Hà Nội: Mô hình chính quyền đô thị cho kết quả tích cực

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho bviệc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đã được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền.
Hà Nội: Mô hình chính quyền đô thị cho kết quả tích cực ảnh 1Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trình bày báo cáo. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 25/7, báo cáo tại cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội đạt kết quả tích cực, bộ máy chính quyền phường tinh gọn nhưng vẫn hoạt động hiệu quả.

Theo đó, việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đã được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, cấp ủy, chính quyền các quận, thị xã xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan để tổ chức thực hiện nghiêm túc bảo đảm chất lượng, tiến độ, tạo thuận lợi và tăng cường trách nhiệm trong triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ được thành phố tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với từng đối tượng, các tầng lớp nhân dân.

[Hà Nội: Thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện chỉ số PCI]

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức tại 175 phường cũng được thành phố tập trung thực hiện để đảm bảo việc thực hiện mô hình thí điểm chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021.

Các đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, ban hành và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, đảm bảo vận hành bộ máy bình thường, chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc lớn.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ tại các phường đã đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn.

Công tác sắp xếp, bố trí công tác và giải quyết các chế độ, chính sách đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường sau sắp xếp, kiện toàn được thực hiện đúng quy định; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thành phố và các cấp ủy, tổ chức đảng đã chú trọng, tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên và chuyên đề nhằm kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Sau hơn 2 năm triển khai thí điểm, mô hình chính quyền đô thị cho kết quả tích cực, tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn, không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường, Ủy ban Nhân dân phường là cơ quan hành chính thuộc Ủy ban Nhân dân quận.

Tổ chức bộ máy chính quyền ở các quận, thị xã hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính phường đã chủ động trong điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước.

Những nhiệm vụ mang tính đột xuất, yêu cầu cấp bách phải giải quyết ngay thì với nguyên tắc làm việc theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường đã phát huy vai trò là người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định, tổ chức thực hiện được ngay dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy phường.

Công tác phối hợp giữa chính quyền phường với các cơ quan, đơn vị cơ bản được đảm bảo và có hiệu quả cao; vai trò lãnh đạo của Đảng ủy phường với Ủy ban Nhân dân phường và các tổ chức trong hệ thống chính trị tại phường được đảm bảo.

Phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường đối với chính quyền phường không chung chung, mà được cụ thể, sát với nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Việc thực hiện cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường đảm bảo sự linh hoạt trong việc lựa chọn, bố trí, luân chuyển cán bộ, không nhất thiết là người địa phương, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín ở địa phương.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tại phường với Ủy ban Nhân dân phường có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất cao trong thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương.

Quyền dân chủ và giám sát của nhân dân được đảm bảo, phát huy hơn bằng hình thức giám sát trực tiếp hoặc thông qua chương trình giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội.

Hà Nội: Mô hình chính quyền đô thị cho kết quả tích cực ảnh 2Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Công tác quản lý nhà nước được thực hiện đầy đủ chức năng. Phương thức hoạt động của Ủy ban Nhân dân thay đổi theo hướng tích cực, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên.

Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho Chủ tịch phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của quận, thị xã và các phường đều đạt kết quả tốt, đáp ứng các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất.

Cơ chế giám sát việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đã được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, đoàn thể xã hội của phường thực hiện tốt thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh.

Quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được đảm bảo, được tăng cường hơn bằng hình thức giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị-xã hội.

Tại các quận, thị xã thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường, quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được phát huy. Qua số liệu cho thấy, Hội đồng Nhân dân quận, thị xã đã thực hiện được nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; chủ động theo dõi, giám sát và đôn đốc trả lời, giải quyết được số lượng lớn kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường, những vấn đề dân sinh bức xúc, kiến nghị phản ánh của cử tri đã được đại biểu Hội đồng Nhân dân quận, thị xã tiếp nhận và đôn đốc trả lời, giải quyết.

Tuy nhiên, khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội gặp không ít hạn chế, khó khăn.

Việc xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các giải pháp thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của một số đơn vị có nội dung còn chưa sát, thiếu cụ thể; một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành ban hành còn chậm, chất lượng chưa cao.

Công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở một số nơi hiệu quả chưa cao.

Khối lượng công việc của Hội đồng Nhân dân các quận, thị xã tăng lên nhiều khi thực hiện chính quyền đô thị (tăng cường giám sát, tiếp xúc cử tri, đối thoại với nhân dân, tiếp công dân…), nhưng số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân quận, thị xã so với nhiệm kỳ trước giảm, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân chỉ còn 1 người, do vậy nhiệm vụ của các đại biểu Hội đồng Nhân dân quận, thị xã hoạt động chuyên trách nặng nề hơn với nhiệm kỳ trước.

Hoạt động của Hội đồng Nhân dân ở một số địa phương chất lượng vẫn chưa cao. Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban Hội đồng Nhân dân ở một số đơn vị còn chưa chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, chưa thật sự quyết liệt trong việc đôn đốc thực hiện các kết luận giám sát, thực hiện các kiến nghị của cử tri và đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân…

Chưa có hướng dẫn thống nhất về nội dung, hình thức giám sát của Hội đồng Nhân dân quận, thị xã đối với hoạt động của Ủy ban Nhân dân phường.

Việc tổ chức hội nghị đối thoại của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các phường với nhân dân ở phường chất lượng chưa cao, phần lớn mang tính kiến nghị, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp phường, cũng như một số cử tri chưa nhận thức rõ những nội dung của đối thoại.

Tại một số phường, việc thực hiện nguyên tắc, chế độ trách nhiệm trong thực thi công vụ của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường và tập thể Ủy ban Nhân dân phường còn chưa rõ nét.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc ở một số phường rất lớn, gây áp lực trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với đội ngũ công chức phường. Số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường là 15 người/phường, về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn.

Ngoài ra, việc thực hiện theo cơ chế quản lý mới, phường là một đơn vị dự toán, phụ thuộc vào dự toán của cơ quan cấp trên nên một số nhiệm vụ phát sinh, đột xuất không có trong dự toán gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục