Dấu ấn tiêu biểu trong việc thực hiện đường lối đổi mới ở TP.HCM

Qua gần 40 năm cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã khai thác tốt nhất tiềm năng, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại.
Dấu ấn tiêu biểu trong việc thực hiện đường lối đổi mới ở TP.HCM ảnh 1Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn Khảo sát Nhóm 6 Ban Chỉ đạo Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 18/10, Đoàn Khảo sát Nhóm 6, Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Một số vấn đề Lý luận và Thực tiễn về Công cuộc Đổi mới theo Định hướng Xã hội Chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam đã có buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn do ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm trưởng đoàn.

Cùng tham gia có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Tạ Ngọc Tấn.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc tổng kết tại Thành phố Hồ Chí Minh góp phần cung cấp những căn cứ lý luận và thực tiễn để xây dựng Báo cáo Tổng kết 40 năm Đổi mới Đất nước.

Trọng tâm là đánh giá tổng quát các vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới, đồng thời, dự báo tình hình mới, đề xuất và kiến nghị quan điểm, định hướng, nội dung, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Ông Đinh Tiến Dũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tập trung phân tích, đánh giá, thảo luận sự phát triển nhận thức của Đảng bộ Thành phố về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về đường lối đổi mới 40 năm qua.

Các nội dung bao gồm việc vận dụng chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đặc trưng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mục tiêu của đổi mới, phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội, các mối quan hệ lớn trong đổi mới; những quan điểm xuyên suốt, giá trị cốt lõi, các trụ cột chủ yếu của đường lối đổi mới.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, thành phố cần phân tích làm rõ sự đổi mới tư duy, sáng tạo, chủ động trong việc đề xuất, hoạch định và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách; sự sáng tạo thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, Đổi mới Sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chuyển đổi Số; công tác quản lý quy hoạch gắn với phát triển kinh tế-xã hội; liên kết vùng; đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân...

[Hoàn thiện lý luận quốc phòng, an ninh, đối ngoại qua 40 năm đổi mới]

Báo cáo đánh giá tổng quát các vấn đề lý luận và thực tiễn, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết qua gần 40 năm cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, thành phố đã khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh.

Địa phương đã tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dấu ấn tiêu biểu trong việc thực hiện đường lối đổi mới ở TP.HCM ảnh 2Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thành ủy thành phố đã lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện.

"Dấu ấn tiêu biểu thực hiện đường lối đổi mới của Thành phố Hồ Chí Minh là đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập của đất nước như: sớm thừa nhận các loại hình doanh nghiệp; nghiên cứu và thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp để hướng nền kinh tế vào xuất khẩu, thực hiện chính sách kinh tế mở; mạnh dạn thí điểm các chế định vận hành của thị trường; huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển... Đồng thời, hình thành các mô hình khoa học và công nghệ điển hình; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, Đổi mới Sáng tạo và khởi nghiệp; đề xuất Trung ương những cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để thành phố phát triển; khởi xướng các phong trào hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, xã hội...," ông Phạm Đức Hải chia sẻ.

Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất, kiến nghị về nội dung, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Các đại biểu kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về Thí điểm Một số Cơ chế, Chính sách Đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để thành phố triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù giải quyết các vướng mắc, nhanh chóng tạo bước chuyển đột phá, thúc đẩy phát triển nhanh.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục