bây giờ.

“Đã đến đây chưa cần biết sẽ xem phim gì nhưng trước hết cứ phải ‘thật diện’ và đi thật là ‘diễn’ cái đã. Nhìn cái gì cũng lung linh thì mình cũng phải tỏ ra sành điệu tí cho đỡ quê”, như lời của một “teen girl” trường Chu Văn An chia sẻ.

Em này cũng cho biết, hầu hết em và những người bạn của mình cứ “rình” có phim mới là lại kéo nhau lên Vincom xem, vui như hội. Thời gian đợi phim mới cũng là để “tích lũy vốn”. Tiền phục vụ cho nhu cầu này được các em "bật mí" xin của cha mẹ, anh chị hay ki cóp từ khoản tiền ăn sáng, tiêu vặt.

Thậm chí, có cô cậu cũng không ngần ngại khi cho biết, bí quá, mà muốn lấy "le" với chúng bạn thì cũng phải "xoáy" tiền của bố mẹ bằng cách liệt kê ra các khoản phải đóng góp thêm ở trường hay mua sách, vở phục vụ học tập, bớt xén tiền học thêm...

Đó là chưa kể, vào dịp cuối tuần rạp chiếu phim nhộn nhịp đã đành nhưng ngày thường vẫn có rất đông cô cậu học trò dáng vẻ sành điệu lượn lờ qua đây, khi trên mình vẫn còn đóng hộp những bộ đồng phục. Nhiều gương mặt phô bày vẻ đẹp mới chớm của tuổi dậy thì nhưng lại được điểm phấn tô son một cách quá kỹ lưỡng.

Không thiếu trường hợp các em rủ nhau trốn học đi xem phim trong khi các bậc phụ huynh vẫn cứ yên tâm, tin tưởng con cái mình đang chăm chỉ học hành. Khoảng thời gian lẽ ra để đi học thêm, làm bài tập… lại được các em tiêu tốn một cách không hợp lý như thế. Vô hình chung, những cô cậu này trở thành những tên trộm lão luyện khi đã trộm không chỉ thời gian mà còn “ăn cắp” cả niềm tin của cha mẹ.

Như em Đức học lớp 11 trường Nguyễn Tất Thành, Hà Nội nói: “Chả lẽ lại cứ để chúng nó mời mãi, nên cũng nhiều lần em phải nói dối lấy tiền học thêm, hay xin một tờ nhưng lại rút ví mẹ thành hai tờ để có tiền...”.

Thực trạng này cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của nhà trường cũng như nhiều phụ huynh. Một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay đang có xu hướng thích thụ hưởng sớm hơn là việc trau dồi tri thức. Điều đó cũng phần nào lý giải vì sao chất lượng giáo dục phổ thông đang ngày càng đi xuống mà cả xã hội lo ngại.

Nơi thể hiện “đẳng cấp”


Đẳng cấp ở đây được hiểu là sự chịu chơi, cập nhật phim mới liên tục, không bỏ sót siêu phẩm hollywood mới nào chứ không chỉ là việc phô diễn hình thức. Vì thế, đã xem phim là phải đến rạp xịn, xem những bộ phim bom tấn, nhất là phim 3D gần đây được bàn luận rất sôi nổi trên mạng xã hội facebook hay trên những diễn đàn điện ảnh. Và vì thế, giá vé cũng không ngừng được các rạp nâng lên cho hợp thời!

Ở những rạp được cho là bình dân như Tháng Tám, giá vé thấp nhất là 15.000đ/vé buổi 12 giờ, 17 giờ và từ 25.000-30.000đ/vé buổi 20 giờ tùy vị trí. Bảng giá của Trung tâm chiếu phim Quốc gia có vé ban ngày đồng hạng 30.000đ/vé, buổi tối từ 17 giờ đồng hạng 40.000đ/vé và đắt nhất vào buổi tối khu vip có giá 50.000 đồng/vé.

Trong khi đó, tại rạp Megarstar, một suất chiếu ngày thường ngất ngưởng 80.000-100.000đ/vé và cuối tuần từ 80.000-150.000đ/vé. Đặc biệt, từ ngày 12/3/2010 giá phim 3D tăng, thấp nhất 80.000đ/vé và cao nhất lên tới 200.000đ/vé.

Chưa kể, các rạp còn có "chiêu" vé "vip" để tự ý nâng giá lên một cách vô lý, trong khi ghế "vip" thực chất ở đây chỉ là hàng ghế trên cùng sát tường...

Nhưng điều đáng nói ở đây là  dù chênh lệch về giá vé có lên tới 15 lần thì các “tiểu gia” cũng chẳng mấy mặn mà với rạp chiếu có giá vé phổ thông không quá 50.000 đồng. Đơn giản vì nó dễ làm “thui chột” đi cái mác chịu chơi và đương nhiên cũng không thể “lấy le” với… chúng bạn ở một nơi như thế. Đắt ắt sành điệu!

Thế nên chẳng cần đắn đo, nhiều teen sẵn sàng chi một số tiền không nhỏ để lên Megarstar và coi đó chỉ là chuyện… vặt. Nhẩm sơ chi phí mỗi cuộc “vì điện ảnh” như vậy cho hai người sẽ ngốn khoảng ba đến bốn trăm ngàn.

Trong khi đó, một nhà rạp thì biện minh, việc có giá vé cao hơn hẳn những rạp chiếu khác một phần do đã mạnh tay đầu tư phòng chiếu 3D giá hàng trăm ngàn đô-la. Nên, dù “ông lớn” có “hét” bao nhiêu thì những người xem vẫn cứ cắn răng “ngậm bồ hòn làm ngọt” nếu muốn thưởng thức phim ở đây.

Và thế là, trong khi nhiều "thượng đế" phải cắn răng chịu mức giá vé cao hoặc từ bỏ ý định thưởng thức công nghệ điện ảnh mới, thì một bộ phận không nhỏ những thanh thiếu niên "chịu chơi" vẫn ngày ngày sánh bước đến rạp đều như đi học!

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục