Đâu là nơi ngòi nổ khủng hoảng tài chính năm 2019 bùng lên?

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư, phân tích kinh tế cảnh báo về “cuộc khủng hoảng năm 2019" và thậm chí là nguy cơ “suy thoái trong năm 2020."
Đâu là nơi ngòi nổ khủng hoảng tài chính năm 2019 bùng lên? ảnh 1(Nguồn: The Motley Fool)

Theo trang mạng scmp.com, sau khi các thị trường tài chính tạm biệt năm 2018 bằng những sóng gió và chào đón năm 2019 với không ít biến động, ngày càng có nhiều nhà đầu tư, phân tích kinh tế cảnh báo về “cuộc khủng hoảng năm 2019" và thậm chí là nguy cơ “suy thoái trong năm 2020."

Một phần lý do dẫn đến tâm lý này là suy nghĩ cho rằng “đã lâu rồi” thế giới chưa trải qua một cuộc khủng hoảng khác. Lịch sử kinh tế vài thập kỷ trở lại đây cho thấy các cuộc khủng hoảng tài chính thường diễn ra theo chu kỳ 5-7 năm/lần.

Lấy ví dụ, các cuộc khủng hoảng dầu mỏ từng diễn ra hồi thập niên 70 của thế kỷ trước, sau đó là cuộc khủng hoảng nợ khu vực Mỹ Latinh năm 1982, khủng hoảng thị trường chứng khoán Ngày thứ Hai Đen tối năm 1987, khủng hoảng Tequila năm 1994, khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, sự kiện năm 2000 và cuộc suy thoái toàn cầu ngay sau đó, hay khủng hoảng tín dụng và tài chính thế giới 2007-2008 và gần đây nhất là khủng hoảng nợ khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 2012.

Bảy năm sau những sự kiện kể trên, và hơn 10 năm sau khi Tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ, các thị trường tài chính đã tồn tại quá nhiều yếu tố cần phải sửa chữa, cũng như những rạn nứt mà sau các cuộc khủng hoảng trước người ta vẫn chưa thể hàn gắn được.

Tuy nhiên, dù nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng mới, nguyên nhân hay thời điểm mà nó có thể diễn ra lại là điều mà người ta vẫn còn đang tranh cãi.

Nhiều nhà quan sát tại phương Tây cho rằng Trung Quốc rất có thể sẽ là điểm khởi đầu của vòng xoáy rủi ro này. Họ chỉ ra rằng trong vòng 10 năm, mức nợ công của Trung Quốc đã tăng từ 150% lên 250% GDP, trong khi tăng trưởng kinh tế chững lại khiến khả năng thanh khoản nợ ngày càng yếu đi.

Trong khi đó, những người khác lại tỏ ý lo ngại về châu Âu, nơi Đức và Italy thực tế đang trong giai đoạn suy thoái mới, và cũng là nơi vòng luẩn quẩn giữa số trái phiếu chính phủ ngày càng tăng và nguồn vốn thâm hụt của các ngân hàng Italy đang nghiêm trọng hơn bao giờ hết, đe dọa làm bùng phát một cuộc khủng hoảng lòng tin mới tại khu vực đồng tiền chung châu Âu này.

Dù những lo ngại này là có thật, song khả năng cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo bắt nguồn từ Trung Quốc hay châu Âu thực tế lại không quá lớn.

Nguyên nhân là bởi các cuộc khủng hoảng thường không xảy ra do vỡ nợ mà là do việc các thể chế thiếu nguồn tiền mặt cần thiết để thanh khoản.

Tại Trung Quốc, nơi nhà nước sở hữu và kiểm soát hệ thống ngân hàng, các quan chức có quyền hạn và ảnh hưởng ở mọi cấp độ đủ để đảm bảo nguồn tiền mặt dồi dào trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, tại khu vực đồng euro, năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã cam kết “làm tất cả những gì cần thiết” để duy trì đồng euro.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng mới, ECB có thể một lần nữa dùng đến nguồn quỹ của mình để đối phó với những nguy cơ trước mắt. Động thái này không thể giải quyết các vấn đề cốt lõi của khu vực song cũng đủ để trì hoãn cuộc khủng hoảng mà nhiều người cho là sớm hay muộn sẽ diễn ra nếu giới quản trị kinh tế châu Âu không tiến hành các cải cách cơ cấu cần thiết.

Thực tế cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo rất có thể sẽ bắt nguồn từ Mỹ, với nhiều điểm rất giống với cuộc khủng hoảng năm 2008.

Trong giai đoạn trước năm 2008, tỷ lệ lãi suất thấp kéo dài đã khiến các ngân hàng nới lỏng việc cho vay đối với những đối tượng mạo hiểm, tái cấu trúc các khoản cho vay và bán chúng dưới dạng trái phiếu cho các nhà đầu tư. Khi đó, những người đi vay mạo hiểm thường là những người thực tế không đủ khả năng tài chính để mua bất động sản. Và ở thời điểm hiện tại, thay thế vị trí đó là các doanh nghiệp Mỹ. Mức lãi suất tiệm cận 0 được suy trì trong suốt gần một thập kỷ đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp này vay mượn vô tội vạ và kết quả là núi nợ chất chồng.

Nhiều doanh nghiệp vay mượn số tiền khổng lồ, không phải để đầu tư vào các tài sản sinh lời như các nhà máy mới, mà là để mua lại cổ phiếu, làm tăng giá trị chứng khoán và làm giàu cho giới lãnh đạo. Kết quả là trong 10 năm qua, giá trị trái phiếu tập đoàn của Mỹ đã tăng gấp 3 lần từ khoảng 2,5 nghìn tỷ USD lên mức 7,5 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, gần 45% số này bị xếp hạng ở mức “BBB” - chỉ hơn mức “rác” một bậc.

Đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, loại hình được gọi là “vay nợ đòn bẩy” - các khoản vay mở rộng dành cho những tập đoàn hoặc doanh nghiệp vốn đã có khoản nợ khá lớn - đã tăng gấp đôi lên mức 1,1 nghìn tỷ USD. Hầu hết các khoản vay này đều được tái cơ cấu và bán cho các nhà đầu tư dưới dạng “nghĩa vụ nợ thế chấp,” một loại chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản tái cấu trúc theo nhiều đợt - tương tự các khoản thế chấp mạo hiểm được tái cấu trúc và bán lại trong giai đoạn thập niên đầu của thế kỷ 21.

Tuy nhiên, chính thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới là nguyên nhân gây nhiều lo ngại nhất. Nói một cách ngắn gọn, thị trường ngày một lớn hơn trong khi nguồn tiền mặt cạn kiệt dần. Hầu hết thị trường trái phiếu doanh nghiệp do các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và các nhà đầu tư doanh nghiệp nước ngoài sở hữu, trong đó nhiều đơn vị bị cấm sở hữu trái phiếu lãi cao, các loại trái phiếu có mức uy tín thấp hay còn được gọi là “trái phiếu rác."

Đây là điều dễ hiểu bởi nền kinh tế Mỹ đang chững lại sau giai đoạn bùng nổ và các doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt thực tế lãi nhuận không còn dồi dào như trước. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lãi các khoản nợ.

[S&P dự đoán kinh tế thế giới 2019 đối mặt với nhiều gian nan]

Sớm hay muộn, những người đi vay bị xếp hạng BBB sẽ bị liệt vào danh sách uy tín thấp. Khi đó, các ETF và các nhà đầu tư doanh nghiệp sẽ tìm cách bán trái phiếu đang nắm giữ. Khi giới đầu tư hoảng loạn, giá trái phiếu doanh nghiệp của Mỹ sẽ lao dốc. Các ETF sẽ nhanh chóng bán tháo trái phiếu bằng bất kỳ giá nào và khiến giá càng sụt hơn nữa. Các quỹ rủi ro sẽ đối mặt với những đòi hỏi bổ sung nguồn tiền, một trách nhiệm mà họ không thể hoàn thành, và điều này lại càng làm dấy lên hoài nghi về sự minh bạch của các ngân hàng đầu tư liên quan.

Các ngân hàng khác sẽ dừng việc giao dịch với các ngân hàng đầu tư, tiền mặt trong hệ thống tài chính cạn kiệt, và thế giới bỗng chốc lại trở về bối cảnh khủng hoảng năm 2008, nguồn cơn dẫn đến sự sụp đổ của Lehman Brothers.

Tất nhiên, đó chỉ là phỏng đoán. Dù vậy, đó là kịch bản hoàn toàn có thể diễn ra, và là điều khiến giới đầu tư ngày càng bất an. Dù sớm hay muộn, một cuộc khủng hoảng tài chính chắc chắn cũng sẽ bùng phát, với mức độ tồi tệ hơn hoặc không bằng những gì đã được nhắc đến ở trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục