Dầu thô Mỹ ghi nhận chuỗi tăng giá theo tuần dài kỷ lục

Các chuyên gia nhận định triển vọng giá dầu vẫn khả quan trong phần còn lại của năm và dự kiến giá dầu Brent sẽ giao dịch ở mức 90 USD/thùng trong tháng 12/2021 và tháng 3/2022.
Dầu thô Mỹ ghi nhận chuỗi tăng giá theo tuần dài kỷ lục ảnh 1Một cơ sơ khai thác dầu tại Odessa, Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phiên giao dịch ngày 22/10 đã khép lại tuần thứ chín tăng giá liên tiếp của “vàng đen,” đánh dấu chuỗi tăng giá dài kỷ lục, nhờ sự nới lỏng các quy định hạn chế liên quan đến dịch COVID-19, sự phục hồi chậm chạp trong sản lượng dầu thô của Mỹ và những dự đoán nhu cầu năng lượng sẽ gia tăng trong các dịp lễ.

Khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2021 đã tăng 1,26 USD, hay 1,5%, lên 83,76 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 2,6%, qua đó đánh dấu tuần tăng giá thứ chín liên tiếp.

Đây là chuỗi khởi sắc dài nhất đối với dầu WTI kể từ khi số liệu giá dầu bắt đầu được thu thập vào tháng 4/1983.

Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12/2021 tăng 92 xu Mỹ, hay 1,1%, và đóng phiên ở mức 85,53 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 0,9%.

Ông Jay Hatfield, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Infrastructure Capital Advisors (Mỹ), cho biết giá dầu đang kéo dài đà khởi sắc gần 30% trong ba tháng qua, khi dịch COVID-19 đạt “đỉnh” và Mỹ mở cửa đối với du khách đã tiêm vaccine.

Infrastructure Capital Advisors dự đoán dầu sẽ được giao dịch trong khoảng giá 80-100 USD/thùng trong năm 2022, nhờ nhu cầu gia tăng từ hoạt động đi lại quốc tế và xu hướng chuyển từ khí tự nhiên sang dầu, giữa lúc giá khí tự nhiên toàn cầu đang ở mức tương đương 180 USD/thùng.

[Giá dầu có thể lên tới 100 USD một thùng trong nửa đầu năm 2022]

Số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes (Mỹ) ngày 22/10 còn cho thấy khả năng sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ giảm xuống, khi số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 2 giàn xuống còn 443 giàn trong tuần này. Đây là tuần đầu tiên số giàn khoan của Mỹ giảm xuống trong bảy tuần qua.

Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thế giới đi xuống sau khi chạm mức cao nhất của nhiều năm, khi sự nhiệt tình ban đầu về nhu cầu biến mất sau khi có thông tin cho thấy sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 9/2021 đã ghi nhận mức giảm sâu nhất trong bảy tháng.

Đáng chú ý, đầu phiên này, giá dầu Brent có thời điểm chạm mức cao nhất tính từ tháng 10/2018 là 86,04 USD/thùng, còn giá dầu WTI cũng tăng lên 83,87 USD/thùng - mức đỉnh kể từ tháng 10/2014.

Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới đầu tư Price Futures Group ở New York (Mỹ),5 cho biết thị trường khởi đầu tuần mới với nhiều lạc quan. Nhưng số liệu yếu kém về sản xuất công nghiệp của Mỹ khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào nhu cầu, và rồi Trung Quốc công bố những số liệu kinh tế làm gia tăng những lo lắng đó đã khiến giá dầu đảo chiều đi xuống.

Sau đó, giá dầu tăng liên tiếp trong hai phiên 19 và 20/10, sau khi lượng dầu tại kho dự trữ lớn nhất của Mỹ đã chạm mức thấp nhất trong ba năm, và lượng nhiên liệu dự trữ trên cả nước cũng giảm mạnh, cho thấy nhu cầu đang gia tăng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm 431.000 thùng trong tuần trước, trái ngược với dự đoán tăng. Bên cạnh đó, lượng xăng dự trữ cũng giảm mạnh, hơn 5 triệu thùng, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2019, do các nhà máy lọc dầu giảm hoạt động xử lý vì lý do bảo dưỡng.

Còn lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020. Cũng theo số liệu của EIA, lượng dầu dự trữ của Mỹ tại mỏ Cushing, Oklahoma đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018.

Sang phiên giao dịch ngày 21/10, giá dầu thế giới lại giảm xuống do dự báo về mùa Đông ấm áp của Mỹ đã làm đảo chiều đà tăng của giá dầu lên mức cao nhất trong ba năm trên 86 USD/thùng vào đầu phiên này do nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng mạnh.

Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, thời tiết mùa Đông ở phần lớn nước Mỹ dự kiến sẽ ấm hơn mức trung bình. Các chuyên gia cho rằng điều kiện khô hơn và ấm hơn trên khắp miền Nam và miền Đông nước Mỹ khiến nhu cầu năng lượng sưởi ấm giảm, gây áp lực lên giá dầu.

Theo các chuyên gia, các nhà giao dịch đã đặt mức giá 86 USD/thùng dầu làm ngưỡng bán chốt lời và kết quả là giá "vàng đen" đi xuống. Giá dầu cũng chịu áp lực từ việc giảm giá than và khí đốt tự nhiên. Tại Trung Quốc, giá than giảm 11%, kéo dài mức giảm trong tuần này kể từ khi Bắc Kinh phát đi tín hiệu có thể can thiệp để hạ nhiệt thị trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định triển vọng giá dầu vẫn khả quan trong phần còn lại của năm và chuyên gia Giovanni Staunovo của ngân hàng Thụy Sỹ UBS dự kiến giá dầu Brent sẽ giao dịch ở mức 90 USD/thùng trong tháng 12/2021 và tháng 3/2022.

Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty môi giới đầu tư OANDA (Mỹ) cho biết, tình trạng của thị trường dầu có vẻ sẽ trở nên thắt chặt hơn khi cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ trầm trọng hơn do thời tiết ở Bắc Bán cầu đã bắt đầu lạnh hơn.

Theo ông, trong khi thiếu hụt than, điện và khí đốt tự nhiên dẫn đến nhu cầu gia tăng đối với dầu thô, sản lượng từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất ngoài khối (nhóm OPEC+) hoặc Mỹ lại ít khả năng sẽ tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục