Những khoảng cách hàng trăm hải lý đã bị xóa nhòa. Những ấn tượng về Trường Sa, về chân dung và cuộc sống của những người lính vùng biển đảo không còn mơ hồ với những cái chấm nhỏ xíu trên bản đồ mà hiện lên sống động qua không gian triển lãm “Cảm xúc Trường Sa” của nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn.
Trường Sa không còn... xa
Qua gần 70 bức ảnh, người xem có thể thấy ngay một Trường Sa không hề “lên gân,” mà hoàn toàn được tả thực bằng chính những rung động thẳm sâu của tác giả.
Lặng đi trước những bức ảnh về “Phong cảnh Trường Sa,” anh Lâm Vũ (Hoàn Kiếm) tâm sự: “Tôi có cảm giác như mình đang được trực tiếp sống giữa không gian trời nước, biển đảo bao la. Những bức ảnh căng hết chân trời trong trí tưởng tượng của con người thôi thúc ước muốn được… bay vút lên cao để có thể bao quát được toàn bộ không gian bát ngát này với biển xanh, trời xanh và mây trắng. Xen vào đó là cảm giác bình yên sâu lắng!”
Một Trường Sa hiện lên thật gần gũi, thanh bình với những cảnh sinh hoạt, học tập của quân và dân nơi này qua “Bình minh trên đảo,” “Vật nuôi trên đảo,”... nhưng cũng rất lãng mạn với vẻ đẹp tiềm ẩn của biển trời qua “Rực ánh hoàng hôn,” “Bao la biển trời,”…
“Tất cả đều chân thực và đẹp đến ngỡ ngàng. Tôi đặc biệt thích nụ cười thật tươi của người chiến sỹ khi ‘Đảo nhỏ có khách’, nét duyên thầm ấn tượng trong ‘Phút tâm tình.’ Những bức ảnh biết… nói,” bác Minh Hòa, một khách tham quan triển lãm bày tỏ.
Theo bác, khi hướng ánh nhìn về bức “Giai điệu sóng biển” với hình ảnh một gợn sóng lúc bình minh cùng những đường nét và mảng màu đẹp như tranh vẽ khi ánh nắng ban mai tạo ra trên mặt nước; hay lắng lại với góc nhìn tinh tế với hình ảnh đôi vịt đen đảo “Thuyền Chài” sống động,… những ai chưa từng một lần đặt chân đến miền biển đảo này sẽ thấy Trường Sa không còn xa nữa.
“Đó không chỉ là cảm nhận của riêng tôi mà chắc chắn là cảm xúc, suy nghĩ chung của những ai đến với triển lãm lần này,” bác Hòa xúc động nói.
Cảm thức thiêng liêng về tổ quốc
Đúng như tên gọi, “Cảm xúc Trường Sa” đã mang đến cho công chúng nhiều cung bậc cảm xúc khó phai.
Triền miên trong dòng suy tưởng, giọng bồi hồi xúc động, anh Vũ chia sẻ: “Cảm thức về tổ quốc trong tôi hiện lên rõ hơn bao giờ hết với hình ảnh những người lính đứng gác giữa không gian biển trời bao la.”
Nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt nâu rám vì nắng, gió biển của những người lính đảo đang ngày đêm chắc tay súng, sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ gìn giữ biển đảo Tổ quốc cho đến những giọt nước mắt, nụ cười ngày gặp gỡ đã tạo ra điểm nhấn ấn tượng, sâu sắc cho triển lãm.
Ánh mắt rưng rưng ngước nhìn hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới giữa nền trời xanh thẳm, hình ảnh những hòn đảo kiên cường giữa biển khơi bao la, người cựu chiến binh già Nguyễn Văn Thắng nghẹn ngào nói: “Thế hệ chúng tôi vì một Trường Sơn đã quên mình cứu nước. Ngày nay, vì một Trường Sa, thế hệ trẻ hãy kiên cường giữ nước.”
Bức “Chủ quyền” với hình ảnh một lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong bầu trời lộng gió giữa vùng nước bao la bên đảo Trường Sa Đông làm nền cho toàn bộ cuộc triển lãm, góp phần quan trọng làm cháy lên tình yêu, niềm tự hào về tổ quốc.
“Thật đáng xấu hổ vì đã có những lúc mình thờ ơ với Trường Sa. Ngắm nhìn hình ảnh tổ quốc nơi đảo xa, hình ảnh những người lính trẻ miệt mài, vui say làm nhiệm vụ thiêng liêng trong tâm thế người làm chủ, tôi tự hỏi mình đã làm được gì cho cuộc sống hôm nay, hay vẫn chỉ sống một cuộc sống chỉ biết nhận mà chưa biết cho đi,” một bạn trẻ day dứt nói.
Rời khỏi cuộc triển lãm với những cảm xúc lắng sâu, người lính già từng một thuở xông pha trận mạc miệng đọc thầm hai câu thơ của Nguyễn Duy: “Dù ở đâu vẫn tổ quốc trong lòng/Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ.”
Gần 70 bức ảnh được trưng bày theo ba chủ đề "Phong cảnh Trường Sa" gồm 25 bức ảnh; "Chân dung và cuộc sống thường ngày của người chiến sỹ" gồm 25 ảnh và "Những khoảnh khắc bất chợt" qua góc nhìn của người nghệ sỹ với 18 ảnh.
Triển lãm “Cảm xúc Trường Sa” của tác giả Vũ Anh Tuấn kéo dài đến hết 14/8 tại phòng triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)./.
Trường Sa không còn... xa
Qua gần 70 bức ảnh, người xem có thể thấy ngay một Trường Sa không hề “lên gân,” mà hoàn toàn được tả thực bằng chính những rung động thẳm sâu của tác giả.
Lặng đi trước những bức ảnh về “Phong cảnh Trường Sa,” anh Lâm Vũ (Hoàn Kiếm) tâm sự: “Tôi có cảm giác như mình đang được trực tiếp sống giữa không gian trời nước, biển đảo bao la. Những bức ảnh căng hết chân trời trong trí tưởng tượng của con người thôi thúc ước muốn được… bay vút lên cao để có thể bao quát được toàn bộ không gian bát ngát này với biển xanh, trời xanh và mây trắng. Xen vào đó là cảm giác bình yên sâu lắng!”
Một Trường Sa hiện lên thật gần gũi, thanh bình với những cảnh sinh hoạt, học tập của quân và dân nơi này qua “Bình minh trên đảo,” “Vật nuôi trên đảo,”... nhưng cũng rất lãng mạn với vẻ đẹp tiềm ẩn của biển trời qua “Rực ánh hoàng hôn,” “Bao la biển trời,”…
“Tất cả đều chân thực và đẹp đến ngỡ ngàng. Tôi đặc biệt thích nụ cười thật tươi của người chiến sỹ khi ‘Đảo nhỏ có khách’, nét duyên thầm ấn tượng trong ‘Phút tâm tình.’ Những bức ảnh biết… nói,” bác Minh Hòa, một khách tham quan triển lãm bày tỏ.
Theo bác, khi hướng ánh nhìn về bức “Giai điệu sóng biển” với hình ảnh một gợn sóng lúc bình minh cùng những đường nét và mảng màu đẹp như tranh vẽ khi ánh nắng ban mai tạo ra trên mặt nước; hay lắng lại với góc nhìn tinh tế với hình ảnh đôi vịt đen đảo “Thuyền Chài” sống động,… những ai chưa từng một lần đặt chân đến miền biển đảo này sẽ thấy Trường Sa không còn xa nữa.
“Đó không chỉ là cảm nhận của riêng tôi mà chắc chắn là cảm xúc, suy nghĩ chung của những ai đến với triển lãm lần này,” bác Hòa xúc động nói.
Cảm thức thiêng liêng về tổ quốc
Đúng như tên gọi, “Cảm xúc Trường Sa” đã mang đến cho công chúng nhiều cung bậc cảm xúc khó phai.
Triền miên trong dòng suy tưởng, giọng bồi hồi xúc động, anh Vũ chia sẻ: “Cảm thức về tổ quốc trong tôi hiện lên rõ hơn bao giờ hết với hình ảnh những người lính đứng gác giữa không gian biển trời bao la.”
Nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt nâu rám vì nắng, gió biển của những người lính đảo đang ngày đêm chắc tay súng, sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ gìn giữ biển đảo Tổ quốc cho đến những giọt nước mắt, nụ cười ngày gặp gỡ đã tạo ra điểm nhấn ấn tượng, sâu sắc cho triển lãm.
Ánh mắt rưng rưng ngước nhìn hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới giữa nền trời xanh thẳm, hình ảnh những hòn đảo kiên cường giữa biển khơi bao la, người cựu chiến binh già Nguyễn Văn Thắng nghẹn ngào nói: “Thế hệ chúng tôi vì một Trường Sơn đã quên mình cứu nước. Ngày nay, vì một Trường Sa, thế hệ trẻ hãy kiên cường giữ nước.”
Bức “Chủ quyền” với hình ảnh một lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong bầu trời lộng gió giữa vùng nước bao la bên đảo Trường Sa Đông làm nền cho toàn bộ cuộc triển lãm, góp phần quan trọng làm cháy lên tình yêu, niềm tự hào về tổ quốc.
“Thật đáng xấu hổ vì đã có những lúc mình thờ ơ với Trường Sa. Ngắm nhìn hình ảnh tổ quốc nơi đảo xa, hình ảnh những người lính trẻ miệt mài, vui say làm nhiệm vụ thiêng liêng trong tâm thế người làm chủ, tôi tự hỏi mình đã làm được gì cho cuộc sống hôm nay, hay vẫn chỉ sống một cuộc sống chỉ biết nhận mà chưa biết cho đi,” một bạn trẻ day dứt nói.
Rời khỏi cuộc triển lãm với những cảm xúc lắng sâu, người lính già từng một thuở xông pha trận mạc miệng đọc thầm hai câu thơ của Nguyễn Duy: “Dù ở đâu vẫn tổ quốc trong lòng/Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ.”
Gần 70 bức ảnh được trưng bày theo ba chủ đề "Phong cảnh Trường Sa" gồm 25 bức ảnh; "Chân dung và cuộc sống thường ngày của người chiến sỹ" gồm 25 ảnh và "Những khoảnh khắc bất chợt" qua góc nhìn của người nghệ sỹ với 18 ảnh.
Triển lãm “Cảm xúc Trường Sa” của tác giả Vũ Anh Tuấn kéo dài đến hết 14/8 tại phòng triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)./.
Phương Mai (Vietnam+)