Để du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Để bứt phá, ngành du lịch thành phố vẫn đang chờ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Trong khi thành phố Hà Nội hối hả đầu tư cho các dự án giao thông, đô thị, thương mại…, thì ngành du lịch Hà Nội lặng lẽ đưa lại thu nhập xã hội 27.000 tỷ đồng năm 2010, 30.000 tỷ đồng năm 2011 và dự kiến sẽ tăng cao trong năm nay.

Ước 6 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách du lịch đạt trên 8 triệu lượt người, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó khách quốc tế đạt trên 1 triệu lượt người, tăng 20%.

Như vậy, nếu du lịch được quan tâm, đầu tư đúng mức là ngành kinh tế mũi nhọn thì lượng khách đến Hà Nội sẽ tăng tốt hơn và thu nhập xã hội từ du lịch cũng khả quan hơn. Những người làm du lịch vẫn đang chờ đợi điều đó.

Quy hoạch du lịch chỉ là nền tảng

Hiện tại, để đầu tư sâu rộng cho các chương trình, dự án du lịch phục vụ nhu cầu trước mắt và lâu dài, ngành du lịch thành phố vẫn đang chờ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành và đó chính là nền tảng, hành lang cho sự phát triển tiếp theo.

Ông Mai Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: “Khi xong quy hoạch tổng thể, chúng tôi sẽ tiến hành quy hoạch chi tiết như quy hoạch về mạng lưới cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch, giao thông phục vụ phát triển du lịch… đồng thời xây dựng các đồ án, dự án đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư sản phẩm du lịch: sản phẩm du lịch cộng đồng ở Ba Vì, du lịch làng nghề, làng cổ Đông Ngạc, khai thác không gian lễ hội Gióng, phát triển du lịch tại Hoàng thành Thăng Long…”

Cùng với việc hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội, thành phố cũng xây dựng một chiến lược phát triển du lịch Hà Nội; hệ thống hành động quảng bá xúc tiến du lịch và được hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách đồng bộ.

Theo đó, là việc nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch, đẩy mạnh phân cấp cho địa bàn. “Với những cố gắng đó, hy vọng du lịch Hà Nội sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn, ngày càng hấp dẫn du khách hơn” – Ông Mai Tiến Dũng cho hay.

 Phải có cách nhìn đặc thù và chỉ đạo đặc thù

Khi đã xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp không khói có tốc độ phát triển nhanh; không cách nào khác du lịch Hà Nội cần sự quan tâm và chỉ đạo tích cực của thành phố; sự đồng cảm, chia sẻ, phối kết hợp tốt của các ban, ngành liên quan.

Sở dĩ các địa phương có ngành du lịch phát triển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa….; sự thành công của du lịch chính là kết quả của tổng lực các cấp ngành, toàn dân cùng tham gia làm du lịch. Nhưng các nơi đó phải có một tổng chỉ huy điều hành, quyết định, giám sát các hoạt động liên quan đến du lịch.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Lân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội băn khoăn: “Để phát triển du lịch Hà Nội trong thời gian tới được xứng tầm, có sự đột phá; điều quan trọng nhất cần sự thay đổi tư duy của lãnh đạo các cấp”.

Không thể phủ nhận sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong thời gian qua và hiện nay, nhưng du lịch Hà Nội cần được xác định là ngành kinh tế được ưu tiên để từ đó có những định hướng phát triển phù hợp.

“Thành phố cần định vị cụ thể thì mới có chính sách ưu tiên, có tiêu chuẩn cụ thể để có quyết định trong hoạch định chính sách phát triển chung và chính sách phát triển của các ngành, các lĩnh vực liên quan như xây dựng, giao thông, văn hóa, giáo dục…” - Ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Hanoi Red Tours khẳng định.

Và khi đánh giá công lao của ngành du lịch không phải là phép cộng năm nay ngành du lịch đóng góp được bao nhiêu? Đón được bao nhiêu khách? Mà phải xem ngành du lịch đón được bao nhiêu khách vào? Đưa bao nhiêu khách đi? Quảng bá thương hiệu cho Hà Nội như thế nào? Thúc đẩy các ngành khác ra sao? Hỗ trợ tỉnh bạn như thế nào? Đó mới là điều quan trọng. Du lịch là ngành đặc thù nên phải có cách nhìn đặc thù và chỉ đạo đặc thù.

Cũng chính vì thế, theo nhận định của các chuyên gia du lịch, ngành du lịch Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai trung tâm du lịch lớn của cả nước cần có một hệ thống hoạt động riêng biệt để phát triển xứng tầm.

Đến nay, ngành du lịch Hà Nội vẫn đang chờ đợi một giải pháp để bứt phá, sớm khẳng định vị thế của mình ở trong nước và khu vực./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục