Đào tạo tiến sỹ: Cho phép áp dụng quy chế mới với khóa tuyển sinh cũ

Theo Thông tư 18 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về đào tạo tiến sỹ, các trường được phép áp dụng tiêu chuẩn đầu ra của Thông tư này với các nghiên cứu sinh đã tuyển theo thông tư năm 2017.
Đào tạo tiến sỹ: Cho phép áp dụng quy chế mới với khóa tuyển sinh cũ ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT vừa Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ (sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8), các nghiên cứu sinh đã được tuyển sinh theo quy chế cũ năm 2017 và đang được đào tạo có thể được áp dụng tiêu chuẩn đầu ra theo quy định của quy chế mới năm 2021.

Cụ thể, theo khoản 2, Điều 24 của Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8 tới đây quy định “cơ sở đào tạo quyết định việc áp dụng khoản 2 Điều 5, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 14 của Quy chế này đối với khóa đã tuyển sinh trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.”

Tiêu chuẩn đầu ra của quy chế mới năm 2021 đang được nhiều ý kiến đánh giá là thấp hơn so với quy chế năm 2017 và là vấn đề gây tranh cãi gay gắt trong giới khoa học.

Cụ thể, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 14 trong quy chế mới đã bỏ yêu cầu bắt buộc phải có công bố quốc tế đối với người hướng dẫn; khoản 2 Điều 5 của quy chế mới bỏ yêu cầu bắt buộc phải có công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh. Trong khi đó, đây vốn là những điểm mới được đánh giá là đột phá, cốt lõi trong quy chế cũ ban hành năm 2017.

[Tranh cãi về đào tạo tiến sỹ: Cần hay không cần công bố quốc tế?]

Theo lãnh đạo các trường đại học, thông thường, nghiên cứu sinh tuyển đầu vào theo quy chế nào phải thực hiện yêu cầu tiêu chuẩn đầu ra theo quy chế đó. Điều này cũng được thể hiện rõ trong các thông tư quy định về quy chế đào tạo tiến sỹ trước đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, trong Thông tư 08 năm 2017, Điều 32 quy định đối với các khóa tuyển sinh đã có quyết định công nhận nghiên cứu sinh trước thời điểm thông tư này có hiệu lực thi hành, cơ sở đào tạo thực hiện theo quy định của quy chế đào tạo tiến sỹ đã ban hành trước đó.

Điều 48 của Thông tư về Quy chế đào tạo trình độ tiến ban hành năm 2009 cũng quy định tiêu chuẩn đầu ra mới chỉ được dụng sau gần 3 năm kể từ khi có thông tư mới có hiệu lực. Theo đó, các khóa tuyển sinh đã tuyển theo thông tư cũ sẽ áp dụng chuẩn đầu ra theo thông tư cũ.

[Quy chế đào tạo mới là bước thụt lùi, cơ hội cho 'các lò' tiến sỹ rởm]

“Vì vậy, việc cho phép cơ sở đào tạo được phép tuyển sinh theo quy chế cũ nhưng lại thực hiện chuẩn đầu ra theo quy chế mới là bất thường và không hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh quy chế mới năm 2021 đã hạ chuẩn đào tạo so với quy chế năm 2017,” lãnh đạo một trường đại học cho hay.

Cũng theo vị lãnh đạo này, Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân quy định “thời gian đào tạo trình độ tiến sỹ tương đương 3 đến 4 năm học tập trung tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo và trình độ đầu vào của người học.” Theo đó, hầu hết các nghiên cứu sinh được tuyển sinh theo quy chế của năm 2017 hiện vẫn chưa ra trường.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng với khoản 2, Điều 24, quy chế mới đã gần như cho phép các trường được quyền “xóa sổ” hoàn toàn điểm mới của quy chế năm 2017./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục