Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững

Với dân số hơn 2 tỷ người, thị trường Halal đang được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt với các nước có nhiều lợi thế về xuất khẩu nông sản, thủy sản như Việt Nam.

Hoàn thiện sản phẩm cá ngừ xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải (Phú Yên). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Hoàn thiện sản phẩm cá ngừ xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải (Phú Yên). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 22/10, Hội nghị Halal toàn quốc “Phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững” do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng tổ chức, sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị thu hút khoảng 400 đại biểu trong và ngoài nước, là hội nghị toàn quốc đầu tiên về chủ đề xây dựng và phát triển ngành Halal, qua đó góp phần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong phát triển ngành Halal giữa Việt Nam với các quốc gia Hồi giáo và các thị trường Halal quan trọng.

Halal-thị trường tiềm năng trên toàn cầu

“Halal” là một thuật ngữ Arab có nghĩa "hợp pháp" hoặc “được phép dùng." Đối lập với Halal là “Haram," nghĩa là “trái luật” hoặc “bị cấm." Sản phẩm Halal là sản phẩm người Hồi giáo được phép ăn uống hoặc sử dụng. Nói một cách khác, người Hồi giáo chỉ sử dụng các sản phẩm Halal và như vậy, chứng nhận Halal là yêu cầu tiên quyết đối với các sản phẩm xuất khẩu vào các nước Hồi giáo nói chung.

Hiện nay, thị trường Halal toàn cầu có quy mô, tiềm năng lớn và đa dạng về lĩnh vực. Số lượng tín đồ Hồi giáo năm 2024 đạt khoảng 2,02 tỷ người, chiếm gần 25% dân số thế giới, và dự báo sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu được dự báo đạt 10.000 tỷ USD trước năm 2028.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp các châu lục trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường.

Sự tăng trưởng theo cấp số nhân của dân số Hồi giáo, cùng với việc nâng cao nhận thức và tuân thủ các nguyên tắc thực hành Halal đã thúc đẩy thị trường này ngày càng rộng lớn.

Thực phẩm Halal đang dần trở thành một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở nhiều quốc gia, thực phẩm Halal không chỉ dành riêng cho người Hồi giáo mà còn được người tiêu dùng không theo đạo Hồi lựa chọn, mở ra cơ hội giao lưu giữa các dân tộc và tôn giáo khác nhau.

Đặc biệt, Halal không dừng lại ở những quy chuẩn ăn uống mà nhiều sản phẩm khác như mỹ phẩm, dược phẩm, thậm chí cả quần áo cũng cần phải tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi mọi nguyên liệu phục vụ thị trường Halal phải được lấy từ các nguồn hợp pháp theo quy định của đạo Hồi, không gây hại đến môi trường và cộng đồng.

Tiêu chuẩn Halal bao gồm các quy định, thể hiện sự phù hợp dành cho người tiêu dùng Hồi giáo. Chứng nhận Halal là một căn cứ để chứng minh các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm Halal tuân thủ các quy định của luật Hồi giáo. Thực phẩm Halal được định nghĩa là thực phẩm không có thành phần mà cộng đồng Hồi giáo không được phép tiêu thụ.

Theo quy định của luật Hồi giáo, thực phẩm Halal được sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối theo các quy trình nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Do đó, các thực phẩm Halal được chứng nhận là những sản phẩm đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, đạo đức trong quy trình chế biến, chất lượng, xanh, sạch, đảm bảo sức khỏe.

Thực phẩm Halal bao gồm thịt gia súc, gia cầm, hải sản, trái cây, rau quả, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, dầu ăn, chất béo, bánh kẹo... Thịt gia súc, gia cầm và hải sản là những phân khúc cơ bản và chiếm phần lớn thị phần trong thị trường thực phẩm Halal. Đặc biệt, thịt tiêu chuẩn Halal cực kỳ quan trọng đối với người tiêu dùng Hồi giáo. Nhu cầu về thịt tiêu chuẩn Halal, bao gồm thịt bò, thịt cừu, thịt gà và hải sản, vẫn luôn ở mức cao.

Thị trường thực phẩm Halal yêu cầu chứng nhận nghiêm ngặt để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn Halal. Để đáp ứng tiêu chí này, thực phẩm Halal phải được sản xuất, chế biến thông qua các quy trình đảm bảo vệ sinh và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Việc thiếu các tiêu chuẩn và hướng dẫn trong quy trình chứng nhận là một trong những vấn đề chính mà ngành thực phẩm Halal toàn cầu đang phải đối mặt.

Có thể nói, tiêu chuẩn Halal là biểu tượng cho một lối sống, một nền văn hóa tôn trọng đạo đức, tâm linh và sự bền vững. Đặc biệt, trong thế giới hiện đại, khi những giá trị truyền thống và nhu cầu tiêu dùng được đề cao, tiêu chuẩn Halal lại càng khẳng định được vị thế, đưa các giá trị Hồi giáo len lỏi sâu vào đời sống của những cộng đồng văn hoá khác nhau.

ttxvn-thanh long.jpg
Thanh long Tiền Giang đã được cấp 125 mã vùng trồng cấp xuất sang thị trường nước ngoài. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Thuận lợi và thách thức với Việt Nam

Với dân số hơn 2 tỷ người, thị trường các nước Hồi giáo (thị trường Halal) đang được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt với các nước có nhiều lợi thế về xuất khẩu nông sản, thủy sản như Việt Nam.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Halal toàn cầu. Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu nông, thủy sản với tiêu chuẩn cao; cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của nước ta mang tính bổ sung đối với thị trường các nước Hồi giáo; có điều kiện tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...

Theo các chuyên gia nhận định, Việt Nam có nhiều cơ hội để xây dựng và phát triển ngành Halal thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc gia, tham gia sâu, hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu dựa trên 3 yếu tố thuận lợi chính, bao gồm thế mạnh về sản xuất, xuất khẩu và phát triển các ngành nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may...

Thị trường rộng mở với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết; các chính sách, chiến lược, cơ sở pháp lý quan trọng về Halal được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy xây dựng và triển khai, nổi bật là Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính ban hành ngày 14/02/2023. Đây là Đề án đầu tiên đưa ra các định hướng lớn, chiến lược, tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, qua đó giúp Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào thị trường Halal toàn cầu.

Tiếp đó, ngày 24/4/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố quyết định thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT), giúp thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng nhận Halal và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cấp giấy chứng nhận Halal tại Việt Nam... Đây được coi là những tấm “hộ chiếu” giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể khai mở được thị trường Halal giàu tiềm năng.

Mặc dù vậy, để đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt chứng nhận Halal vẫn đang là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp Việt.

Nhằm tiếp cận và khai thác thị trường Halal, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và nhiều địa phương trong cả nước đã và đang đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách thương mại, văn hóa, tập quán tiêu dùng của thị trường Hồi giáo đến doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận, tham gia hiệu quả thị trường tiềm năng này.

Tuy nhiên, theo Bà Phạm Hoài Linh, Phó Trưởng Phòng Tây Á-châu Phi (Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương), hiện Halal là khái niệm còn ít được biết đến đối với cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp. Trong khi đó, quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận Halal đang có xu hướng ngày càng khắt khe, đa dạng và phức tạp hơn. Chứng nhận Halal cũng không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở các quốc gia với tất cả các mặt hàng và hiện đang tồn tại rất nhiều hệ thống, tiêu chuẩn Halal khác nhau cho từng sản phẩm.

Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần cũng như phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp. Mặt khác, chi phí đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguồn nguyên liệu an toàn trong các khâu từ đóng gói, vận chuyển, bảo quản,… theo tiêu chuẩn Halal thường cao hơn so với sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thường, trong khi đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đều gặp hạn chế về vốn.

Không những vậy, xuất khẩu thực phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực. Trong đó, các nước Hồi giáo như Indonesia, Malaysia, Pakistan, Bangladesh vừa là nhà nhập khẩu, nhưng cũng là những nhà cung cấp sản phẩm Halal lớn nhất thế giới.

ttxvn-trung ga.jpg
Dây chuyền đóng gói sản phẩm trứng gà. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Một số nước khác trong khu vực dù không phải quốc gia Hồi giáo như Thái Lan, Singapore do có nhận thức tốt về tiềm năng thị trường Halal nên đã dành sự quan tâm và tập trung phát triển ngành công nghiệp cũng như xuất khẩu sản phẩm Halal.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia nhận định, việc đào tạo tiêu chuẩn Halal được coi là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp tuân thủ quy định tôn giáo và pháp luật, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và tăng cường danh tiếng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Hồi giáo, việc hiểu và thực hiện đúng các tiêu chuẩn Halal trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo ông Abbas, Chủ tịch Halal Việt Nam, chứng nhận Halal không chỉ đơn thuần là một con dấu trên sản phẩm; nó là biểu tượng của sự cam kết với chất lượng và sự tôn trọng đối với nhu cầu của người tiêu dùng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc duy trì và nâng cao chất lượng chứng nhận Halal không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm chung của toàn ngành.

Ông Abbas, Chủ tịch Halal Việt Nam cho biết, Halal Việt Nam cam kết tiếp tục làm việc với tất cả các bên liên quan để bảo đảm các sản phẩm và dịch vụ Halal không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu.

Phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững

Nhằm góp phần tăng cường hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế trong phát triển ngành Halal giữa Việt Nam với các quốc gia Hồi giáo và thị trường Halal quan trọng, Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức Hội nghị Halal toàn quốc đầu tiên về “Phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững” tại Hà Nội ngày 22/10.

Hội nghị có sự tham dự của khoảng 400 đại biểu trong và ngoài nước, gồm các bộ, ban, ngành và một số địa phương Việt Nam; một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước đã sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal; đại diện một số Hiệp hội và viện nghiên cứu, trường đại học liên quan; đại diện một số chức sắc Hồi giáo và một số tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam; cơ quan quản lý Halal một số nước; đại diện một số tổ chức quốc tế và khu vực; một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội; doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, kinh doanh liên quan đến Halal...

Hội nghị Halal toàn quốc nhằm xác định các khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thúc đẩy xây dựng, phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp và toàn diện; nâng cao nhận thức của các quốc gia, tổ chức trong khu vực và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực Halal với Việt Nam; đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền về Halal cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân Việt Nam; tăng cường kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác tiềm năng của khu vực và quốc tế.

Với 2 phiên thảo luận chính, Hội nghị lần này tập trung vào các nội dung tiềm năng, kết quả, định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam từ góc độ cơ quan quản lý và địa phương Việt Nam; các thuận lợi và khó khăn cần tháo gỡ của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường Halal toàn cầu; vai trò và việc phát huy các nguồn lực nội bộ, trong đó có cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam trong phát triển ngành Halal Việt Nam; cơ hội, sự cần thiết tăng cường hợp tác quốc tế phát triển ngành Halal; tiềm năng, lĩnh vực hợp tác về Halal giữa Việt Nam với một số quốc gia Hồi giáo/thị trường Halal trọng điểm trên thế giới; nhu cầu, kinh nghiệm tăng cường hợp tác quốc tế của các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam.

Việc tham gia hiệu quả, bài bản vào thị trường Halal toàn cầu sẽ giúp Việt Nam khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước, qua đó hình thành nên một cấu phần mới, quan trọng của nền kinh tế, đó là hệ sinh thái Halal./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục