Họa sỹ CAT - Đào Anh Thơ với bức sơn mài nặng 250kg, tác phẩm đầu tiên trong series "Nước Mỹ bây giờ." (Ảnh: Lê Lai/Vietnam+
Họa sỹ CAT - Đào Anh Thơ với bức sơn mài nặng 250kg, tác phẩm đầu tiên trong series "Nước Mỹ bây giờ." (Ảnh: Lê Lai/Vietnam+

CAT - Đào Anh Thơ: Kẻ 'ngoại đạo' bỗng 'thức giấc' trở thành họa sỹ

Họa sỹ CAT "khởi nghiệp" khá muộn song cô đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với công chúng yêu nghệ thuật nhờ sức sáng tạo dồi dào và phong cách riêng có.

Họa sỹ CAT - Đào Anh Thơ (sinh năm 1989), con gái của hai họa sỹ Đào Anh Khánh-Bùi Mai Hiên, vốn đang làm việc trong ngành tài chính, hoàn toàn không liên quan gì đến nghệ thuật. Sau một cú sốc về tinh thần, cô bỗng nhiên cầm bút và vẽ.

Khởi nghiệp bằng những bức phác thảo bằng bút bi, chỉ sau 3 năm, CAT “trình làng” bộ sưu tập sơn mài đồ sộ, có bức nặng tới 250kg, khiến công chúng yêu nghệ thuật phải kinh ngạc.

'Thức giấc' thành họa sỹ

CAT sinh ra trong một gia đình lúc nào cũng tràn ngập bầu không khí nghệ thuật, cha là họa sỹ-nghệ sỹ trình diễn Đào Anh Khánh, mẹ là họa sỹ sơn mài nổi tiếng Bùi Mai Hiên nhưng CAT thường bỏ qua những gì liên quan đến nghệ thuật, ngoại trừ thú vui nặn tượng lúc nhỏ.

Trưởng thành, cô hứng thú hơn với tài chính-kiểm toán và đã đi du học cũng như làm việc ở nhiều nước trên thế giới về lĩnh vực này. CAT từng là một người “ngoại đạo” đối với công việc nghệ thuật của bố mẹ, và chưa từng nghĩ mình sẽ có ngày cầm bút, cầm cọ. Việc duy nhất liên quan đến nghệ thuật mà cô làm là quản lý tài chính, phối hợp tổ chức các sự kiện nghệ thuật của họa sỹ Đào Anh Khánh.

Cho đến năm 2021, khi CAT gặp một biến cố trong cuộc sống riêng, đẩy cô đến lằn ranh sinh-tử. Sau một đêm tỉnh dậy, khi tâm trí đã bình tĩnh trở lại, việc đầu tiên cô nghĩ đến là cầm bút vẽ. Đó là một cây bút bi bởi trong nhà cô lúc đó không có bất cứ họa phẩm nào.

hoa-bong-bong-295.jpg
Hai phiên bản phác thảo và sơn mài của tác phẩm "Hoa bồng bồng."

“Tôi không có sự chuẩn bị nào hết, cứ vẽ từ trí tưởng tượng của mình ra thôi. Những bức vẽ biến đổi từng ngày. Và tới bức vẽ thứ 5, tôi gửi cho bố xem giữa đêm. Ông bất ngờ đến mức kinh ngạc,” CAT kể.

Trong suốt một năm sau đó, CAT chỉ đắm mình trong những bức vẽ. Mỗi ngày cô vẽ tới 18 tiếng đồng hồ, mê mải, hối hả để bắt kịp những gì trí tưởng tượng trao cho mình.

Từ sự gợi ý của họa sỹ Đào Anh Khánh, CAT quyết định học mẹ cách làm sơn mài để phát triển các bức phác thảo của mình.

Họa sỹ Bùi Mai Hiên cũng rất ngạc nhiên bởi bà đã phải dành ra ngót nghét cả chục năm để thành thạo kỹ thuật vẽ, vậy mà ở tuổi ngoài 30, CAT mới bắt đầu học sơn mài.

Vậy mà chỉ trong quãng thời gian tính bằng tuần, CAT đã học được cách làm sơn mài để tự tay thực hiện những bức tranh khổ lớn, phóng lên từ các phác thảo bút bi.

sketches.png
Đào Anh Thơ - CAT bên các bức phác thảo bút bi của mình. (Ảnh: NVCC)

CAT cho hay cô vẽ tất cả những gì cô “nhìn thấy” trong tâm trí mình. CAT vẽ về mọi thứ xung quanh như con mèo, những con mắt, hoa ban, những người phụ nữ…

Trong tranh của CAT, hình ảnh được nhìn thấy nhiều nhất là những đôi mắt. Chia sẻ về điều này, CAT cho hay thứ mà cô nhìn thấy rõ ràng nhất ở mỗi người khi gặp gỡ, trò chuyện chính là đôi mắt. Đó cũng là điều ám ảnh, khiến cô phải mô tả lại nó bằng nhiều cách trong các bức vẽ của mình.

CAT không có ý định đi theo sơn mài truyền thống hoàn toàn với những màu son, màu lam, vỏ trai, vỏ trứng. Cô dùng loại sơn mỹ thuật cao cấp được ưa chuộng ở thị trường nghệ thuật quốc tế, phù hợp với ngôn ngữ tạo hình của một người trẻ và tư duy mỹ thuật cá nhân.

Là sơn mài, nhưng người xem có thể nhận ra được những nét quệt mang dáng dấp của sơn dầu, đầy phóng khoáng và bay bổng. Với CAT, dường như chẳng có biên giới nào cho thể loại hay phong cách, chỉ có vũ trụ vô biên của trí tưởng tượng mà cô gọi là MetaReverse – thứ mà cô đang mải miết khám phá từng ngày.

'Tin vào cái đẹp cuối cùng'

Năm 2023, CAT đã chính thức ra mắt công chúng yêu nghệ thuật với bộ sưu tập tranh sơn mài “The Rebirth” (Tái sinh) gồm 17 tranh sơn mài, kích thước 168cm x 120cm. Và nay, cô lại tiếp tục giới thiệu bộ tranh “American Now” (Nước Mỹ bây giờ).

“Tôi đã đi qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cuối cùng tôi đúc kết một điều, làm gì cũng phải có gốc. Gốc của tôi là người Việt Nam. Tôi cần có sự ủng hộ, có lực đẩy của đất nước mình rồi mới đi xa được,” CAT bày tỏ.

Vậy là sau khi “Tái sinh,” cô quyết định “mở” thế giới nội tâm của mình ra với mọi người, từ nước Mỹ, CAT sẽ tiếp tục giới thiệu trải nghiệm cá nhân tại các quốc gia khác như Ấn Độ, Pháp, Trung Quốc… trong vòng 4 năm tới.

CAT-ve-khap-noi (2).jpg
CAT-ve-khap-noi (3).jpg
CAT-ve-khap-noi (4).jpg
CAT-ve-khap-noi (1).jpg
CAT đã đi nhiều nơi trên thế giới để vẽ. (Ảnh: NVCC)

“Tôi đã hoàn thành các phác thảo, từ đó tôi sẽ phóng thành các bức sơn mài khổ lớn. Tâm điểm của dự án đang là bức tranh có kích thước 360cm x 480cm, nặng gần 250kg. Do kích thước lớn mà tôi đã phải lựa chọn rất kỹ để có tấm vóc ưng ý cho bức tranh này,” CAT cho biết.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, CAT cho hay chính cô cũng sốc khi quyết định trở thành nghệ sỹ ở tuổi 32.

“Sau một thời gian thì tôi nhận ra việc mình đi theo nghệ thuật có thể là đủ duyên thì hoa sẽ nở. Tôi đã trải qua ngọt bùi, cay đắng, rất nhiều biến cố, thăng trầm của cuộc sống và đây là thời điểm tôi được đón nhận nguồn năng lượng lớn. Tôi có một niềm tin mãnh liệt vào sứ mệnh của bản thân khi làm nghệ thuật,” CAT bày tỏ.

Phiêu lãng trong nghệ thuật nhưng tư duy logic của một chuyên gia tài chính giúp CAT tính toán tỉ mỉ và lên kế hoạch cụ thể cho dự án của mình để chắc chắn trong vòng 4 năm, cô sẽ hoàn tất dự án sơn mài cỡ lớn của mình.

CAT-tranh (4).jpg
CAT-tranh (5).jpg
CAT-tranh (6).jpg
CAT lựa chọn theo đuổi sơn mài nhưng không đưa vào đó nhiều nét phá cách hiện đại của một nghệ sỹ trẻ. (Ảnh: Robert Cossak/Vietnam+)

Nhận xét về tác phẩm của CAT, Phó Giáo sư Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nói: “Tôi thấy cảm xúc mạnh, có gì đó cuốn hút người xem từ những đường nét uốn lượn trong từng tác phẩm. Ngôn ngữ hội họa có nhiều điều để nói, vẽ cái cây ra cái cây đã không dễ dàng, nhưng vẽ cái cây không chỉ là cái cây mà còn biểu thị những thứ khác thì càng không dễ.”

Phó Giáo sư-Tiến sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền ví việc CAT đến với nghệ thuật cũng giống như gặp "tiếng sét ái tình" của định mệnh: “Xem tranh của CAT… tôi như thấy bóng dáng phiêu diêu, hoang dã của cha cô - nghệ sỹ Đào Anh Khánh và cái nhiệt huyết đằm thắm của mẹ cô - họa sỹ Bùi Mai Hiên. Tất cả ào ạt trên mặt tranh, hồn nhiên, không bị bất cứ giới hạn nào trói buộc nào của kiến thức hội họa.”

Đây là thời điểm tôi được đón nhận nguồn năng lượng lớn. Tôi có một niềm tin mãnh liệt vào sứ mệnh của bản thân khi làm nghệ thuật. - Họa sỹ CAT

Khi xem những bản phác thảo nhỏ của CAT, nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền đã cảm nhận dường như trong cô gái này có sức sống, nội lực mạnh mẽ và đầy nữ tính. Những câu chuyện mang hơi thở đời sống rất đàn bà, đó là tình cảm với bố mẹ, chuyện tình yêu, con cái… được CAT thể hiện qua ngôn ngữ hội họa một cách tự nhiên.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích thì tỏ ra ấn tượng với phong cách làm việc chuyên nghiệp, tỉ mỉ của CAT.

"Tôi rất ngạc nhiên vì các bức phác thảo được vẽ hoàn toàn bằng bút bi, không có một nét thừa, cũng không có một dấu vết tẩy xóa. Theo lý giải của CAT, trong lúc làm nghệ thuật cô luôn tập trung cao độ. Cô vẽ trong sự tin tưởng tuyệt đối vào năng lượng sáng tạo, tin vào cái đẹp cuối cùng," nhiếp ảnh gia Lê Bích chia sẻ./.

Triển lãm "America Now" (Nước Mỹ bây giờ) của họa sỹ CAT diễn ra từ 22/5-21/6 tại MetaReverse Art Gallery, D1-24 Phố Đào Hinh, Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội. Triển lãm trưng bày 22 bức tranh bút bi và 1 bức tranh sơn mài khổ lớn đầu tiên của series "America Now."

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục