Là nguyên liệu có mặt trong hầu hết các sản phẩm thiết yếu được bày bán trong các chợ truyền thống, cửa hàng, cửa hiệu và siêu thị, từ bánh quy, kẹo, thực phẩm, dầu tắm, dầu gội, cho đến mỹ phẩm các loại, ngành dầu cọ đã phát triển rất nhanh tại Đông Nam Á, đặc biệt là tại Indonesia và Malaysia - hai nước trồng và sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, ngành sản xuất dầu cọ của Đông Nam Á đang phải đối mặt với một thách thức kép mà theo các nhà phân tích, có khả năng ảnh hưởng tới sản lượng dầu cọ và qua đó đẩy giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng lên
Hai thách thức kép đó là tình trạng khô hạn thời gian gần đây và những hệ lụy từ hiện tượng khí hậu El Nino vào cuối năm nay.
Đợt hạn hán trong tháng Một và Hai đầu năm nay tại hai nước trên - nơi cung cấp khoảng 85% lượng dầu cọ tiêu thụ trên toàn thế giới - đã làm dấy lên những lo ngại về triển vọng sụt giảm của sản lượng dầu cọ trong năm nay.
Và hệ quả "nhãn tiền" của tình trạng khô hạn đó là giá dầu cọ đã tăng nhẹ trong những tháng gần đây ở Indonesia, song Hiệp hội dầu cọ nước này dự đoán tác động của hạn hán có thể sẽ còn thấy rõ hơn vào cuối năm nay.
Ngoài khô hạn, một nguy cơ khác đối với hai nước sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới này là ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết El Nino, được các nhà khoa học dự báo có thể xuất hiện vào cuối năm nay và sẽ gây ra lũ lụt ở các nước Nam Mỹ song lại là một đợt hạn hán khác tại Indonesia, Malaysia và một số nước trong khu vực, ảnh hưởng tới sản lượng dầu cọ trong năm 2015.
Ủy ban Khí tượng học Australia vừa đưa ra báo động về hiện tượng El Nino, trong đó cảnh báo có tới 70% hiện tượng thời tiết này xuất hiện và sớm nhất có thể là từ tháng Bảy tới. Thông báo này cũng trùng với cảnh báo từ một số công ty dự báo thời tiết khác.
El Nino thường dẫn đến lụt lội tại các nước khô hạn ở Nam Mỹ và hạn hán ở Indonesia, Malaysia, cùng các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Các nhà phân tích lo ngại rằng, nếu El Nino năm nay cũng mạnh như trận El Nino mạnh nhất thế kỷ 20 hồi năm 1997-98, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và làm thiệt hại hàng tỷ USD, thì niên vụ dầu cọ 2015 sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Alan Lim, nhà phân tích thị trường dầu cọ tại Ngân hàng đầu tư Kenanga ở Malaysia, cho biết "trong trường hợp xấu nhất," El Nino có thể khiến sản lượng dầu cọ ở hai nước Indonesia và Malaysia giảm tới 30%, và thời gian để El Nino "phát huy hiệu quả" của nó là vào khoảng từ 6-12 tháng sau khi nó xảy ra, tức là vào năm 2015.
Franky Widjaja, giám đốc điều hành của Golden Agri-Resources Ltd (GGR, nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất của Indonesia), cũng cho rằng hiện tượng El Nino xuất hiện trong quý 2 và quý 3 năm nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng dầu cọ trong năm 2015, trong khi hạn hán trong hai tháng đầu năm dự kiến sẽ khiến sản lượng dầu cọ trong năm nay thấp hơn 5-10% so với ước tính 30 triệu tấn trước đó.
Nhận định về triển vọng của ngành dầu cọ Indonesia trong năm 2014, Hiệp hội Các nhà sản xuất dầu cọ Indonesia (Gapki) mới đây cũng cho biết do yếu tố thời tiết bất lợi nên sản lượng dầu cọ của nước này có thể sẽ giảm trong năm nay nhưng xuất khẩu có thể vẫn giữ nguyên như năm 2013, chủ yếu do tiêu dùng trong nước gia tăng.
Tổng thư ký Gapki Joko Supriyono nói rằng xuất khẩu dầu cọ năm nay của Indonesia dự kiến sẽ chỉ đạt 21,1 triệu tấn như năm ngoái, do nhu cầu trong nước có thể tăng 25% lên 10 triệu tấn nhờ được thúc đẩy bởi chính sách nhiên liệu sinh học mới của chính phủ.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò của hãng tin Bloomberg mới đây cho biết, theo ước tính của các nhà phân tích, thương gia và người trồng cọ, xuất khẩu dầu cọ của Indonesia - nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới - đã tăng 3,4% lên 1,85 triệu tấn trong tháng Tư.
Đây là mức cao nhất trong vòng bốn tháng qua, kể từ tháng 12/2013. Sản lượng dầu cọ trong tháng Tư của Indonesia cũng tăng 12% lên 2,35 triệu tấn, nhưng lượng dự trữ lại giảm 4,8% xuống còn 2 triệu tấn.
Theo Tổng thư ký Gapki Joko Supriyono, các thị trường truyền thống sẽ tiếp tục thống trị xuất khẩu dầu cọ của Indonesia, trong đó Ấn Độ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với khoảng 6,1 triệu tấn năm 2013, tăng 5,17% so với năm 2012.
Tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc với các mức tương ứng 4 triệu tấn và 2,6 triệu tấn. Mức tiêu thụ dầu cọ Indonesia trên các thị trường trường mới cũng gia tăng, chẳng hạn như đã tăng 33% và 13% tại Trung Đông và châu Phi.
Về giá, Giám đốc điều hành Gapki Fadhil Hasan dự báo giá dầu cọ sẽ tăng trong năm 2014 do xuất khẩu của Indonesia không tăng, và giá có khả năng sẽ dao động trong khoảng 900-950 USD/tấn, so với mức CIF 841,67 USD/tấn trong suốt năm ngoái tại Rotterdam (Hà Lan).
Ông cho biết, trong năm 2008, ngành công nghiệp dầu cọ đã bị thiệt hại nặng nề vì hiện tượng El Nino, và giá dầu cọ khi đó đã bị đẩy lên mức 1.200 USD/tấn.
Tuy nhiên, theo ông Fadhil Hasan, ngoài yếu tố thời tiết bất lợi, còn có một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới giá dầu cọ, trong đó có hoạt động đầu cơ găm hàng.
Mặt khác, trong khi nguồn cung dầu cọ đang đối mặt với triển vọng sụt giảm thì nhu cầu đối với nguyên liệu quan trọng này lại đang có xu hướng gia tăng.
Theo tạp chí World Oil, có trụ sở tại Hamburg (Đức), hoạt động nhập khẩu dầu cọ trên toàn thế giới sẽ bắt đầu tăng từ quý 2 năm 2014 do nhu cầu gia tăng trước lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.
Dự kiến, doanh số bán dầu cọ sẽ tăng lên khoảng 10,5 triệu tấn trong quý 2, so với mức 9,6 triệu tấn trong quý 1 năm 2014.
Theo các nhà phân tích, các bữa ăn tập thể trong tháng ăn chay Ramadan tại Indonesia (bắt đầu vào ngày 28/6) có thể làm gia tăng các hợp đồng dầu cọ tương lai tại Kuala Lumpur.
Xuất khẩu của Malaysia - nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới - đã tăng 28% trong 10 ngày đầu tiên của tháng Năm, mặc dù giá các hợp đồng dầu cọ kỳ hạn được giữ khá ổn định ở mức 2.590 ringgit (800 USD)/tấn.
Trước đó, giá dầu cọ đã chạm mức 2.916 ringgit/tấn vào ngày 11/3, mức cao nhất kể từ tháng 9/2012, trong bối cảnh dự đoán rằng hạn hán trong quý đầu tiên của năm sẽ làm giảm nguồn cung trong cả năm.
Derom Bangun, Chủ tịch Hội đồng quản trị dầu cọ Indonesia, nhận định nhu cầu dầu cọ đang ngày càng tăng. Vì vậy, các nhà máy đang chuẩn bị và tiếp tục tích trữ hàng trong kho, không chỉ phục vụ cho xuất khẩu mà còn để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước trong tháng ăn chay.
Các nhà quan sát cho rằng việc giá dầu cọ tăng có thể sẽ thúc đẩy sự gia tăng các sản phẩm thay thế khác, đặc biệt là dầu đậu nành, nguyên liệu chủ yếu được trồng ở Mỹ và Brazil.
Một số thông tin về cây cọ
Cọ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế lớn: Cùng một diện tích trồng cọ tại các vùng ôn đới hoặc nhiệt đới có thể cung cấp lượng dầu lớn gấp ba lần so với khi trồng các cây lấy dầu khác. Cả hạt và quả cọ đều được khai thác để lấy các loại dầu triglyxerol. Dầu chiết xuất từ hạt cọ có rất nhiều tác dụng.
Quả của chúng gồm hai loại dầu, dầu được ép lấy từ lớp vỏ ngoài của quả gọi là dầu cọ, dùng làm thức ăn hàng ngày; trong công nghiệp dùng để bôi trơn máy móc, làm chất đốt, xà phòng, nến hoặc tráng làm lớp chống rỉ cho các loại đồ hộp. Loại thứ hai là dầu ép từ hạt gọi là dầu hạt cọ, đây là loại dầu ăn cao cấp và dùng để chế biến những loại bánh sữa cao cấp, sản xuất xà phòng, mỹ phẩm cao cấp.
Ngành mỹ phẩm hiện đang sử dụng khoảng 6-7% sản lượng dầu cọ thế giới, và dầu cọ hiện là thành phần chính của nhiều loại xà phòng. Dầu cọ được coi là “vua dầu thế giới” không phải là do tác dụng rộng rãi và giá trị kinh tế lớn của nó mà là sản lượng dầu trên một diện tích tương đối cao.
Dừa cũng được coi là loài cây cho sản lượng dầu cao, nhưng không thể so với dầu cọ, chỉ tính riêng dầu quả cọ (chưa tính dầu hạt) đã cao gấp 2-3 lần so với dầu dừa; 7-8 lần so với lạc; 9 lần so với đậu tương và vài chục lần so với hạt bông, nên chúng được gọi là “vua dầu” là vì vậy.