Bộ Nội vụ và tỉnh Bắc Ninh họp bàn vụ sa thải giáo viên

Đoàn công tác Bộ Nội vụ và Bắc Ninh thống nhất quan điểm xem xét, tiếp tục hợp đồng đối với 261 giáo viên đến khi kết thúc năm học.
Bộ Nội vụ và tỉnh Bắc Ninh họp bàn vụ sa thải giáo viên ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Thái Hùng/Vietnam+)

Ngày 9/5, Đoàn công tác Bộ Nội vụ đã làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc huyện Yên Phong sắp chấm dứt hợp đồng lao động với 261 giáo viên do không trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức tổ chức năm 2013.

Đoàn công tác Bộ Nội vụ, do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn đầu, và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến thống nhất quan điểm xem xét, tiếp tục hợp đồng lao động đối với 261 giáo viên không trúng đợt xét tuyển viên chức vừa qua đến khi kết thúc năm học.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị huyện Yên Phong rút kinh nghiệm khi nhiều năm không tuyển công chức, viên chức. Bộ Nội vụ cũng nhận thiếu sót trong việc chậm trễ trả lời khi Sở Nội vụ Bắc Ninh có văn bản đề nghị xem xét, hướng dẫn.

Thứ trưởng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh sớm có báo cáo gửi Bộ về việc xét tuyển viên chức tại Yên Phong và Sở Nội vụ phối hợp với Yên Phong tham mưu, đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh giải quyết dứt điểm số giáo viên hợp đồng lao động không trúng tuyển trên cơ sở đúng quy định hiện hành.

Bộ Nội vụ sẽ họp báo với cơ quan báo chí về xử lý việc xét tuyển viên chức tại Yên Phong.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất với đề xuất của huyện Yên Phong và giao Ủy ban Nhân dân huyện rà soát, phân loại đối tượng hợp đồng lao động để đề xuất xem xét xử lý phù hợp nhưng phải đảm bảo theo đúng quy định.

[Vụ hàng trăm giáo viên "mất việc": Lỗi thi tuyển, sát hạch?]

Rà soát chỉ tiêu biên chế, vị trí việc làm còn thiếu để báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ Nội vụ cho phép tiếp tục hợp đồng lao động trong phạm vi chỉ tiêu biên chế được giao theo thứ tự ưu tiên (hiện huyện Yên Phong còn 164 chỉ tiêu do mới được bổ sung và giáo viên mới nghỉ hưu).

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu hàng năm, các địa phương trong tỉnh phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức không để số lượng lớn hợp đồng lao động tồn đọng như huyện Yên Phong. Bộ Nội vụ xem xét, có hướng dẫn bằng văn bản về việc xét tuyển đặc cách cho các tỉnh, thành phố thực hiện. Yêu cầu huyện Yên Phong tiếp tục kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân ký hợp đồng lao động không đúng quy định, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh sau 15 ngày.

Báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh cho thấy thực hiện chỉ đạo của Thường trực tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh ngày 6/9/2013, huyện Yên Phong đã ban hành kế hoạch về việc xét tuyển viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm 2013, đề nghị Sở Nội vụ phê duyệt.

Các nội dung kế hoạch xét tuyển như: chỉ tiêu tuyển dụng, đối tượng, điều kiện đăng ký dự tuyển, ưu tiên tuyển dụng; nội dung xét tuyển, cách tính điểm và xác định người trúng tuyển…đều đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 15/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ.

Trước khi xây dựng kế hoạch xét tuyển, Ủy ban Nhân dân huyện Yên Phong đã có thông báo chủ trương sau khi xét tuyển, những người trong hợp đồng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nếu không trúng tuyển sẽ phải chấm dứt hợp đồng.

Sau khi được Sở Nội vụ phê duyệt, Ủy ban Nhân dân huyện Yên Phong đã triển khai thực hiện các bước trong quy trình xét tuyển theo đúng quy định. Đến nay Sở Nội vụ chưa phát hiện có sai phạm.

Ngày 27/1/2014, Sở Nội vụ có Quyết định số 59/QĐ-Ủy ban Nhân dân phê duyệt kết quả xét tuyển viên chức năm 2013 của Yên Phong. Tổng số chỉ tiêu tuyển dụng theo kế hoạch là 612 người, số thí sinh đăng ký dự xét tuyển là 2.370 người, trong đó có 452 người đang có hợp đồng lao động.

Số người trúng tuyển đặc cách (tuyển thẳng) có bằng thạc sỹ, sinh viên tốt nghiệp chính quy loại giỏi theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh là 85 người, tuyển thẳng con thương binh, liệt sỹ, bệnh binh là 3 người. Trúng tuyển qua phỏng vấn là 503 người, số lao động hợp đồng không trúng tuyển là 261 người.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ Bắc Ninh, năm 2007, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh tổ chức xét tuyển nhưng huyện Yên Phong không đăng ký nhu cầu tuyển dụng. Từ năm 2008-2012, thẩm quyền xét tuyển giáo viên được phân cấp cho các trường theo đúng quy định nên Yên Phong chưa xét tuyển lần nào dẫn đến số giáo viên hợp đồng có 500 người là có thật. Vấn đề này, huyện Yên Phong đã có kiểm điểm trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Đối với việc không tuyển đặc cách giáo viên những người có thời hạn hợp đồng lao động tại điểm a, Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP và Thông tư số 15 của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ đã có công văn 279/SNV-CBCC ngày 26/4/2013 đề nghị Bộ Nội vụ cho ý kiến bằng văn bản nhưng chưa có hồi âm.

Tại buổi làm việc Sở Nội vụ ngày 8/5, Đoàn công tác Bộ Nội vụ cho biết quy định tuyển đặc cách trong Nghị định 29 và Thông tư 15 là nhằm thu hút nhân tài và các ngành đặc thù, không áp dụng tuyển đặc cách cho đại trà.

Theo Nghị định 29 và Thông tư 15, trong tuyển dụng viên chức không có cộng điểm ưu tiên cho những người có thời gian hợp đồng lao động, nên huyện Yên Phong không thể áp dụng đối với những người thuộc diện này.

Lý giải về việc chọn thi phỏng vấn chứ không thi thực hành, lãnh đạo địa phương cho biết do số lượng thí sinh dự thi quá đông (2.370 người) nên nếu thi thực hành giảng dạy 1 tiết trên lớp sẽ mất nhiều thời gian, khó bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất, lớp học… để dạy thực hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục