Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thơ Đường luật Việt Nam

Trong suốt cuộc đời hoạt động các mạng, Bác Hồ đã sáng tác trên 300 bài thơ, trong đó có quá nửa là thơ Đường luật và "Nhật ký trong tù" là tập thơ viết bằng chữ Hán đạt đến tầm cao.
Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thơ Đường luật Việt Nam ảnh 1Triển lãm thư pháp về tập thơ 'Nhật ký trong tù' của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Hội thảo khoa học "Bác Hồ với thơ Đường luật Việt Nam" do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội thơ Đường luật Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra ngày 23/10, tại Hà Nội.

Đây là dịp để tôn vinh tài năng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tư tưởng, tình cảm cao đẹp của Bác thể hiện trong mỗi tác phẩm thơ Đường. Qua đó, công chúng hiểu rõ hơn cách thức mà Người đã Việt hóa thành công một di sản của Trung Hoa, biến thơ Đường thành công cụ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng.

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng nói đến chủ đề “Bác Hồ với thơ Đường luật” không thể không nhắc đến tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác. Đây là tập thơ nổi tiếng gồm 133 bài thơ Đường luật viết bằng chữ Hán đạt đến tầm cao, chiều sâu của thơ Đường luật.

Nhật ký trong tù” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, phát hành ở nhiều nước trên thế giới và được đông đảo bạn đọc quốc tế yêu thích. Tại Việt Nam, "Nhật ký trong tù" là một trong những tác phẩm văn học được quan tâm nghiên cứu, tìm đọc.

Giáo sư-anh hùng lao động Vũ Khiêu cho biết ngay từ khi còn nhỏ, Bác Hồ đã được nghe cha, bè bạn của cha hàng ngày đọc, làm thơ và Người đã thuộc lòng rất nhiều bài thơ của Việt Nam, Trung Quốc. Tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Thức, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm... đã để lại trong tâm hồn Người cảm hứng thi ca đẹp nhất.

Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh được tiếp cận văn học thế giới, nhất là văn học phương Tây, tiếp thu kiến thức, sự trong sáng trong hành văn, tinh tế trong thể hiện của các nhà văn thế giới.

Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Tân Yên (Bắc Giang) Đinh Mỹ Hạnh khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Thơ của Người là những tác phẩm văn học vô giá trong kho tàng văn học Việt Nam, thế giới. Trong suốt cuộc đời hoạt động các mạng, Bác Hồ đã sáng tác trên 300 bài thơ, trong đó có quá nửa là thơ Đường luật. Thơ Bác có nội dung phong phú, phong cách nghệ thuật độc đáo, kết hợp tài tình giữa tinh hoa cổ thi và tính hiện đại của thơ ca cách mạng.

Đi sâu vào khảo sát những phá cách trong thơ Đường luật Hồ Chí Minh, giảng viên khoa Ngữ văn Đại học Vinh Lê Đình Sơn nhấn mạnh Bác Hồ đã thể hiện sự phá cách thơ tứ tuyệt ở nhiều hình thức khác nhau. Có những bài thơ Bác phá luật bằng trắc, phá luật thơ như “Văn cảnh,” “Báo tiệp.”

Có những bài thơ làm người đọc ngạc nhiên trước hiện tượng đổi mới thơ tứ tuyệt luật Đường như bài “Vô đề,” bài ngụ ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán ở đầu tập thơ “Nhật ký trong tù,” sau đó là nhiều tác phẩm khác, qua đó cho thấy Bác đã tiếp thu một cách sáng tạo di sản thơ Đường Trung Quốc, làm cho thể loại này ngày càng phong phú hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục