TP Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, mô hình chính quyền đô thị tại thành phố là phù hợp, đã phát huy được hiệu quả trong thực tiễn, tuy nhiên cần có sự điều chỉnh để đáp ứng thực tiễn địa phương.
TP Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị ảnh 1Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp và đã phát huy được hiệu quả trong thực tiễn, tuy nhiên cần có sự điều chỉnh để đáp ứng thực tiễn địa phương.

Đây là nội dung được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phan Văn Mãi nêu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 của của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, do Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức sáng 13/10.

Theo ông Phan Văn Mãi, Nghị quyết 131/2020/QH14 đã khẳng định hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên. Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết, tình hình kinh tế-xã hội, an ninh trật tự ổn định và phát triển, người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ với mô hình này.

Công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức có sự chuyển biến tích cực. Tổ chức bộ máy đã được tinh gọn, bước đầu khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp giữa các cơ quan. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được nâng lên về phẩm chất, tinh thần phục vụ, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng.

[TP.HCM: Còn khó khăn, lúng túng khi triển khai chính quyền đô thị]

Từ thực tiễn địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh Thái Thị Hồng Nga chia sẻ bộ máy quản lý đô thị trở nên tinh gọn do giảm bớt cấp chính quyền, thủ tục hành chính được cắt giảm, thời gian triển khai các kế hoạch được nhanh hơn.

Mô hình này phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của đô thị đông dân, làm cho bộ máy chính quyền đạt được sự phản ứng nhanh nhạy, hoạt động thông suốt hơn. Tại Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh, việc giao số lượng biên chế công chức phường không cào bằng mà xác định dựa trên quy mô, đặc điểm của từng đơn vị để giao chỉ tiêu, đảm bảo số lượng theo quy định của thành phố giao cho quận.

Ngày 16/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; ngày 19/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (không thí điểm) và thực hiện mô hình thành phố trong thành phố.

Bên cạnh kết quả tích cực, Ủy ban Nhân dân thành phố đánh giá quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Đó là số biên chế ít so với khối lượng công vụ; việc phân cấp phân quyền để đạt mục tiêu chính quyền tinh gọn, hiệu lực hiệu quả chưa triệt để; sự chủ động của địa phương trong điều hành một số công tác về ngân sách, đầu tư bị ảnh hưởng… Một số cơ chế, quy định thiếu đồng bộ và có nội dung chưa phù hợp thực tiễn khi áp dụng cho một địa bàn lớn với khối lượng công việc nhiều, phức tạp như Thành phố Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị ảnh 2Tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Bình Hưng Hòa A quận Bình Tân, cho biết phường có gần 126.000 nhân khẩu, gấp 8 lần so với tiêu chuẩn. Cán bộ, công chức và người lao động phường là 36 người, trong đó công chức và hoạt động không chuyên trách khối chính quyền là 22 người. Mỗi công chức và người hoạt động không chuyên trách phường (khối chính quyền) phải phục vụ từ 5.000-6.000 người dân, nên gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết công việc. Địa phương kiến nghị thành phố, đề xuất Chính phủ sớm bổ sung biên chế công chức cho Ủy ban Nhân dân phường.

Thành phố Hồ Chí Minh đã cập nhật, điều chỉnh một phần và kiến nghị điều chỉnh ở tầm cao hơn để sửa đổi Nghị định 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 131/2020/QH14.

Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết trong cuộc họp vừa qua với lãnh đạo 3 thành phố gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng những vấn đề bất cập cần phải sửa từ Nghị quyết 131/2020/QH14, sau đó mới sửa Nghị định 33/2021/NĐ-CP.

Cùng với khẩn trương điều chỉnh để hoàn thiện hơn mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi định hướng thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục xây dựng chính quyền các cấp, cơ quan nhà nước trong sạch vững mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả để nền hành chính công vụ phải theo kịp sự phát triển sáng tạo của thành phố. Tập trung cải cách hành chính từng cấp, từng cơ quan, trong đó lấy chỉ số cải cách hành chính hàng năm để có biện pháp hiệu quả.

Ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang tập trung xây dựng Đề án xây dựng nền công vụ thành phố hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân kiến tạo phát triển; phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền để triển khai vào đầu năm 2024. Đề án gồm nhiều hợp phần như chuẩn lại quy trình hệ thống; xác định tổ chức bộ máy phù hợp; tập trung biện pháp xây dựng đội ngũ; hiện đại hóa, số hóa nền hành chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục