"Biểu hiện rõ rệt nhất cho thấy sự sa sút về sức khỏe sau khi mẹ tôi bị đột quỵ chính là thị lực của bà," một người phụ nữ kể với SCMP.
"Bà mắc một chứng bệnh gọi là hemianopia, trong đó một nửa thị lực bị mất do dây thần kinh thị giác trong não bị tổn thương."
"Để cố gắng bắt chước những gì bà có thể nhìn thấy sau cơn đột quỵ, tôi dùng lòng bàn tay che mắt trái của mình. Tuy nhiên, khi bác sỹ trị liệu của bà cho tôi xem mô phỏng trên iPad về mức độ suy giảm thị lực của bà, tôi phát hiện ra 'nỗ lực' của mình không truyền tải chính xác tình trạng mất thị lực của bà. Nó còn tệ hơn thế nhiều."
"Nếu bạn dùng tay che một mắt đang hoàn toàn bình thường thì mắt không che vẫn có thể theo dõi sang trái và phải. Hemianopia thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và mẹ tôi bị mù hoàn toàn mắt trái."
"Nếu ai đó tiếp cận bà từ phía đó, bà sẽ không nhìn thấy họ cho đến khi họ ở ngay trước mặt bà."
"Có một số yếu tố có thể là manh mối dẫn đến việc bà được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ sau này và tầm nhìn bị hạn chế có thể là một trong số đó."
[Lần đầu tiên khôi phục thành công một phần thị giác của người mù]
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện với hơn 3.000 người cao tuổi của Đại học Michigan ở Mỹ cho thấy nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn nhiều ở những người có vấn đề về thị lực.
Họ phát hiện ra rằng 1/3 số người bị suy giảm thị lực ở mức độ trung bình hoặc nặng, bao gồm cả những người mù, có dấu hiệu sa sút trí tuệ.
Ngay cả trong số những người có vấn đề về tầm nhìn xa ở mức độ nhẹ, 19% mắc chứng mất trí nhớ. Những người bị nhiều loại suy giảm thị lực có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn 35% so với những người có thị lực bình thường.
Những phát hiện này có liên quan đến những nghiên cứu trước đây, bao gồm một nghiên cứu cho thấy những người cao tuổi trải qua phẫu thuật đục thủy tinh thể có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ thấp hơn 30% so với những người tham gia không thực hiện phẫu thuật như vậy.
Đục thủy tinh thể là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi. Thủy tinh thể là thành phần quan trọng giúp cho ánh sáng đi qua, giúp các tia sáng hội tụ đúng vào võng mạc. Nhưng khi thể thủy tinh chuyển màu mờ đục và ánh sáng rất khó đi qua. Bệnh nhân bị suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ và thậm chí có thể gây mù lòa.
Bác sỹ nhãn khoa Joshua Ehrlich, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết có một số giả thuyết giải thích tại sao mất thị lực có thể là yếu tố nguy cơ gây ra chứng mất trí nhớ.
“Trong một số trường hợp, có thể có nguyên nhân phổ biến là thoái hóa thần kinh hoặc mạch máu gây mất thị lực và sa sút trí tuệ. Ngoài ra, mất thị lực có liên quan đến việc giảm hoạt động thể chất và tham gia xã hội, cả hai đều là yếu tố nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ."
“Một khả năng khác là việc mất thị lực làm giảm khả năng tham gia vào các hoạt động kích thích nhận thức nhằm chống lại sự suy giảm nhận thức."
"Cuối cùng, khi tín hiệu thị giác vào não giảm, có thể có sự thay đổi trực tiếp trong não khiến một người bị suy giảm nhận thức và mất trí nhớ."
Ehrlich cho biết nghiên cứu chỉ kiểm tra chức năng thị giác và không bao gồm việc kiểm tra để xác định nguyên nhân gây ra các vấn đề về thị lực.
Ông nói thêm: “Chúng tôi biết rằng tật khúc xạ chưa được điều chỉnh/điều chỉnh chưa đầy đủ (nhu cầu đeo kính hoặc kính áp tròng chưa được đáp ứng) và đục thủy tinh thể là những nguyên nhân phổ biến nhất và dễ khắc phục nhất trên toàn cầu.”
Các vấn đề về thị lực như bệnh tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, có thể không thể khắc phục được nhưng thường có thể phòng ngừa được bằng cách phát hiện và điều trị sớm.
Tiến sỹ Orlando Chan, một chuyên gia nhãn khoa ở Hong Kong, cho biết đục thủy tinh thể vẫn là nguyên nhân số một gây mù lòa trên toàn thế giới, nhưng chúng có thể khắc phục được.
Chan cho biết lão hóa là yếu tố nguy cơ đáng kể nhất đối với tình trạng suy giảm thị lực. Ngoài đục thủy tinh thể, các bệnh về mắt phổ biến khác là bệnh tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác hay còn gọi là AMD.
Ông nói AMD ảnh hưởng đến nhiều người hơn vì dân số già đang gia tăng. Nó không gây mù hoàn toàn mà gây ra ám điểm trung tâm - hay điểm mù - trong tầm nhìn của chúng ta.
Ông nói bệnh tăng nhãn áp thường được coi là “kẻ trộm thị giác thầm lặng” vì nó không có triệu chứng. Chan nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy những bệnh nhân đến với anh với bệnh tăng nhãn áp giai đoạn cuối.
Những người mắc bệnh tăng nhãn áp bị mất dần tầm nhìn - thường bắt đầu từ ngoại vi hoặc rìa ngoài. Mặc dù vậy, thị lực của họ có thể không thay đổi, nghĩa là nhiều người vẫn có thể nhìn thấy hoàn hảo với thị lực 20/20.
Ông nhấn mạnh đây là lý do tại sao việc sàng lọc bệnh tăng nhãn áp lại rất quan trọng, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao - bao gồm những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp.
Những người trên 50 tuổi nên kiểm tra mắt hàng năm. Ông nói khám mắt bằng phương pháp giãn đồng tử tạm thời có thể giúp chẩn đoán các tình trạng như bệnh tăng nhãn áp và AMD trước khi chúng trở nên nguy hiểm.
Do vậy, việc gặp bác sỹ nhãn khoa thường xuyên không chỉ giúp chúng ta đảm bảo việc có thể đọc tốt, nhìn tốt, thậm chí có thể giúp chúng ta bảo vệ bộ não của mình./.