Theo trang mạng jbpress.ismedia.jp, đầu tháng 10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã dừng việc bổ nhiệm 6 thành viên do chính Hội đồng Học thuật Nhật Bản đề xuất.
Đây là lần đầu tiên các ứng cử viên của hội đồng này không được thủ tướng bổ nhiệm kể từ khi thiết lập cơ chế này vào năm 2004.
Nhân cơ hội này, một số thế lực đối lập đã lên tiếng phản đối, cho rằng điều này “vi phạm tự do học thuật."
Hội đồng Học thuật Nhật Bản là tổ chức được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Nội các với kinh phí hoạt động hàng năm khoảng 1 tỷ yen.
Các thành viên được trả lương như công chức nhà nước và làm việc bán thời gian theo nhiệm kỳ 6 năm. Điều 7 và Điều 17 của Luật Hội đồng Học thuật Nhật Bản quy định các thành viên của hội đồng sẽ được thủ tướng bổ nhiệm trên cơ sở tổ chức này lựa chọn các ứng cử viên trong số các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc. Như vậy, có ý kiến cho rằng thủ tướng không có 100% quyền lựa chọn, bổ nhiệm các thành viên của hội đồng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản bác lại rằng đây là động thái cứng rắn chưa từng có của Chính phủ Nhật Bản nhằm vào phái bảo thủ vốn đang cố gắng níu giữ lợi ích trong quá khứ khi được bổ nhiệm toàn bộ các ứng cử viên do mình đề xuất.
Tiền sử từ chối hợp tác với Bộ Quốc phòng, ủng hộ Trung Quốc
Năm 1950, Hội đồng Học thuật Nhật Bản đã đưa ra tôn chỉ “tuyệt đối không thực hiện các nghiên cứu khoa học phục vụ mục đích chiến tranh."
Đến năm 1967, hội đồng này tiếp tục phát ngôn hàm ý “không thực hiện các nghiên cứu khoa học phục vụ quân sự."
Đến ngày 24/3/2017, hội đồng còn công khai phát biểu rằng các nghiên cứu về an ninh liên quan đến quân sự là việc làm của các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, tức là các nghiên cứu về an ninh quốc gia bằng phương thức quân sự luôn mâu thuẫn với tự do học thuật và nghiên cứu học thuật lành mạnh.
Hội đồng này cũng đã phê phán “cơ chế xúc tiến nghiên cứu khoa học kỹ thuật phục vụ an ninh” của Cục Trang bị Phòng vệ, khẳng định lập trường không hợp tác với Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Tuy nhiên, tại trụ sở của Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc (Bắc Kinh) ngày 7/9/2015, Chủ tịch Hội đồng Học thuật Nhật Bản Takashi Onishi và Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc khi đó là Hàn Khởi Đức đã ký kết một biên bản hợp tác, thể hiện rõ chủ trương thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc.
[Nhật Bản thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở]
Theo các báo cáo khác nhau, các trường/viện của Nhật Bản như Đại học Tokyo, Viện Công nghệ Tokyo, Đại học Keio... đã nhận được các khoản tài trợ như chi phí nghiên cứu hoặc trợ cấp từ Huawei - tập đoàn nổi tiếng về thiết bị công nghệ của Trung Quốc, trong khi Huawei là một công ty có quan hệ mật thiết với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), và không loại trừ khả năng công nghệ nghiên cứu tại các trường đại học Nhật Bản cũng đang được sử dụng trong quá trình phát triển vũ khí của PLA.
Thực tế này cho thấy Hội đồng Học thuật Nhật Bản và các trường đại học của Nhật Bản không hợp tác với Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nhưng lại sẵn sàng hợp tác với Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc có quan hệ mật thiết với PLA. Đó là một vấn đề lớn của hội đồng này.
Ông Akira Amari, nghị sỹ và cũng là một nhà bình luận của Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đã viết trong “Báo cáo Quốc hội số 410” của mình rằng Hội đồng Học thuật Nhật Bản cấm tham gia hoạt động nghiên cứu sử dụng ngân sách của Bộ Quốc phòng, nhưng đang tích cực hợp tác với “Kế hoạch nghìn nhân tài” của Trung Quốc, trong đó có nhắm đến nghiên cứu viên người nước ngoài.
Nghiên cứu viên người nước ngoài sẽ được trả lương cao (theo báo cáo, thu nhập hàng năm gồm cả sinh hoạt phí là 80 triệu yen), tất cả các kết quả nghiên cứu bao gồm cả kiến thức, kinh nghiệm của nghiên cứu viên đều bị khai thác và còn kèm theo các điều kiện phải giữ bí mật khi tham gia “Kế hoạch nghìn nhân tài."
Trung Quốc đã củng cố mối “quan hệ quân-dân hợp tác” trở thành mối “quan hệ quân-dân kết hợp” trong nghiên cứu, có nghĩa là nghiên cứu của học giả tư nhân được tích hợp với nghiên cứu quân sự của PLA.
Học giả nổi tiếng Alex Joske thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) nổi tiếng đã ví vón điều này bằng hình ảnh Trung Quốc đi “gom hoa” ở nước ngoài về “làm mật” ở trong nước.
Học giả thuộc PLA hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học tại các nước thuộc Nhóm Five Eyes hoặc Đức, Singapore, Nhật Bản, sau đó mang công nghệ và kiến thức về nước, phục vụ cho phát triển quân sự của PLA.
Cơ hội không thể tốt hơn để cải tổ triệt để
Ông Takaaki Matsumiya, giáo sư tại Đại học Ritsumeikan, người đã bị từ chối bổ nhiệm lần này, đã nói trong chương trình “News 1930” của BS-TBS rằng Nội các có nguy cơ sẽ sụp đổ nếu động chạm đến Hội đồng Học thuật Nhật Bản.
Tuy nhiên, giáo sư Shimia thuộc Đại học Fukui lại phê phán giọng điệu ngạo mạn của ông Matsumiya khi đưa ra những chỉ trích nghiêm khắc trên tài khoản Twitter của mình rằng Hội đồng Học thuật Nhật Bản là nơi tập trung đông đảo của phe cánh tả, trong khi chính phủ hàng năm chi đến hơn 1 tỷ yen cho hoạt động của cơ quan này. Do đó, đã đến lúc phải thực hiện cải cách triệt để. Sự rêu rao về “vi phạm tự do học thuật” đang làm sai lệch nhận thức về chức danh học giả nghiên cứu.
Việc dừng không bổ nhiệm 6 ứng cử viên của Hội đồng Học thuật Nhật Bản sẽ là tiền đề để xúc tiến việc cải cách tận gốc tổ chức này./.