Đánh giá kết quả hai năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội

Theo Báo cáo của Chính phủ, sau 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên.
Đánh giá kết quả hai năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội ảnh 1Người dân thực hiện thủ tục hành chính. (Nguồn: Vietnam+)

Hà Nội đã có hai năm thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo tinh thần Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội.

Đánh giá của Chính phủ cho thấy kể từ khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội vẫn đảm bảo tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức bộ máy cũng như trong hoạt động quản lý nhà nước, hệ thống chính trị hoạt động tốt góp phần đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của thành phố.

Bộ máy chính quyền hoạt động nhanh nhạy, thông suốt

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, thành phố đã tập trung thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức. Trước thời điểm 1/7/2021, khi chưa thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, số lượng cán bộ, công chức phường là 2.704 người. Trong số đó, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường là 172 người, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường là 116 người, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường là 168 người, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường là 331 người, công chức phường là 1.917 người.

Đến 1/7/2021, các quận và thị xã Sơn Tây đã hoàn thành công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tại 175 phường. Cụ thể, đã thực hiện bổ nhiệm 173 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường (trong đó có 8 phường bố trí mô hình Bí thư Đảng ủy phường đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường), 335 Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường; chuyển 1.944 công chức phường sang công chức thuộc biên chế Ủy ban Nhân dân quận, thị xã quản lý.

[Mô hình chính quyền đô thị mang lại sự chủ động, hiệu quả]

Hà Nội đã thực hiện bố trí sắp xếp các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường (do không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường) đối với 288 người, trong đó đang kiêm nhiệm hoặc được chuyển sang giữ chức danh cán bộ khác ở phường là 227 người; được tiếp nhận vào công chức không qua thi là 32 người; nghỉ công tác do dôi dư 24 người (12 Chủ tịch và 12 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường); nghỉ hưu 5 người. Cán bộ chuyên trách khối Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở phường vẫn được giữ ổn định theo quy định.

Nhằm khuyến khích, động viên các cán bộ, công chức cấp xã ở phường nghỉ công tác do sắp xếp khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và công chức phường nghỉ công tác.

“Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn; tổ chức bộ máy chính quyền ở các quận và thị xã hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn. Cơ quan hành chính phường đã chủ động trong điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc," ông Trần Đình Cảnh cho hay.

Đánh giá kết quả hai năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội ảnh 2Bộ phận một cửa của Ủy ban Nhân dân phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. (Nguồn: Vietnam+)

Đặc biệt, theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, những nhiệm vụ mang tính đột xuất, yêu cầu cấp bách phải giải quyết ngay với nguyên tắc làm việc theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường đã phát huy vai trò người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định, tổ chức được ngay dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy phường.

Việc thực hiện cơ chế Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, thị xã bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường trong mô hình chính quyền đô thị đã tạo nên tính linh hoạt cao, khi cần thiết có thể chuyển đổi vị trí giữa các công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết trong các giai đoạn khác nhau.

“Cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường đảm bảo sự linh hoạt trong việc lựa chọn, bố trí, luân chuyển cán bộ, không nhất thiết là người địa phương, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín ở địa phương," ông Trần Đình Cảnh cho biết.

Theo Báo cáo của Chính phủ, sau 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, cơ cấu theo quy định.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chuẩn hóa, có chuyển biến tốt về phong cách làm việc, ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra cải cách hành chính và công vụ được quan tâm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được tăng cường, đạt kết quả tích cực, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Còn những hạn chế

Chính phủ cũng chỉ ra rằng khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Ủy ban Nhân dân phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách. Từ đó, Ủy ban Nhân dân phường không còn sự chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất như phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.

Trong khi đó, Ủy ban Nhân dân phường vẫn là đơn vị quản lý địa bàn dân cư nên phát sinh nhiều nhiệm vụ đột xuất mà không thể dự kiến đầy đủ trong dự toán ngân sách hàng năm. Trường hợp có phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp mà chưa được bố trí dự toán, phải báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết, cần có thời gian nên thiếu tính kịp thời và chủ động.

Trong mô hình chính quyền đô thị, công chức phường thuộc biên chế công chức của Ủy ban Nhân dân quận, trong khi đó cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội ở phường và cán bộ, công chức tại xã, thị trấn vẫn là cán bộ, công chức cấp xã. Do đó, việc quản lý, sử dụng và chế độ, chính sách vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã.

Điều đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý công tác cán bộ ở địa phương, gây tâm tư đối với đội ngũ cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở phường và cán bộ, công chức ở xã, thị trấn.

Công chức phường, do đã liên thông, thực hiện chế độ công vụ như công chức quận nên công chức phường có thể dễ dàng thực hiện luân chuyển, điều động giữ các vị trí khác trong hệ thống chính trị.

Cán bộ ở phường và cán bộ, công chức ở xã, thị trấn khi chuyển sang vị trí công chức phường hay công chức cấp huyện trở lên phải thực hiện quy trình tiếp nhận vào công chức với những tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe hơn như phải có đủ 5 năm công tác trở lên làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm dự kiến bố trí, phải thực hiện kiểm tra, sát hạch nếu không phải bố trí làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Đánh giá kết quả hai năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội ảnh 3Người dân làm thủ tục hành chính. (Nguồn: Vietnam+)

Ngoài ra, khối lượng công việc của Hội đồng Nhân dân các quận, thị xã tăng lên nhiều khi thực hiện chính quyền đô thị do không còn Hội đồng Nhân dân phường (tăng cường giám sát, tiếp xúc cử tri, đối thoại với nhân dân, tiếp công dân...) nhưng số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân quận, thị xã so với nhiệm kỳ trước giảm, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận, thị xã chỉ còn 1 người. Do vậy, nhiệm vụ của các đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng Nhân dân quận, thị xã nặng nề hơn so với nhiệm kỳ trước.

Bộ máy giúp việc Hội đồng Nhân dân quận, thị xã hiện nay chưa được bố trí đầy đủ, có nơi chưa có chuyên viên làm việc ở Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân chuyên trách tham mưu giúp việc cho Thường trực và các Ban của Hội đồng Nhân dân quận, thị xã, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân quận, thị xã.

Với quy định số lượng biên chế công chức phường bình quân là 15 người/phường như hiện nay, các phường của thành phố gặp nhiều khó khăn về việc bố trí số lượng biên chế công chức tại những phường có quy mô dân số lớn, áp lực công việc nhiều.

Tổng biên chế cán bộ, công chức của các địa phương đã được Bộ Chính trị giao ổn định trong giai đoạn 2022 - 2026 (trong đó số lượng biên chế công chức phường tại 3 thành phố thực hiện mô hình chính quyền đô thị được giao là 7.035 biên chế).

Trong khi đó, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã quy định về việc tăng thêm số lượng công chức cấp xã theo diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp xã để đáp ứng yêu cầu công việc tại các đơn vị hành chính cấp xã có địa bàn rộng, dân số đông.

Vì vậy, số lượng biên chế công chức phường tại Hà Nội cần được xác định theo diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường giống như công chức cấp xã quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP để đáp ứng yêu cầu công việc tại các phường có dân số đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục