ĐBSCL tìm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Thay đổi môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu và các thiên tai là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với ĐBSCL.
Ngày 4/6, tại Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam, và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo về thích ứng với biến đổi khí hậu và vấn đề di cư ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng nếu mực nước biển dâng lên thêm 1 mét thì có đến 1/3 diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và 1/4 diện thích Thành phố Hồ Chí Minh bị ngập sâu trong nước.

Do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, cộng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng, việc di cư một chiều từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến các đô thị thương mại và công nghiệp trong cả nước diễn ra ngày một tăng.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, hiện Đồng bằng sông Cửu Long có mật độ dân số cao (chỉ sau Đồng bằng sông Hồng) với 80% dân số sống ở nông thôn và 1/4 trong số này không có đất nông nghiệp phải làm thuê chủ yếu trong nông nghiệp.

Việc cơ giới hóa nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến giảm nhu cầu lao động nông nghiệp và thiếu việc làm.

Trong khi đó, nhu cầu lao động từ các hoạt động công nghiệp và dịch vụ ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ tạo ra lực hút lớn đối với di dân ra khỏi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vùng có tỷ lệ xuất cư cao nhất nước, kể cả nông thôn và đô thị, cao hơn gấp 3-4 lần so với số người nhập cư vào các tỉnh.

Các tỉnh Đông Nam bộ là nơi đến chủ yếu của di dân từ Đồng bằng sông Cửu Long, kể cả di cư nông thôn, di cư đô thị và tỷ lệ nữ di cư cao hơn nam giới. Ngược lại, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại có tỷ lệ nhập cư thấp nhất nước, chỉ có hai địa phương Cần Thơ và Long An là có tỷ lệ nhập cư khá so với các tỉnh trong vùng.

Điều đó khẳng định tính dễ tổn thương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cũng nhận định di cư phần lớn vẫn bị nhìn nhận là một hệ quả tiêu cực của biến đổi môi trường…

Do đó các tổ chức, địa phương cần có chính sách và chiến lược thích ứng với vấn đề di cư biến động của dân cư Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như tìm ra các giải pháp khả thi nhất nhằm xây dựng khả năng chống chịu cho cư dân trong vùng trước thách thức của biến đổi môi trường và biến đổi khí hậu./.

Thanh Sang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục