Ngày 19/12, tại Hạ Long, Quảng Ninh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam.
Ước thực hiện cả năm 2018, du lịch Việt Nam dự kiến sẽ đón 15,5-15,6 triệu lượt khách quốc tế và 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.
Du lịch vẫn được coi là điểm sáng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xã hội của Việt Nam trong năm 2018.
Năm thành công của du lịch
Có thể nói năm 2018 là năm thành công của ngành du lịch nước nhà. Nhìn laị chặng đường 58 năm phát triển của ngành du lịch nước nhà có thể thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh.
Năm 1994, du lịch Việt Nam mới đón được hơn 1 triệu lượt khách quốc tế thì phải đến năm 2005, tức là hơn 1 thập kỷ sau mới đạt được mốc hơn 3 triệu lượt khách quốc tế.
Từ năm 2005-2010, chỉ mất 5 năm, khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt mốc 5 triệu lượt. Và từ năm 2010 đến nay, chỉ mất 8 năm để tăng trưởng lượng khách quốc tế lên gấp 3 lần, từ 5 triệu lên con số hơn 15 triệu lượt...
[Năm Du lịch Quốc gia 2018 - Nâng tầm du lịch Quảng Ninh]
Đây thực sự là thành tích vượt trội, dấu ấn, thành quả nỗ lực không ngừng của toàn ngành du lịch Việt Nam, trong đó có đóng góp không nhỏ của hệ thống các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư chiến lược trên toàn quốc.
Để đạt được thành công trên, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam liên tục được thực hiện với quy mô ngày càng chuyên nghiệp ở các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng tới nhiều thị trường tiềm năng dù nguồn lực còn hạn hẹp.
Theo Tổng cục Du lịch, để đáp ứng tốt nhu cầu của các thị trường khách khác nhau, các dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam như du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch thành phố, các sản phẩm du lịch cụ thể gắn với nhu cầu thị trường được hình thành ngày càng rõ nét. Trong đó tiêu biểu là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch trải nghiệm, thụ hưởng các sản phẩm văn hóa đặc sắc Việt Nam; du lịch vui chơi, giải trí cao cấp, thông minh và du lịch khám phá sinh thái độc đáo.
Những năm gần đây, các điểm đến như Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng... đã và đang trở thành hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia, trở thành động lực cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch ban hành một loạt các văn bản như Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch, Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch và các kế hoạch tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch, quản lý điểm đến du lịch, góp phần nâng cao nhận thức của địa phương, doanh nghiệp, cơ quan quản lý...
Vinh danh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, mến khách
Không chỉ tăng nhanh lượng khách quốc tế đến, trong năm 2018, du lịch Việt Nam còn gặt hái được nhiều giải thưởng quan trọng, góp phần tôn vinh, khẳng định điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện và ngày càng hấp dẫn bạn bè quốc tế.
Trong đó lần đầu tiên du lịch Việt Nam được trao tặng giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á” của World Travel Awards; giải thưởng “Điểm đến golf hàng đầu châu Á” do Golf World Travel Awards trao tặng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không của Việt Nam cũng được quốc tế trao tặng nhiều danh hiệu danh giá.
Tổng cục Du lịch khẳng định những giải thưởng mà Việt Nam nhận được trong năm 2018 tiếp tục góp phần quan trọng khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đây cũng chính là động lực để du lịch Việt Nam phấn đấu và phát huy mạnh mẽ hơn nữa những tiềm năng, lợi thế để duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế...
Trong năm 2019, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đạt 103 triệu lượt khách du lịch, trong đó đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế đến, tăng 15% so với năm 2018; phục vụ khoảng 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6% so với năm 2018. Ngành du lịch sẽ tiếp tục thực hiện chính sách kích cầu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Điều này sẽ góp phần quan trọng giúp ngành du lịch Việt Nam tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, thúc đẩy kết nối du lịch với hàng không, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước tại các địa phương.
Trong năm 2019, ngành du lịch cũng tiếp tục quản lý tốt các điểm đến du lịch để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, kiểm soát tốt hoạt động du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, duy trì sự tăng trưởng ổn định của các thị trường khách./.