'Đầu tư công có trọng điểm, tập trung cho các dự án liên kết vùng'

Năm 2023, tình hình giải ngân vốn đầu tư công sẽ nặng nề hơn khi số vốn được giao theo kế hoạch trên 700.000 tỷ đồng cho các địa phương.
'Đầu tư công có trọng điểm, tập trung cho các dự án liên kết vùng' ảnh 1Tàu điện Metro Nhổn-Ga Hà Nội chạy qua ngã tư Phạm Hùng-Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Một trong những giải pháp giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công là tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung cho dự án liên kết vùng tạo không gian phát triển về kinh tế-xã hội các địa phương.

Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn trong cuộc họp báo Chính phủ ngày 3/3.

Cụ thể, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng đầu tư có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải và đặc biệt tập trung cho dự án liên kết vùng tạo không gian phát triển mới về kinh tế-xã hội cho các địa phương, chẳng hạn như đường cao tốc, công trình hạ tầng.

Trong 2 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 49.000 tỷ đồng). Tỷ lệ này thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, song xét về số giải ngân tuyệt đối thì cao hơn khoảng 4.600 tỷ đồng, tức là cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong những năm vừa qua và tỷ lệ giải ngân trong 2 tháng đầu năm là một con số rất tích cực.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động 6 tổ công tác của Chính phủ, đôn đốc các Bộ, ngành đẩy nhanh giải ngân đối với số vốn được giao.

“Các đơn vị cần chuẩn bị tốt các dự án đầu tư từ khâu phê duyệt đến lựa chọn; tập trung tháo gỡ về thể chế và giải phóng mặt bằng đồng thời giải quyết khó khăn về nguyên vật liệu, nhất là đất cát san lấp, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, đôn đốc thực hiện dự án của các nhà thầu để bảo đảm giải ngân đúng tiến độ; giải quyết vướng mắc đối với các dự án ODA,” Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu vấn đề.

[Quyết tâm giải ngân hơn 95% vốn đầu tư công của năm 2022]

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, ngay từ năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng ban hành 12 nghị quyết (3 nghị quyết chuyên đề), 4 công điện, 7 văn bản; tổ chức 3 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng làm Tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân.

'Đầu tư công có trọng điểm, tập trung cho các dự án liên kết vùng' ảnh 2Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các tổ công tác đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc, đánh giá và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các bộ, ngành địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp với tinh thần tháo gỡ những "nút thắt," "điểm nghẽn," đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực. Giải ngân năm 2022 (tính đến hết tháng 1/2023) là trên 541.000 tỷ đồng, đạt gần 93,5% kế hoạch, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103.000 tỷ đồng) so với năm 2021.

Năm 2023, tình hình giải ngân vốn đầu tư công sẽ nặng nề hơn khi số vốn được giao theo kế hoạch trên 700.000 tỷ đồng cho các địa phương. Do đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt và ngay từ đầu năm Chính phủ đã có hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục