Vụ việc hàng trăm giáo viên mất việc: Vi phạm luật lao động

Nếu tách bạch sự việc cho hàng trăm giáo viên hợp đồng tại huyên Yên Phong nghỉ việc theo bộ Luật Lao động thì việc chấm dứt hợp đồng này chưa đúng pháp luật.
Vụ việc hàng trăm giáo viên mất việc: Vi phạm luật lao động ảnh 1Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hữu Chí cho rằng cần xem xét cụ thể từng trường hợp giáo viên dưới góc độ quy định của Luật Lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hàng trăm giáo viên huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh bức xúc vì bị chấm dứt hợp đồng sau kỳ tuyển dụng viên chức ở mà không hề có sự thỏa thuận nào với người lao động. 

Phóng viên của Vietnam+ đã có buổi trao đổi với Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hữu Chí, Phó chủ nhiện khoa Pháp luật Kinh tế (Đại học Luật Hà Nội) để làm rõ hơn những pháp luật lao động đối với trường hợp này. 

- Thưa ông, hàng trăm giáo viên ở Bắc Ninh dù đã có thâm niên cả chục năm công tác theo diện hợp đồng nhưng đã bị buộc thôi việc do trượt trong kỳ xét tuyển viên chức do Phòng Nội vụ huyện Yên Phong tổ chức. Cá nhân các giáo viên rất bức xúc. Dưới góc độ của pháp luật, ông có quan điểm thế nào về vụ việc này? 

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hữu Chí: Đây là một sự việc đang gây ra nhiều dư luận khác nhau. 

Dưới góc độ pháp lý, tôi cho rằng vấn đề này cần tách bạch 2 nội dung, liên quan đến Luật Viên chức và Luật Lao động. 

Về Luật viên chức, giáo viên chịu sự điều chỉnh của Luật viên chức nên phải khẳng định,  Ủy ban nhân dân huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tổ chức thi tuyển viên chức, đối tương dự tuyển, quy trình tuyển dụng là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện Yên Phong đã sử dụng đối tượng lao động viên chức nhưng làm hợp đồng lao động trong thời gian dài cả chục năm như vậy là có vấn đề về quy định tuyển dụng viên chức.

Dưới góc độ quy định của Luật Lao động, những giáo viên này đang có hợp đồng lao động. Theo quy định tại điều 22 bộ Luật Lao động  năm 2012 và tương tự những quy định về lao động trước đây, những người lao động có hợp đồng xác định thời hạn thì thời hạn hợp đồng cao nhất là 3 năm. Nếu họ làm hợp đồng dưới ba năm thì khi gia hạn hợp đồng chỉ được gia hạn một lần, sau đó nếu tiếp tục ký hợp đồng thì phải là hợp đồng không xác định thời hạn. 

Trong số các giáo viên ở huyện Yên Phong, những giáo viên nào đã làm hợp đồng xác định thời hạn từ lần thứ ba trở lên và những người đã có thời gian làm việc trên ba năm phải xếp họ vào đối tượng lao động có hợp đồng không xác định thời hạn. 

Theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2012, việc chấm dứt hợp đồng lao động xảy ra trong một số trường hợp cụ thể được quy định tại điều 36. Đối với huyện Yên Phong, hợp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng chỉ có thể rơi vào các trường hợp: Hết hạn đồng hoặc người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với người lao động có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật lao động. 

Nhưng ở đây không xảy ra hai trường hợp trên mà Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các trường chấm dứt hợp đồng lao động với lý do đã có kết quả tuyển dụng. Theo pháp luật hiện nay thì không có trường hợp nào quy định như vậy. Vì thế, có thể hiểu rằng nếu tách bạch sự việc này theo bộ Luật Lao động thì việc chấm dứt hợp đồng này chưa đúng pháp luật.

- Từ năm 2008, Yên Phong có công văn số 59 phân cấp cho hiệu trưởng các trường được ký hợp đồng trực tiếp với giáo viên. Vì thế, ở Yên Phong hiện có hai trường hợp là có những giáo viên ký hợp đồng lao động với trường, có người ký với Ủy ban nhân dân huyện. Hợp đồng với Ủy ban nhân dân huyện là hợp đồng dài hạn, còn các trường thường ký hợp đồng ngắn hạn năm một, có trường hợp ký liên tục trong 7, 8 năm. 

Hiện các giáo viên ký hợp đồng dài hạn nếu có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng sẽ không bị chấm dứt hợp đồng ngay nhưng những giáo viên ký hợp đồng mỗi năm một lần với trường sẽ bị buộc thôi việc dù mang thai hay có con nhỏ. Theo ông điều này có đúng luật?

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hữu Chí:  Đối với vấn đề xem xét tiếp tục sử dụng lao động theo đơn vị ký kết hợp đồng chúng ta cần làm rõ vấn đề thẩm quyền ký hợp đồng lao động. 

Các trường trực thuộc huyện thì huyện sẽ có thẩm quyền ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, với các hợp đồng trường do hiệu trưởng ký nếu đã được ủy quyền thì có hiệu lực pháp lý như nhau. 

Nếu xảy ra trường hợp hiệu trưởng không được ủy quyền ký hợp đồng lao động, Nghị định 44/2013/NĐ-CP đã hướng dẫn cách xử lý. Nếu người ký kết không có thẩm quyền, hợp đồng lao động là vô hiệu, nhưng thẩm quyền xử lý trường hợp này không thuộc Ủy ban nhân dân huyện Yên Phong mà sẽ do Tòa án nhân dân hoặc thanh tra lao động. Trong trường hợp đó, không được chấm dứt hợp đồng ngay với người lao động mà cơ quan có thẩm quyền sẽ hướng dẫn ký lại cho đúng với quy định của pháp luật và sau đó tiếp tục quan hệ lao động.

Như vậy,  nếu xử lý phân biệt hợp đồng do các trường trực tiếp ký để chấm dứt hợp đồng lao động ngay với giáo viên là không đúng pháp luật.

- Thưa ông, phải chăng tình huống “khó xử” khi chấm dứt hợp đồng lao động tại huyện Yên Phong chính là hệ quả của việc sử dụng hợp đồng lao động cho các vị trí cán bộ viên chức trong thời gian quá dài?

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hữu Chí: Huyện Yên Phong đã làm sai cả một quá trình. Đối với giáo viên không được ký hợp đồng lâu dài, chỉ được phép ký hợp đồng ngắn hạn sau đó phải tổ chức thi tuyển viên chức khi có nhu cầu tuyển dụng.

Quan hệ lao động với đối tượng viên chức không sử dụng hình thức hợp đồng lao động, hợp đồng lao động chỉ sử dụng cho lao động làm việc ở khu vực doanh nghiệp, đã xếp  vào ngạch viên chức thì phải ký hơp đồng làm việc theo Luật Viên chức. Hợp đồng lao động chỉ được sử dụng đối với viên chức trong thời gian thử việc hoặc hợp đồng thời vụ chứ không sử dụng hợp đồng lao động trong thời gian dài.

-Theo ông, cơ quan chức năng huyện Yên Phong nên có hướng xử lý thế nào về mặt pháp lý đối với vấn đề này?

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hữu Chí: Theo tôi,cơ quan chức năng tại địa phương cần phải xét theo hai khía cạnh. Về Luật Viên chức, quy trình thu tục tuyển dụng là đúng. 

Đối với lao động làm hợp đồng một năm, hai năm thì hết thời gian Ủy Ban nhân dân huyện Yên Phong có thể chấm dứt hợp đồng lao động. 

Tuy nhiên, theo Bộ Luật Lao động, những người đã làm hợp đồng lao động trên 3 năm hoặc gia hạn hợp đồng lao động nhiều lần thì họ thuộc đối tượng lao động không xác định thời hạn. Việc Ủy ban nhân dân huyện Yên Phong đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do họ không trúng tuyển kỳ xét tuyển viên chức là sai luật. 

Theo tôi, cần xem xét từng trường hợp, đối tượng và loại hợp đồng họ tham gia, tình tiết cụ thể của sự việc chứ không thể tập trung một giải pháp cho hàng trăm giáo viên.

Đặc biệt, có 92  trường hợp giáo viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ thì sẽ không đươc phép chấm dứt hợp đồng lao động để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ khi họ thực hiện thiên chức làm mẹ và nuôi con theo điều 38 của bộ Luật Lao động.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục