Đằng sau vụ sa thải giáo viên: Lỗ hổng cơ chế liên ngành

Với thầy Ngô Bá Đạt (giáo viên trường Trung học cơ sở Đông Phong, Yên Phong, Bắc Ninh), người đã gặp tai nạn khi đang trên đường tìm lại công lý cho mình, cuộc sống chưa bao giờ cùng cực như bây giờ..

Ngồi thẫn thờ bên ô cửa nhỏ, cô T.H (giáo viên trường Trung học cơ sở Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) buồn rầu nói: “Chúng tôi cảm thấy rất tủi thân. Mình làm việc, cống hiến bao nhiêu năm cho giáo dục nhưng đến khi xảy ra sự cố thì không đơn vị nào, từ cấp nhỏ đến cấp lớn, có tiếng nói bênh vực quyền lợi. Đến giờ, chúng tôi vẫn không biết tương lai của mình sẽ thế nào.”

Còn với thầy Ngô Bá Đạt (giáo viên trường Trung học cơ sở Đông Phong, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), người đã gặp tai nạn khi đang trên đường tìm lại công lý cho mình, cuộc sống chưa bao giờ cùng cực như bây giờ. Phải nằm điều trị cố định trên giường, gương mặt xanh xao, gày gò, đôi mắt hõm sâu, thâm quầng vì những đau đớn cả thể xác và tinh thần, những đêm dài mất ngủ, thầy Đạt cay đắng nói: “Chục năm gắn bó với nghề, rồi tự nhiên cả hai vợ chồng đều bị đẩy ra đường. Tôi choáng váng, hoang mang, thất vọng và cả buồn chán.”

Tiếng nói héo hắt của thầy Đạt cũng trùng với tiếng lòng của 261 giáo viên vừa bị Phòng Nội vụ huyện Yên Phong cho thôi việc trong thời gian vừa qua. Hầu hết các giáo viên này đều không dám mơ tới “các chính sách ưu đãi về vật chất và tinh thần, tạo động lực cho các nhà giáo” như Chiến lược Phát triển giáo dục 2011-2020 đã đề ra.

Ước mơ của các thầy cô giáo chỉ giản dị thôi, là có một chỗ đứng chắc  chắn trên bục giảng để được hàng ngày truyền đạt kiến thức của mình cho những lớp trò nhỏ. Nhưng ước mơ nhỏ nhoi đó khó trở thành hiện thực khi nó đã trôi tuột vào một "lỗ hổng cơ chế".

Con chung nên chẳng ai lo?

Hơn 10 năm qua, khi các giáo viên ở các huyện khác đã được tuyển dụng, lên lương thì 261 giáo viên ở huyện Yên Phong hàng ngày vẫn lên lớp với “mác” giáo viên hợp đồng và nỗi lo thường trực không biết khi nào thì bị ra đường, trong số đấy có nhiều giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Lý giải về việc ùn ứ tuyển viên chức đến 10 năm ở huyện này, ông Nguyễn Công Trình, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Hàng năm các huyện khác đều tuyển được. Riêng huyện Yên Phong, từ năm 2008 đã được giao chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không thống nhất được phương án tuyển nên để lại.”

Việc 10 năm “không thống nhất được phương án” của Phòng Nội vụ Yên Phong đã khiến hàng trăm giáo viên phải chịu đủ mọi thiệt thòi trong nhiều năm liền: Không được tăng lương, không được bổ nhiệm, không yên tâm công tác, bị ký hợp đồng lao động sai luật.

Năm 2013, sóng gió đẩy lên cực điểm khi Phòng Nội vụ huyện Yên Phong xét tuyển viên chức giáo viên mà không đếm xỉa đến những năm tháng họ đã cống hiến, đã chịu thiệt thòi.

Đằng sau vụ sa thải giáo viên: Lỗ hổng cơ chế liên ngành ảnh 1Thầy Ngô Bá Đạt nằm điều trị tại Bệnh viện Việt-Đức, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Trần Công Phong, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ở đây, yếu tố đặc thù ngành nghề đã không được tính đến.

Ông Phong cũng cho biết, Nghị định 115/2010/NĐ-CP từ năm 2010 và Thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục Đào tạo số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV quy định ngành giáo dục phải có quyền chủ động hoặc được tham mưu trực tiếp, được quyền quyết định trong vấn đề nhân sự của ngành, nhưng các địa phương lại không thực thi.

“Vì thế, trong việc tuyển dụng, ngành giáo dục không được tham gia thì nói gì đến bảo vệ quyền lợi,” ông Phong nói.

Trong khi đó, khi thông tin 261 giáo viên ở Yên Phong, Bắc Ninh bị buộc thôi việc gây sốc trong dư luận, phóng viên Vietnam+ đã tìm nhiều cách để liên hệ với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Phong cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, lãnh đạo cả hai cơ quan trên đều từ chối trao đổi qua điện thoại cũng như gặp trực tiếp do “bận họp”, “đi công tác” hoặc không nghe máy.

Còn lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam thì từ chối đưa ra các ý kiến liên quan trực tiếp đến vụ việc do “đã phân cấp” và theo sự phân cấp đó thì “công đoàn giáo dục cơ sở, công đoàn liên ngành cơ sở phải có ý kiến trước”. Vị này cũng ví von việc hỏi Công đoàn Giáo dục Việt Nam về quyền lợi của các giáo viên ở Yên Phong, Bắc Ninh “chẳng khác gì việc chuyện xảy ra ở gia đình này nhưng lại đi hỏi ông bố của một gia đình khác.”

Một giáo viên buồn bã nói: “Tôi không biết ngành giáo dục đấu tranh cho giáo viên được quyền lợi gì, bậc lương cao thế nào, những cái đó thật xa xôi và xa xỉ. Tôi chỉ biết thực tế là mình đã làm việc 11 năm, trong đó đến 8 năm không được tăng lương, và bây giờ đứng trước nguy cơ mất việc, không biết lấy gì để sống, để nuôi con.”

Quan tâm trên... giấy

Sự kiện Bắc Ninh diễn ra trong bối cảnh nâng cao chất lượng ngành giáo dục đang được cả xã hội và Chính phủ quan tâm.  Hàng loạt các văn bản được ban hành từ cấp Chính phủ đến Bộ Giáo dục và Đào tạo đều coi giáo viên là vai trò then chốt trong nâng cao chất lượng giáo dục, đều hô hào việc thực hiện các chính sách ưu đãi cho nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định người giáo viên chính là "cỗ máy cái" để tạo ra các sản phẩm giáo dục, người thầy là trung tâm của quá trình giáo dục.

Đằng sau vụ sa thải giáo viên: Lỗ hổng cơ chế liên ngành ảnh 2Bị mất việc, cô giáo P. (trường Trung học cơ sở Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) phải phụ mẹ bán chè. (Ảnh: PV/Vietnam+)
 

Chiến lược Phát triển giáo dục 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/6/2012 nêu rõ một trong những giải pháp để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là “thực hiện các chính sách ưu đãi về vật chất và tinh thần, tạo động lực cho các nhà giáo.”

Còn Nghị quyết về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục do Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành tháng 11/2013 tiếp tục khẳng định việc phải “có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.”

Thế nhưng sự kiện 261 thầy cô giáo bị ra đường cho thấy chế độ chính sách ưu đãi cho giáo viên vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Là một người tâm huyết với ngành giáo dục, phó giáo sư Văn Như Cương cho rằng, bên cạnh việc đòi hỏi các quyền lợi khác như tính phụ cấp thâm niên, tăng lương, chế độ đãi ngộ đặc thù... thì trước tiên, ngành giáo dục cần đấu tranh cho các quyền lợi cơ bản nhất của người giáo viên, đó là quyền được đứng lớp, được làm việc theo đúng quy định của pháp luật.


“Suốt 10 năm Yên Phong không tuyển viên chức giáo viên, có nhiều người phải ký hợp đồng năm một nhiều năm liền, điều này Phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Phong, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh chắc chắn phải nắm được. Tôi không biết ngành giáo dục có ý kiến hay không nhưng chắc chắn sự đấu tranh đó không đủ mạnh mẽ thì Phòng Nội vụ mới để lâu như vậy,” phó giáo sư Cương bày tỏ.

Rõ ràng là đang có một lỗ hổng lớn trong cơ chế tuyển dụng giáo viên. Là nơi quản lý và sử dụng lao động trực tiếp, nhưng ngành giáo dục lại không được tham gia tuyển dụng, trong khi ngành nội vụ không sử dụng lao động lại là nơi thực hiện tuyển dụng. Mắt xích này nhiều khi lỏng lẻo vì sự vô tình của hai cơ quan nói trên khiến hàng trăm người lao động, mà ở đây trực tiếp là các giáo viên Yên Phong, chịu quá nhiều thiệt thòi trong một thời gian dài.


Và điều đáng buồn hơn là theo ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, những bất cập trong việc quản lý, tuyển dụng viên chức không chỉ diễn ra ở riêng Bắc Ninh, Yên Phong chỉ là một điển hình.

Sự kiện ở Bắc Ninh cho thấy, những lỗ hổng cơ chế và sự thờ ơ vô tình của các ngành chức năng địa phương không chỉ gây thiệt thòi cho những người thầy có thâm niên dạy giỏi trong nghề khiến họ phải rời bục giảng để bán buôn chạy chợ kiếm đồng rau cháo qua ngày, mà còn khiến các em học sinh không được nhận những kiến thức từ thầy cô giỏi có kinh nghiệm và hơn hết là niềm tin của các thầy cô giáo và xã hội vào ngành giáo dục bị lung lay, trong khi Chính phủ đang nỗ lực nâng cao chất lượng ngành.

Để không còn tái diễn tình trạng này, theo ông Trần Công Phong, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các đơn vị sử dụng lao động trực tiếp phải được tham mưu với bên nội vụ, thậm chí có quyền quyết định đối với việc tuyển dụng lao động của ngành mình.

Cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, ông Phong kiến nghị Chính phủ đề nghị các ban ngành phải thực hiện Nghị định 115. Theo đó, ngành giáo dục phải có quyền chủ động hoặc được tham mưu trực tiếp, hoặc được quyền quyết định trong vấn đề nhân sự của ngành.

“Chính việc những nghị định và thông tư quan trọng đã được ban hành nhưng lại không được thực thi mới để xảy ra tình trạng như ở Yên Phong, Bắc Ninh,” ông Phong nói./.


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục