Đầu tư hệ sinh thái để nâng cao an ninh lương thực

Theo UNEP và các đối tác, đầu tư vào các hệ sinh thái có thể giúp nâng cao an ninh lương thực, khả năng đối phó với biến đổi khí hậu.
Báo cáo “Giải pháp hệ sinh thái đối với nước và an ninh lương thực” nhận định rằng đầu tư vào các hệ sinh thái có thể giúp nâng cao an ninh lương thực, khả năng đối phó với biến đổi khí hậu và mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các cộng đồng dân cư nghèo.

Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và các đối tác đã công bố báo cáo “Giải pháp hệ sinh thái đối với nước và an ninh lương thực,” ngày 22/8, tại Stockholm, Thụy Điển, nhân Tuần lễ nước thế giới.

Báo cáo tập trung phân tích vấn đề quản lý và đầu tư vào mối quan hệ giữa các hệ sinh thái, nước và lương thực thông qua việc đa dạng hóa mùa màng, trồng cây trên đất nông nghiệp và cải thiện việc thu gom nước mưa và các hoạt động thiết thực khác.

Báo cáo cho rằng một trong những thách thức chính của việc nâng cao sản lượng lương thực là việc có sẵn nguồn nước để phục vụ cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, tưới cây, nuôi trồng thủy sản. Ví dụ, mực nước trong đất đang giảm nhanh ở nhiều khu vực trồng ngũ cốc và gạo quan trọng như đồng bằng phía Bắc Trung Quốc, khu vực Punjab của Ấn Độ hay miền Tây nước Mỹ.

Do vậy, việc duy trì các hệ sinh thái khỏe mạnh, có khả năng phục hồi nhanh nhằm đảm bảo có sẵn nước cho nông nghiệp và các dịch vụ sinh thái khác là rất quan trọng đối với an ninh lương thực lâu dài.

Báo cáo cũng đưa ra những đề xuất tăng sản lượng lương thực cho các khu vực đất khô, khu vực đầm lầy, các hệ thống mùa màng, các hệ thống ngư nghiệp và chăn nuôi.

Theo báo cáo, tình trạng thiếu nước và suy thoái đất là hạn chế lớn nhất đối với việc sản xuất lương thực ở các khu vực đất khô, nơi cư trú của hơn 30% dân số, 44% các hệ thống canh tác và khoảng 50% vật nuôi của thế giới.

Đối với các vùng đất này, báo cáo cho rằng nên tạo ra các hành lang để khuyến khích việc di chuyển gia súc, qua đó giúp giảm việc chăn thả quá mức và suy thoái đất do việc quá nhiều động vật tập trung ở một khu vực nhỏ gây ra, cũng như giúp canh tác các cây trồng thích ứng với điều kiện khô hạn tốt hơn.

Để thúc đẩy an ninh lương thực, báo cáo lưu ý rằng các hệ dịch vụ sinh thái cho nông nghiệp cũng có thể giúp nâng cao tiêu chuẩn sống và thu nhập.

Ví dụ, khu vực Amazon của Peru là nơi trú ngụ của nhiều cộng đồng coi hệ sinh thái rừng làm nguồn cung cấp lương thực, kế sinh nhai và các hoạt động văn hóa. Gần đây, các nhóm bảo tồn đã làm việc với người dân địa phương để phát triển nông nghiệp và kinh tế.

Thông qua việc quản lý hệ sinh thái tốt hơn, khoảng 600 hộ gia đình đã thấy thu nhập của họ tăng lên, chủ yếu là thông qua nguồn thu từ các trang trại nuôi cá có năng suất cao hơn và nông lâm kết hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục